Suốt đêm 4.10, phía tây Thanh Hóa và Hòa Bình tiếp tục có mưa lớn kéo dài. Lượng mưa trung bình từ 470 - 670 mm, có nơi lên tới gần 800 mm. Tất cả các sông ở Thanh Hóa đều xảy ra lũ nghiêm trọng, đe dọa nhiều tuyến đê và hàng chục vạn người dân sinh sống dọc các triền sông.
Hàng chục người dân bám trên cây kêu cứu suốt đêm
Có mặt tại hiện trường vào sáng qua, chúng tôi không khỏi bàng hoàng trước sức tàn phá kinh khủng của dòng lũ dữ. Cả một đoạn đập chính với chiều dài khoảng 50m bị cuốn trôi trong chốc lát. Một chuyên gia có kinh nghiệm trong xây dựng các công trình hồ đập có mặt tại hiện trường cho biết: "Có khoảng 600.000m3 đất đá đã bị cuốn trôi trong sự cố này. Ước tính thiệt hại lên tới 200 tỉ đồng, chưa kể đến tiến độ công trình sẽ bị chậm trễ nhiều tháng".
Đêm 4.10 và ngày 5.10, tại các huyện Thiệu Hóa, Thọ Xuân đã sơ tán được gần 2 vạn dân khỏi vùng rốn lũ. Nhiều người dân không kịp sơ tán đã phải trèo lên nóc nhà và các cành cây cao để tránh lũ. Tại làng Hạ, xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân, gần 30 người dân đã phải đeo bám trên cây, kêu cứu suốt đêm. Các lực lượng cứu hộ đã phải tuyệt vọng đứng trong bờ nhìn ra biển nước mênh mông. Mãi đến sáng 5.10, bằng nhiều nỗ lực bất chấp cả hiểm nguy lực lượng công an mới cho xuồng ra cứu số người dân này vào bờ.
Tính đến 13 giờ hôm qua, toàn huyện này đã có 7 xã với hơn 3.000 nóc nhà, hơn 400 ha mía ngoài đê bị ngập chìm trong biển nước. Các lực lượng đã sơ tán khẩn cấp được hơn 8.000 dân, còn lại hơn 4.000 dân đang tiếp tục được khẩn trương sơ tán. Lũ lớn cũng đã làm thiệt mạng 3 người dân, trong đó có trường hợp một thanh niên là Lưu Đình Hà, 17 tuổi, học sinh lớp 11 trường THPT Lam Kinh, quê xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, chết trong khi cứu bạn học bị lũ cuốn trôi. Tại xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa (cuối nguồn sông Chu), nước lũ cũng đã dâng cao nhanh chóng khiến người dân chỉ dắt được trâu, bò, lợn gà, còn thóc gạo và những đồ dùng thiết yếu đều phải bỏ lại ngôi nhà đang ngập chìm trong nước. Toàn huyện Thiệu Hóa có hơn 2.000 nóc nhà bị ngập lụt, hơn 6.000 dân phải đi sơ tán gấp.
Vỡ đê sông Bưởi
Trong lúc các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa đang khẩn trương sơ tán dân tránh lũ thì thông tin nóng từ các huyện Cẩm Thủy, Vĩnh Lộc, Yên Định, Hoằng Hóa (dọc theo sông Mã) và các huyện Thạch Thành, Hà Trung (dọc sông Bưởi) liên tục dội về Ban Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, thông báo về tình hình nguy cấp của hai hệ thống đê sông Mã và sông Bưởi.
Đê sông Chu trở thành nơi trú ngụ của dân tránh lũ |
Tại khu vực hạ lưu sông Mã, thuộc địa phận huyện Hoằng Hóa đã xảy ra nhiều điểm sùi mặt đê, khiến các lực lượng hộ đê phải huy động nhiều nhân lực cùng vật tư khắc phục. Tại Vĩnh Quang, Vĩnh Thành (Vĩnh Lộc), lũ trên sông Mã đã tràn qua đê. Đến 16 giờ 30 hôm qua, hầu như trên toàn tuyến đê sông Mã lũ đã tràn qua.
