Sập cầu Cần Thơ - Đâu là nguyên nhân thảm họa ?

28/09/2007 01:08 GMT+7

* Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo cứu nạn và cứu trợ. * Đã có 45 người tử vong, 79 người bị thương, vẫn tiếp tục tìm kiếm những nạn nhân còn lại * Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: “Tin ban đầu chỉ nói sập giàn giáo 4 người chết”! * Các công ty bảo hiểm đền bù thiệt hại ra sao ? * Tang trắng trùm xóm Rạch Chùa * Bạn đọc Báo Thanh Niên ủng hộ cứu trợ khẩn cấp 666 triệu đồng * Công ty Vĩnh Thịnh và Thăng Long 2 chỉ là những đơn vị cung cấp nhân công * Tin, bài liên quan * Bản tin VTV * Tường thuật âm thanh

Theo ông Nguyễn Văn Công, người phát ngôn của Bộ trưởng Bộ GTVT: "Nguyên nhân ban đầu của sự cố được xác định là do đất chôn giàn giáo bị lún. Giàn giáo được bắc từ trước, đến ngày 25.9 đơn vị thi công đã đổ được 10 đốt trong tổng số 12 đốt (nhịp cầu được chia thành 12 đốt - PV). Đêm 25.9 trời mưa rất to đã làm nền đất bị yếu".

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cầu, đường cho rằng, lý do trên không thuyết phục. Một chuyên gia trong lĩnh vực cầu, đường, đang giữ chức Tổng giám đốc một ban quản lý dự án lớn của Bộ GTVT nhận xét: "Phương án thi công chắc chắn là không có vấn đề gì. Tôi cho rằng khả năng lún trụ tạm là có. Chỉ có khả năng lún trụ tạm thì nó mới vỡ hai đầu dầm, hai đầu dầm vỡ trước rồi mới sập dầm. Khi làm trụ tạm xong, chưa đặt dầm và cốp-pha lên, người ta đã phải chất tải. Chất lên để xem bản thân trụ tạm có lún hay không. Bao giờ cũng lún, nhưng nó lún ở mức độ cho phép, và lún ở mức độ cho phép trong thời gian bao lâu thì mới đáp ứng được quy trình. Khi đó mới được chất cốp-pha lên và đổ bê tông. Ví dụ như trong trường hợp này chẳng hạn, có thể là chất 7 ngày nhưng thực tế ở đây họ chất bao nhiêu lâu thì tôi không biết. Tức là biện pháp thi công có vấn đề".

 Một chuyên gia khác, cũng nguyên là Tổng giám đốc một trong những ban quản lý dự án lớn nhất của Bộ GTVT đã phủ nhận về nguyên nhân do đêm hôm trước trời mưa quá to, nền đất chôn giàn giáo bị yếu, gây lún. Chuyên gia này cho rằng: "Nói chuyện lún do mưa quá to thì nói thật là chỉ với người không biết thôi, nói người ta cười cho. Khi làm trụ tạm, phải khoan địa chất, có thể là tham khảo địa chất của các trụ chính. Trừ khi là đá hộc bên dưới, không thì anh phải đóng cọc. Những trường hợp xảy ra trong nháy mắt và gây tiếng nổ lớn, chắc chắn do sự mất ổn định nào đó, mà cái này thì chắc là do hệ thống chịu tải giàn giáo mất ổn định".

Về nguyên nhân gây sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, theo báo cáo của nhà thầu, có thể do giàn giáo bị chuyển vị. Một kỹ sư xây dựng sau khi quan sát hiện trường vào ngày 27.9 đã nói với PV Thanh Niên rằng, "thủ phạm" chính là hệ thống giàn giáo yếu, chứ vết nứt không phải là nguyên nhân. Ông này (xin không nêu tên) nói: "Cho dù vết nứt đó sâu đến 20-30 cm đi nữa cũng không thể làm đổ cả khối bê tông như thế. Tôi tận mắt nhìn tại hiện trường, và ai trong nghề nhìn cũng có thể nhận thấy rằng hệ thống giàn giáo đó quá yếu, không thể nào chịu đựng nổi khối bê tông mấy nghìn tấn bên trên, cho nên nó sập xuống".

* Chiều 27.9, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí xây dựng Vĩnh Thịnh. Ông Thịnh cho biết, vai trò của Công ty Vĩnh Thịnh chỉ là đơn vị cung cấp nhân công cho nhà thầu VSL và TKN (Taisei - Kajima - Nippon Steel) mà thôi. Theo một nguồn tin từ Bộ GTVT, Công ty Vĩnh Thịnh và Công ty Thăng Long 2 chỉ là những đơn vị cung cấp công nhân thi công cho công trình này thông qua Công ty VSL, chứ không phải là nhà thầu.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết: "Ưu tiên số một  là lo cho người chết và gia đình"

11 giờ 5 phút ngày 27.9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến hiện trường vụ sập đường dẫn cầu Cần Thơ. Mặc dù trời đổ mưa lớn song Chủ tịch nước và đoàn công tác vẫn đội mưa đi trong sình bùn để thị sát hiện trường và chỉ đạo cứu nạn, cứu trợ. Trả lời nhanh các câu hỏi của báo chí, Chủ tịch nước nêu rõ: "Về khắc phục hậu quả, tôi yêu cầu ưu tiên số một là lo cho người chết và gia đình; thứ hai là lo cho người bị thương; thứ ba là sớm ổn định tình hình tại hiện trường để tiếp tục thi công". Chủ tịch nước đã đến chia buồn tại 3 gia đình nạn nhân ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Chiều 27.9, Chủ tịch nước tiếp tục đi thăm hỏi những bệnh nhân đang điều trị tại Cần Thơ.

 Quang Minh Nhật

Thủ tướng tiếp tục ra công điện chỉ đạo khắc phục sự cố cầu Cần Thơ

Ngày 27.9, Thủ tướng Chính phủ ra tiếp công điện yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng hỗ trợ kịp thời công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm tìm kiếm tất cả những người hiện còn bị kẹt lại. Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế bố trí đủ lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị, cơ số thuốc cần thiết để cấp cứu kịp thời người bị thương, hạn chế đến mức thấp nhất số người bị di chứng sau tai nạn. Bộ Công an  được yêu cầu tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ tiếp tục bảo vệ tốt hiện trường, bảo đảm tốt an ninh, trật tự trên công trường.

Công điện cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương xác định rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo cho quá trình thi công tiếp theo đúng tiến độ và chất lượng của công trình, tuyệt đối không để sự cố tương tự xảy ra.

Thủ tướng cũng đã giao cho UBND tỉnh Vĩnh Long và TP Cần Thơ tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời, thăm hỏi động viên người bị thương và gia đình người bị nạn.

A.Dũng

 Xuân Toàn - Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.