Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Thái Văn Rê được bố trí đăng đàn trước, xoay quanh công tác đăng ký và quản lý kinh doanh. Theo ông Rê, trong 9 tháng qua số doanh nghiệp (DN) của TP đã tăng 26%; có 12.914 DN thành lập mới với tổng số vốn hơn 97 nghìn tỉ đồng, trong đó số DN đăng ký qua mạng chiếm trên 50%. Mặc dù lượng công việc rất lớn, một ngày bình quân có 200 doanh nghiệp đến làm thủ tục, trong khi mặt bằng chật hẹp nên có xảy ra quá tải, nhưng hầu hết các hồ sơ đều được giải quyết đúng hẹn, chỉ khoảng 5% bị trễ. Lý giải vẫn còn hồ sơ bị chậm, ông Rê cho rằng có nguyên nhân một số lĩnh vực nhạy cảm như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke, môi trường... khi cấp phép phải hỏi quận, huyện có phù hợp quy hoạch, nhưng nhiều quận huyện không trả lời, dù luật quy định 5 ngày quận huyện phải trả lời, không trả lời là coi như chấp thuận và Sở cứ cấp.
"Điệp khúc Sở hỏi nhưng quận, huyện không trả lời tôi nghe anh Rê nói không dưới 3 lần rồi. Quận, huyện nào không trả lời, gây trì trệ việc dân anh công khai ra, đề xuất biện pháp xử lý" - đại biểu Võ Văn Sen đề nghị. Còn đại biểu Nguyễn Văn Bạch và Đặng Văn Khoa chất vấn việc vì sao Sở hỏi quận, huyện không trả lời thì lúc Sở cấp, lúc lại không? Ông Thái Văn Rê cho biết tình trạng Sở hỏi mà không trả lời hầu như quận huyện nào cũng có, nhưng "nợ" nhiều nhất là Củ Chi, Bình Chánh, Tân Phú và Phú Nhuận. Còn việc lúc cấp, lúc không là do trước đây UBND TP có thông báo nếu Sở hỏi, sau 5 ngày quận huyện không trả lời thì cứ cấp, nhưng sau đó lại có văn bản không trả lời thì không cấp. Đại biểu Đặng Văn Khoa đứng dậy: "Anh Rê nói ý đó tôi hết sức bàng hoàng và sửng sốt. Trước bảo cứ cấp, sau lại bảo không cấp. Tôi hỏi thật là có chuyện đó không, nếu có tôi xin chất vấn UBND TP vì sao lại ra văn bản trái với CCHC như vậy?". Ông Rê trả lời: "Anh Khoa hỏi có không, tôi xin nói thật là có. Lúc đầu chúng tôi cấp, nhưng sau không dám cấp nữa vì nếu lỡ cấp, nhất là các ngành nghề nhạy cảm thường có cái vụ đó (tệ nạn - PV), rồi quận, huyện không cho làm, DN quay qua kiện Sở thì rối. Sở sợ quá nên kiến nghị UBND TP nếu quận, huyện không trả lời thì không cấp. Anh Nguyễn Thiện Nhân lúc đó là Phó chủ tịch thường trực UBND TP chấp thuận kiến nghị của Sở. Là do Sở sợ quá!". Tuy vậy, ông Rê cũng khẳng định hiện cả 2 văn bản trên đều không còn hiệu lực, Sở đang trình TP ban hành quy định mới nhằm giải quyết tình trạng này. Dịch vụ tư "mua" dịch vụ công!
|
Đại biểu Phạm Minh Trí "khai pháo" bằng việc đưa ra công trình nhà lồng bán thịt chợ đầu mối Tân Xuân (Hóc Môn) làm thủ tục kéo dài 4 năm mới xong. Liên quan đến người dân, ông Trí cho biết đích thân ông đi làm thủ tục xin cấp phép xây dựng, thuê một tổ chức nhà nước đo vẽ hiện trạng đất. Hợp đồng ký kết quy định 20 ngày hoàn tất, nhưng 1 tháng mới xong. "Vậy mà có người dân còn nói như thế là nhanh, họ thuê phải mất 5 tuần. Nhưng nhiều người bảo đấy là chú không biết, chứ ra dịch vụ tư chỉ 3 ngày" - ông Trí nói và lo lắng: "Nếu để dịch vụ tư trả tiền cho hành chính công, thì cán bộ không có động cơ làm việc mà chỉ chờ có tiền mới làm. Như thế chúng ta nỗ lực CCHC có hiệu quả?!". Ông Nguyễn Minh Dũng lấy giấy ra đọc lại trình tự thời gian giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng nhà lồng chợ Tân Xuân... Về dịch vụ đo vẽ, ông Dũng cho biết Sở đã tham mưu trình TP ban hành bảng giá đo vẽ, quy định hành nghề đo vẽ... và lưu ý người dân khi ký hợp đồng phải xem chứng chỉ hành nghề của tổ chức đo vẽ, nếu không đúng thời gian thì... tranh tụng ra tòa!
Món quà bất ngờ của "ông Hội đồng Khoa" Trong phấn chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu Đặng Văn Khoa làm cả hội trường "ồ" lên khi "gửi món quà đến Sở Xây dựng". Món quà đó là một bức tranh biếm do chính ông Khoa vẽ, phản ánh cái vòng luẩn quẩn về thủ tục cấp đất cho dự án phát triển nhà ở: muốn được giao đất phải có dự án được duyệt -> chỉ duyệt dự án khi có quy hoạch 1/500 -> chỉ duyệt quy hoạch 1/500 khi có quyết định giao đất. "Quy định như vậy chẳng khác nào bó tay nhà đầu tư" - ông Khoa nói và trên ghế chờ trả lời chất vấn, ông Dũng liên tục gật đầu. Ông Dũng cũng cho biết vòng luẩn quẩn này các bộ đã nhìn ra và đang đề xuất trở lại quy định ngày xưa: giao đất tạm cho nhà đầu tư. |
Đại biểu Phạm Minh Trí khá gay gắt: "Cách trả lời của anh Dũng với các câu hỏi của đại biểu không gặp nhau. Chợ Hóc Môn, vấn đề là tại sao kéo dài đến 4 năm? Đáng rút kinh nghiệm không? Anh nói kiểm soát được sự chậm trễ, 1 dự án kéo dài 4 năm thì kiểm soát như thế nào? Còn vấn đề dịch vụ, tôi ký với các tổ chức nhà nước thì mất 4 tuần, còn dịch vụ tư là 3 ngày! Vấn đề là dịch vụ tư giải quyết, mua dịch vụ công. Người dân còn nói là Nhà nước cải cách gì không biết, cứ thuê dịch vụ là xong. Vậy ta cải cách làm gì? Người dân còn nói phải có tiền bôi trơn. Nghe phải suy nghĩ lắm chứ. Ngay công trình chợ Hóc Môn, một Phó giám đốc Sở Thương mại cũng đồng ý rằng: "Nếu thuê dịch vụ là xong hết, không kéo dài cũng không gặp rắc rối gì. Nhưng đây là công trình nhà nước!".
Đức Trung
Bình luận (0)