Đi tìm thần đồng - Bài 2: Đứa trẻ nào trở thành “thần đồng”?

28/09/2007 22:47 GMT+7

Nhiều phụ huynh đã kỳ vọng quá mức vào con, cháu của mình. Có những bà mẹ lo lắng sợ con mình không "thi đậu", nóng ruột hối thúc trẻ nói, thậm chí... trả lời thay khi chúng tôi đặt câu hỏi.

“Đọc chữ, dì cho kẹo”!

Tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) chúng tôi tìm gặp bé Phạm Tưởng Đăng Thành (sinh ngày 1.6.2004). Sau một hồi loay hoay tìm nhà, chúng tôi đã  đến được khu tập thể nơi bé Thành đang sống cùng mẹ với dì. Lúc này đã 19 giờ, nghe tin "CLB sưu tập thần đồng" đến, chị Nguyệt - mẹ bé Thành ra trước cổng đón chúng tôi với tâm trạng mừng rỡ háo hức, hy vọng con mình sẽ là "thần đồng" sau khi kiểm tra. Chị Nguyệt cho biết cháu biết nói khá chậm (24 tháng) và khi biết nói cũng là lúc biết đọc.

Bé ít chơi với trẻ con và khá thân với dì. Mở đầu buổi kiểm tra, tiến sĩ (TS) Huỳnh Văn Sơn chỉ cho bé đọc một số chữ trên tờ báo, bé lắc đầu bảo: "Con không biết", dì bé dỗ dành: "Đọc cho ngoan dì cho kẹo", bé vẫn không chịu đọc. Một chị hàng xóm dứ cây kẹo trước mắt bé và bảo sẽ cho nếu bé đọc, ngay lập tức bé Thành đọc nguyên một dòng trên tờ báo. TS Sơn lại cho bé những bài tập kiểm tra thì bé lắc đầu lia lịa với điệp khúc: "Con ứ biết". Mẹ bé dỗ dành: "Con ngoan, đọc đi mẹ sẽ mua bánh sinh nhật cho". Lúc này bé lại tiếp tục đọc một hàng chữ nữa. Sau đó bé nhất quyết không đọc nữa khiến nhiều người đứng xem khá thất vọng. Mẹ bé thì ra sức giải thích: "Mọi ngày chỉ cần cho một viên kẹo là cháu đọc vanh vách, chắc hôm nay đông người nên mắc cỡ". Những người hàng xóm cũng chen vào: "Mọi lần kêu hắn đọc là hắn đọc liền, hắn đọc hay lắm". Để chắc ăn, TS Sơn đề nghị sẽ kiểm tra bé vào lúc khác.

Sáng hôm sau, chúng tôi quay lại, lúc này bé có vẻ bình tĩnh hơn nhưng vẫn bất hợp tác. Dù có kinh nghiệm "dụ" trẻ con nhưng TS Sơn cũng mất khoảng 20 phút để thuyết phục bé ngồi im và bắt đầu lại bài kiểm tra. Chị Nguyệt đứng kế bên liên tục động viên: "Con đọc đi, con của mẹ giỏi nè, mẹ mua kẹo cho Thành nha...!". Và bé đã hoàn thành tất cả 4 bài tập với thời gian gần 40 phút.

Tại TP Huế, chị Trâm mẹ bé Phan Tại Minh Trí (3 tuổi) cho biết, Trí có trí nhớ tốt, tự biết đọc mà không cần sự hướng dẫn của người khác. Cha mẹ bé không dám thông báo cho mọi người biết vì sợ không tốt cho con mình. Với suy nghĩ để cho bé phát triển tự nhiên, mẹ bé Trí thường mua cho con mình bộ đồ chơi xếp chữ, các con thú, những bức tranh nhiều màu sắc và bé tự chơi một mình. Bé Trí hiện sở hữu một "sở thú", những chiếc xe, dãy nhà..., được tự do sáng tạo chơi theo ý thích của mình.