Ngay sau khi đi kiểm tra tuyến đê sông Mã về, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trước diễn biến phức tạp của lũ trên các sông, chúng tôi đã điều động tất cả các lực lượng có thể để tham gia công tác hộ đê. Quân đoàn 1 đã phải điều động 1.000 quân về tăng cường để chống lũ tại Thanh Hóa, cùng với hơn 2.000 bộ đội của QK4 huy động trước đó. Chúng tôi đã sơ tán được hơn 54.000 dân tránh lũ an toàn".
Hồi 21 giờ 10 phút ngày 5.10, tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, còi ủ liên hồi báo hiệu việc chủ động cho lũ sông Bưởi chảy tràn thì đến 23 giờ kém 5 phút, đê sông Bưởi đã bị vỡ tại khu vực thị trấn này. Thị trấn Kim Tân đã bị ngập chìm trong biển nước.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Thanh Hóa, tính đến cuối giờ chiều qua, toàn tỉnh đã có 18.478 nhà dân bị ngập sâu trong lũ, 20 căn nhà và 2 người dân bị lũ cuốn trôi; 29 cầu cống, 37 phai, đập cùng một số phương tiện máy móc bị cuốn trôi; hơn 80.000 ha lúa màu, đồng nuôi trồng thủy sản bị ngập úng hư hỏng. Thiệt hại ước tính lên đến hơn 320 tỉ đồng, chưa kể thiệt hại do vỡ đập chính hồ Cửa Đạt.
Suốt đêm qua, hầu như toàn tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng quân đội, công an tiếp tục gồng mình, chống chọi với cơn lũ lịch sử, được đánh giá là lớn nhất trong vòng 45 năm trở lại đây. Số phận của các tuyến đê và hàng vạn người dân đang từng giờ bị đe dọa. Phóng viên Thanh Niên tiếp tục theo dõi và thông tin sớm đến bạn đọc.
Lũ rất lớn trên nhiều sông ở phía Bắc và Bắc Trung Bộ Hôm qua 5.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, lũ trên hệ thống sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) đang lên, đạt mức từ dưới báo động II đến trên báo động III và tiếp tục lên nhanh. Dự báo, mực nước trên sông Mã tại Lý Nhân (Hà Nam) sẽ lên mức 12,8m, trên báo động III 0,8m, tương đương đỉnh lũ cao nhất năm 1973. Sáng và trưa nay 6.10, mực nước sông Bưởi tại Thạch Thành (Thanh Hóa) có khả năng lên mức 13,5m, trên báo động III 2,0m, thấp hơn đỉnh lũ cao nhất năm 1985 (13,99m); sông Mã tại Giàng lên mức 7,7m, trên báo động III 1,2m, cao hơn đỉnh lũ cao nhất năm 1980... Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ vùng núi, ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông. Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Thi - Trưởng phòng Dự báo thủy văn I (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư) cho biết, do mưa lớn trong các ngày qua, sáng 5.10, tại hồ Hòa Bình đã có đợt lũ lớn, lưu lượng nước đến hồ đạt 14.000m3/s khiến lực lượng hữu trách phải mở 6 cửa xả đáy. Kết hợp với lũ lớn trên sông Đà, sông Thao và lũ nhỏ trên sông Lô, hạ lưu sông Hồng sẽ có một đợt lũ trung bình, có khả năng đạt 10,2m vào hôm nay. Trên sông Thái Bình và sông Hoàng Long, lũ tiếp tục lên nhanh. Do mực nước tăng nhanh, có khả năng gây nguy hiểm cho các hoạt động trong khu vực lòng sông và bãi sông hạ du sông Hồng và sông Thái Bình, đặc biệt trên đoạn sông từ hạ du đập Hòa Bình đến Sơn Tây. Các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu... cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối miền núi. Quang Duẩn |
Cao Ngọ - Ngọc Minh - TTXVN
Bình luận (0)