Vào ngày Quốc khánh 2.9 vừa qua, quan khách quốc tế đến khách sạn Athenee Plaza dự tiệc chiêu đãi của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok không thể không chú ý đến một hàng thiếu nữ xinh đẹp mặc áo dài đứng ngay lối vào chào đón. Ít người biết rằng trước đó, các thiếu nữ ở độ tuổi sinh viên này vừa "chạy sô" ở Trung tâm Việt ngữ của trường Đại học Chulalongkorn nhân dịp giới thiệu cuốn sách Nhật ký Đặng Thùy Trâm bằng tiếng Thái. Tiết mục mà các bạn biểu diễn là màn một văn nghệ đậm màu sắc Việt Nam. Hỏi ra mới biết đây là đội văn nghệ không chuyên gồm những du học sinh Việt Nam tại trường Đại học Assumption (ABAC).
Anh Vũ Hiếu Nghiêm, Trưởng đoàn sinh viên Việt Nam tại ABAC, cho biết đội văn nghệ Việt Nam này được thành lập khoảng nửa năm nay, với ý tưởng vừa là nơi sinh hoạt vui chơi cho du học sinh Việt Nam, vừa tạo cơ hội để quảng bá văn hóa Việt đến các bạn quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa ngay tại ABAC. Đội được trang bị trang phục và đạo cụ để biểu diễn khá đầy đủ như áo dài nữ, áo dài khăn đóng của nam, áo tứ thân, nón quai thao... Qua nhiều lần biểu diễn, đội không chỉ nhận được sự quan tâm của bạn bè quốc tế mà còn được bà con Việt kiều tại Thái Lan ủng hộ nhiệt tình. Anh Nghiêm kể, buổi nào có đội diễn, dù là ở ABAC hay ở các nơi khác, nhiều bà con Việt kiều đều đến xem. Với những kiều bào lâu ngày xa Tổ quốc, những hoạt động văn hóa của du học sinh thế này là một trong những nhân tố giúp họ không quên những hồi ức tươi đẹp về quê hương Việt Nam, đồng thời để họ có thể theo dõi và bám sát tình hình phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Bí thư thứ nhất phụ trách bảo hộ công dân thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok, bày tỏ tâm tư: "Tuy mới thành lập và chưa có nhiều hoạt động, nhưng ý tưởng này mang một ý nghĩa quan trọng. Đầu tiên, những hoạt động đoàn thể như thế này cũng giúp các em sinh hoạt vui chơi ngoài việc học tập căng thẳng ở trường. Tôi nhận thấy các em rất tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Thái Lan. Điều đó thật đáng quý. Đáng quý hơn là việc các em đã góp phần xây dựng cầu nối vững chắc giữa người trong nước và kiều bào. Tôi tin tưởng các em sẽ làm được nhiều điều lớn lao hơn thế để thể hiện đúng tinh thần Việt kiều là một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc".
Còn người trong cuộc thì sao? Mộng Thoa, Trưởng đội văn nghệ ở ABAC, không nghĩ mình đang góp phần xây dựng chiếc cầu nối quan trọng kia mà chỉ nghĩ đây là một hoạt động giúp những du học sinh như Thoa có dịp giao lưu với kiều bào ta ở Thái Lan. Thoa tâm sự: "Khi ra nước ngoài, mình mới cảm thấy thấm thía nỗi nhớ quê hương, càng hiểu được nỗi lòng của bà con Việt kiều". Tuy nhiên, cũng do việc học hành bận rộn, Thoa cho biết đội chưa thể có nhiều hoạt động nhưng sẽ cố gắng cân đối việc học tập và hoạt động văn nghệ khi bà con kiều bào có lời mời trong các dịp lễ tết.
Trước những đổi thay của đất nước, ngoài thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đối với bà con Việt kiều, du học sinh chính là nguồn thông tin sống động và thực tế về sự phát triển của quê hương.
Việt Phương (VP Bangkok)
Bình luận (0)