Trong phần nhận xét của mình, TS Sơn ghi bé thể hiện khá rõ khả năng nghe - hiểu những yêu cầu của người khác; chủ động với những yêu cầu khi thực hiện những trò chơi - bài tập... Bé tỏ ra thích đọc những tài liệu khác nhau không phân biệt ngắn hay dài, có hình ảnh trực quan hay không. Phát âm của cháu khá tốt, rất ít nói sai ngữ pháp. Cháu nhận dạng chữ cái đạt yêu cầu ở những góc nhìn khác nhau khi làm quen với hình dạng mẫu chữ cái in hoa. Nhưng khi tiếp cận với chữ thường, cháu gặp một số khó khăn nhất định đặc biệt với những chữ cái không phổ biến trong môi trường chữ mà cháu được tiếp cận. TS Sơn tư vấn thêm: Cần chú ý chọn lọc thật nhiều trò chơi cho cháu khám phá và nhận biết để kích thích tính tích cực và chủ động của cháu nhiều hơn nữa.

Ai là “thần đồng”?

Hầu hết phụ huynh những đứa trẻ "đặc biệt" đều nói rằng đang rất lúng túng không biết dạy dỗ như thế nào để tốt cho con mình. TS Sơn cho biết: "Trong số những trẻ đã phỏng vấn, tôi nhận thấy có những bé có khả năng sớm và chịu sự tác động từ người lớn nên năng khiếu bẩm sinh đó được phát triển mạnh mẽ hơn, tích cực hơn. Những yếu tố truyền hình, truyền thông, pa-nô, áp-phích là những phương tiện để trẻ trải nghiệm khả năng của mình, gián tiếp làm cho khả năng trẻ bộc lộ sớm". Ông cho biết thêm, vẫn có một số trẻ chịu tác động, ảnh hưởng quá nhiều từ bố mẹ, người lớn. Việc đó cũng không phải là phương pháp tốt để giúp bé thành thần đồng. "Trong trường hợp này chúng tôi có lời khuyên là các bậc cha mẹ đừng nên nóng vội, can thiệp quá sâu vào quá trình phát triển của trẻ", TS Sơn nói. 

Kết thúc hành trình tìm thần đồng, trong số 6 bé kiểm tra, có 3 được CLB này cấp giấy chứng nhận là "thần đồng" về ngôn ngữ (Đặng Văn Thủy, Hồ Thị Minh Hậu, Phan Tại Minh Trí), 1 bé đang trong quá trình hình thành năng khiếu, cần theo dõi thêm (Cao Văn Nghĩa) và 2 bé thật sự chưa đạt (Nguyễn Xuân Tâm, Phạm Tưởng Đăng Thành). TS Sơn cho biết: "Trong quá trình đi thu thập từ Bắc chí Nam chúng tôi vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào có năng khiếu về tư duy logic về toán học hay sáng tạo". Phần lớn các phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa thấy con mình có năng khiếu thì nghĩ là "thần đồng", họ chưa ý thức được nếu trẻ có năng khiếu thật sự về một lĩnh vực nào đó thì cần phải có định hướng trong việc chăm sóc, giáo dục để trẻ có điều kiện phát huy thêm.

TS Sơn nói: "Mỗi lần gặp trẻ tôi thấy rất hồi hộp, hy vọng bé thật sự là trẻ năng khiếu sớm và mong chờ rất nhiều vào sự nỗ lực của trẻ. Khi bắt gặp một trẻ có năng khiếu nổi trội thì tôi thật sự sung sướng và có một chút tự hào vì từ đây câu lạc bộ sẽ có thêm thành viên mới. Riêng tôi thì có thêm một khách thể nghiên cứu rất ấn tượng, thú vị. Ngoài ra, tôi cũng muốn biết các bài tập chúng tôi soạn ra trẻ có làm hết hay không, làm đúng với tỷ lệ bao nhiêu phần trăm. Cũng có lúc "sợ" trẻ sẽ vượt qua bài test 100% nhưng tới giờ phút này công cụ đo của chúng tôi thật là "hiệu nghiệm", chưa có trẻ nào đạt 100%".

 

T.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.