Đi tìm thần đồng - Bài 1: Chuyện lạ của những đứa bé

27/09/2007 21:54 GMT+7

Sau nhiều ngày lần mò theo nhiều địa chỉ từ Nam ra Bắc để tìm và "đo" mức độ chính xác các cháu bé có khả năng đặc biệt - gọi là "thần đồng", chúng tôi phát hiện ra nhiều chuyện lạ về kiến thức cũng như khả năng vượt trội của những đứa trẻ này.

Chúng tôi gồm có ba người: Dược sĩ Trần Thái Hoãn - Phó TGĐ Công ty Đô Thành (CLB Thần đồng Milmax), Tiến sĩ (TS)  Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý trường ĐH Sư phạm TP.HCM và tôi. Chuyến đi khá vất vả từ Nghệ An vào Quảng Bình, Quảng Trị và kết thúc tại Huế. 

Bài test đặc biệt

"Thước đo" mà chúng tôi mang theo chuyến đi gồm hình ảnh được in từ các tạp chí, bộ chữ cái và bài kiểm tra của TS Sơn soạn trước. Có 6 lĩnh vực mà CLB Thần đồng Milmax sẽ công nhận bé là trẻ có năng khiếu đặc biệt đó là: âm nhạc, toán học, ngôn ngữ, cảm xúc, tư duy logic và tưởng tượng.  Trưa 20.9, điểm đến đầu tiên là nhà bé Nguyễn Xuân Tâm (sinh ngày 29.2.2004) tại P.Hưng Bình, TP Vinh, tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Trọng Cảnh - ông ngoại bé hồ hởi đón chúng tôi với tâm trạng tự hào xen lẫn hy vọng. Ông Cảnh cho biết, cách đây một năm, trong một lần dẫn bé đi chợ, ông Cảnh phát hiện bé đọc được một số dòng chữ trên bảng quảng cáo đặt dọc đường. Lấy làm lạ, nên khi về nhà ông liền cầm tờ báo đưa cháu đọc và thật ngạc nhiên khi cháu đọc được tất cả những chữ mà ông chỉ. Từ đó, mỗi khi xem ti vi bé đều đọc những dòng chữ chạy bên dưới, bé có thể nghe nhạc hiệu biết được biên tập viên nào thực hiện chương trình bé đang xem... Lúc này ở phía góc nhà, TS Sơn bắt đầu thực hiện bài test (kiểm tra) với bé Tâm. Đầu tiên là bài tập kiểm tra khả năng ngôn ngữ của bé. Tiến sĩ Sơn cho bé đọc từng chữ cái một, sau đó ghép thành vần, các chữ khó bé Tâm nhất định không đọc nữa. Chuyển sang giải lao bằng các trò chơi xếp hình, bé Tâm tỏ ra thích thú ngay và liên tục đòi xem. TS Sơn chỉ con dê và hỏi: "Bé biết con gì không?", bé Tâm trả lời ngay là con dê. TS Sơn bỏ chữ "d" hỏi lại bé đã mất chữ gì thì bé không trả lời được. Tiếp tục thử trí tưởng tượng của bé, TS Sơn viết chữ "a". Bé  đọc được ngay là chữ a. Sau đó, TS Sơn viết chữ "a" bằng những nét chấm thì bé đọc thành chữ "o". 

Đến phần bài tập xếp chữ, với những chiếc que bằng nhau, TS Sơn xếp hình các chữ: a, n, m, e, bé đều đọc được nhưng khi hướng dẫn bé xếp lại thì bé không làm được. Qua tiếp xúc với bé Tâm, TS Sơn phát hiện ra cháu Tâm rất thông minh nhưng khả năng giao tiếp của bé còn kém, có trí nhớ tốt và đã được gia đình dạy chữ cho cháu. TS Sơn đánh giá bé Tâm có biểu hiện nhạy cảm về ngôn ngữ nhưng chưa thật ổn định và chưa nổi trội...

Hai trẻ đạt 9,5 điểm


Bé Hậu đang trổ tài ảnh: T.Long

Sau hai giờ vượt đường Trường Sơn, chúng tôi tìm đến thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình gặp bé Đặng Văn Thủy, 4 tuổi. Dọc đường vô thôn, khi hỏi người dân trong làng về bé thì hầu như ai cũng biết và dắt chúng tôi đến tận nhà. Bé Thủy hơi ốm nhưng cực kỳ lanh lẹ. Vừa gặp nhau bé đã nắm tay dắt DS Hoãn, TS Sơn đi quanh nhà làm như đã quen nhau từ lâu rồi. Bài tập kiểm tra ngôn ngữ, xếp hình, xếp chữ bé đều hoàn thành nhanh chóng trong thời gian 20 phút và khá thích thú với trò chơi xếp hình. TS Sơn nhanh chóng chấm cho bé 9,5 điểm kèm theo lời khen: "Bé thật thông minh, khả năng ứng xử tốt". Ông Đặng Thảnh - ông nội bé cho biết phải hơn 3 tuổi bé Thủy mới biết nói. Cả nhà rất lo sợ vì sợ bé sẽ giống như cha bé (không biết nói bẩm sinh). Nhưng chỉ một tuần sau khi biết nói, bé Thủy đã đọc được những dòng chữ chạy trên ti vi và chỉ trong 2 ngày bé biết đọc bảng chữ cái.  Chia tay chúng tôi, bé rơm rớm nước mắt nói mà không cần người thân nhắc nhở: "Các chú đi mạnh khỏe". TS Sơn nhận xét: "Đa số những trẻ có năng khiếu về ngôn ngữ đều có biểu hiện tình cảm như thế!". 

Chúng tôi tiếp tục theo đường Trường Sơn đến bản Trầm, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị để ghé nhà bé Hồ Thị Minh Hậu. Căn nhà sàn lót bằng những chiếc bẹ tre đập dẹp nằm lọt thỏm trong khu vườn cà phê. Hậu là một trường hợp khá đặc biệt so với những đứa trẻ có năng khiếu khác vì bé gái này là người dân tộc Vân Kiều sống giữa bản làng cùng với những người thân của mình. Trong nhà bé không hề có tivi, karaoke như những trường hợp chúng tôi đã tiếp xúc nhưng bé đọc hay, viết chữ rất đẹp. Khuôn mặt bé rất sáng, có nước da đen. Khi chúng tôi chỉ tay vào chữ nào trên báo, sổ tay bé cũng đọc được. TS Sơn cho bé ghép vần bé cũng... làm luôn. Theo lời mẹ bé, người phát hiện ra bé biết đọc chính là cô giáo dạy mầm non. Ngày đó, khi thấy Hậu bập bẹ đọc chữ, cô giáo Trâm cứ nghĩ chắc đó chỉ là một phản ứng theo thói quen học vẹt thôi. Nhưng có một lần, bé đọc cả một thông báo thì cô giật mình ngạc nhiên. Việc một đứa trẻ chỉ mới lên 3, người Vân Kiều đang bập bẹ tiếng Kinh lại có khả năng đọc không cần đánh vần là một sự lạ... (Còn tiếp)

Thiên Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.