Quá khứ thiếu, hiện tại cấp bách
Trách nhiệm đưa sử Việt đến giới trẻ được đặt ra cấp bách khi những điều tra xã hội học gần đây cho thấy những người Việt trẻ đang có khuynh hướng yêu mến sử Tàu hơn sử Việt - họ biết rõ Càn Long là vị vua thời nào của Trung Quốc trong khi không biết nhiều về Trần Hưng Đạo hay Nguyễn Trãi. Không chỉ vậy, trong các kỳ thi vào đại học gần đây, những cô tú, cậu tú đã bộc lộ nhiều lỗ hổng kiến thức đáng kể về mặt lịch sử với các bài thi làm cho giám khảo chấm thi phải "dựng tóc gáy" và "cười ra nước mắt".
Hàng loạt phim lịch sử, dã sử của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc được phát sóng liên tục trên truyền hình Việt cũng góp phần tạo nên một thế hệ người Việt trẻ hiểu sử Tàu, sử Hàn hơn sử ta và buộc những người có trách nhiệm nhìn lại các bộ phim Việt Nam về đề tài lịch sử. Một điều dễ thấy là thời gian qua số lượng phim đề tài lịch sử của chúng ta đã ít mà phim đủ chất lượng hấp dẫn khán giả lại còn ít hơn. Cá biệt như bộ phim Hoàng Lê nhất thống chí bị dư luận chê bai quá nhiều vì sự hời hợt, nhàn nhạt.
|
Trong nhiều phim, các nhân vật lịch sử được xây dựng cứng nhắc, hiếm khi có những mối tình lãng mạn, mãnh liệt vốn là thứ kéo khán giả ngồi trước màn ảnh và sụt sùi đồng cảm với nhân vật. Nguyên nhân sâu xa chính là do nhà làm phim bám quá sát vào lịch sử và "tôn trọng tuyệt đối" những gì sách chép.
Trong khi phim lịch sử của các nước (Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kông) đều hư cấu nhiều. Thậm chí, có phim còn hư cấu đến mức chỉ còn giữ lại tên nhân vật lịch sử hoặc tinh thần chính của câu chuyện. Sự thực là khán giả có thể chấp nhận việc tiểu thuyết hóa, hư cấu lịch sử miễn là phim hấp dẫn.
Trong lịch phim 2008 do Phòng phim truyện, Đài truyền hình TP.HCM (HTV) cung cấp, hoàn toàn "vắng bóng" phim đề tài lịch sử mặc dù năm 2008 xuất hiện hàng loạt các công ty tư nhân tham gia vào phong trào xã hội hóa phim truyền hình trên địa bàn TP.HCM.
Đến thời điểm này có một số dự án đang khởi động như: phim truyện nhựa Thái tổ Lý Công Uẩn (Hãng phim truyện VN), phim truyền hình Trần Thủ Độ và người tình (Hãng phim truyện I), bộ phim Vó ngựa trời Nam (nói về thi tướng Huỳnh Văn Nghệ) của Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS), bộ phim hoạt hình 3D dài tập về các nhân vật lịch sử Việt Nam do Hãng phim Dofilm - Vinamation thực hiện. Ngoài ra còn có một số tiểu thuyết lịch sử đang "trong tầm ngắm" và được một số đơn vị tư nhân xúc tiến công tác chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình...
Chưa thể nói gì về chất lượng của các phim này, nhưng theo công bố ban đầu, Thái tổ Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ và người tình nằm trong khuôn khổ các dự án tiến tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên được đầu tư nhiều về tài chính lẫn con người. Vó ngựa trời Nam được xem là dự án quan trọng của TFS, còn phim hoạt hình về các nhân vật lịch sử Việt Nam của Dofilm - Vinamation có sự chuẩn bị chu đáo bằng hàng loạt động tác liên kết với các nhà xuất bản có sách về các nhân vật lịch sử, mời nhà sử học Dương Trung Quốc làm cố vấn và sự chuẩn bị công phu hơn 2 năm qua của đạo diễn Đỗ Quang Minh.
Khó nhưng có dám làm?
Cảnh trong phim Ngọn nến hoàng cung - ảnh: TFS |
Theo lời một đạo diễn xin giấu tên thì: "Chúng tôi cần một bệ phóng là công tác quản lý tư tưởng cũng như tài chính. Nhà quản lý cần xác định cách nhìn về lịch sử như thế nào. Phim ảnh luôn xây dựng những hình tượng nhân vật, qua đó nói về một thời kỳ lịch sử hoặc những nhân vật lịch sử. Chúng tôi muốn được nhà quản lý chấp nhận sự hư cấu dựa theo những quy tắc hiện thực trên cơ sở nghiên cứu tính cách nhân vật nằm trong não trạng lịch sử cụ thể".
Một trong những cái khó nữa làm các đạo diễn "than trời" là kiến thức lịch sử của diễn viên. Bên cạnh đó là sự khan hiếm kịch bản đang lên cao trào mà khan hiếm kịch bản phim lịch sử lại là cao trào của cao trào. Ngoài ra, tiền ít, thời gian ít, phải chạy theo lịch phát sóng... cũng là vấn đề làm đau đầu những người làm phim về đề tài lịch sử.
Có quá nhiều cái khó chủ quan lẫn khách quan để những bộ phim đề tài lịch sử Việt Nam ra đời và đến được với công chúng. Nhưng khó không có nghĩa là không thể và càng không thể không làm vì nếu chậm trễ, chúng ta sẽ dành "sân nhà" cho phim lịch sử nước ngoài tung hoành. Và câu hỏi bao giờ phim lịch sử Việt thỏa lòng mong đợi của khán giả vẫn còn chờ lời giải đáp của các nhà làm phim và các cơ quan chức năng.
* Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng: "Tôi thích làm phim đề tài lịch sử vì niềm đam mê của chính bản thân và cũng vì khán giả có nhu cầu. Có rất nhiều cái khó khi làm phim lịch sử, cả nội dung lẫn phương thức thể hiện. Văn học vốn là ngành đi trước, mở đường để đưa đến nhiều cách tiếp cận lịch sử khác hơn là sự minh họa lịch sử. Nhưng hiện nay, văn học Việt Nam hình như chưa có truyền thống viết tiểu thuyết lịch sử, chỉ rải rác xuất hiện một số tiểu thuyết lịch sử gây được tiếng vang. Mà điện ảnh lại đi sau văn học. Còn những khó khăn trong cách thể hiện thì có nhiều: kinh phí lớn là một vấn đề, thứ nữa là con người - có tiền nhưng có người làm được hay không lại là vấn đề, rồi còn cả thiếu thốn tư liệu. Tôi nghĩ, một phim lịch sử mà làm cho hay, cho tử tế đàng hoàng thì sẽ rất khó". V.N (ghi) |
Vinh Nguyễn
Bình luận (0)