4 năm tạm giữ, 1.900 xe trở thành sắt vụn

09/10/2007 00:41 GMT+7

* Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe: "Nên thay việc giữ xe vi phạm bằng hình thức phạt nặng hơn!" Ngày 8.10, khi xuống một số điểm trông giữ xe máy vi phạm giao thông bị tạm giữ trên địa bàn TP Hà Nội, nhìn thấy cảnh gần 2 vạn xe máy các loại (trong đó có cả xe đắt tiền như Dylan, SH, Spacy...) nằm phơi mưa nắng, chúng tôi thấy xót xa cho cả "đống tiền" của người dân đang có nguy cơ trở thành sắt vụn.

Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Hoàng Duy Hùng, Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ xe - thuộc Sở Giao thông -  Công chính (GTCC) Hà Nội, đơn vị được UBND TP giao nhiệm vụ trông giữ xe vi phạm giao thông, cho biết: "Tính từ năm 2003 đến ngày 30.9.2007, công ty (với 6 bãi xe Tứ Kỳ, Kim Ngưu, Dịch Vọng, Mỹ Đình, Gia Thụy, Hải Bối) đã nhận trông giữ tổng số xe vi phạm lên tới 19.794 chiếc (có 17.050 xe máy); đã trả lại phần lớn số xe này nhưng hiện vẫn còn tồn đọng tới 2.896 xe (trong đó có 1.909 xe máy và 987 xe khác)".

Ông Hoàng Duy Hùng

Ông Hoàng Duy Hùng cũng thú thật: "Hiện nay diện tích các điểm trông giữ xe của công ty đang thiếu trầm trọng, nhưng vẫn phải dành một phần diện tích để trông giữ xe vi phạm giao thông. Điều bức xúc là hiện còn tồn đọng tới gần 3.000 xe từ năm 2003 tới nay (xe máy, công nông, xe lam, xích lô, xe thồ...), trong đó có hơn 1.900 xe máy vi phạm không có người tới nhận (xe không nguồn gốc, xe nhập lậu, xe mất cắp, xe không giấy tờ) phần lớn phơi mưa nắng đằng đẵng 4 năm và đang trở thành đống sắt gỉ. Cơ quan công an cũng đã có quyết định tịch thu số xe máy tồn đọng này và đề nghị Sở Tài chính Hà Nội thẩm định để tiến hành thanh lý. Nhưng đến nay, sau 4 năm, Sở Tài chính vẫn chưa thanh lý được vì có lẽ cũng không ai mua. Vì thế giải pháp tốt nhất là Sở Tài chính nên báo cáo UBND TP ra quyết định tiêu hủy số xe không thanh lý được".

* Hiện nay, 6 bãi trông giữ xe vi phạm giao thông của công ty mỗi ngày nhận bao nhiêu xe? Có bao nhiêu bãi xe có mái che mưa nắng? Quá trình giải quyết 1.900 xe máy không có người nhận như thế nào?

- Ông Hoàng Duy Hùng: Trung bình các bãi đỗ xe của công ty tiếp nhận 800-1.000 xe vi phạm/tháng, có tháng cao điểm nhận tới 2.500 xe.

Về quá trình giải quyết 1.900 xe máy tồn chưa có người nhận, theo quy định phải sau 3 lần đăng báo mà không có người tới nhận thì mới tiến hành thanh lý. Sở Tài chính thẩm định cho đấu giá. Hiện bên công an cũng đã cử người đi xác minh nguồn gốc.

Hiện 6 bãi trông giữ xe vi phạm của công ty chúng tôi chỉ có 3 bãi có mái che mưa nắng, nên số xe lâu ngày không có người tới nhận đều không có mái che. Sắp tới chúng tôi sẽ triển khai việc che mưa nắng cho 3 bãi còn lại.

Quảng Bình: Mua xe hóa giá để lấy... biển số

Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện tỉnh chưa có bãi giam giữ xe ô tô vi phạm giao thông, phải đi gửi tại các bến xe. Bãi giam xe máy thì thiếu về diện tích và biện pháp bảo vệ, chỉ có bãi của phòng cấp tỉnh mới có nhà che đàng hoàng. Tại Công an huyện Lệ Thủy, mặc dù mới làm một "nhà giam xe" nhưng bãi xe ngoài trời từ trước đến nay vẫn được sử dụng với hàng trăm chiếc xe mục nát, bạc màu do phơi giữa mưa nắng. Một thợ sửa chữa xe máy làm nghề mua xe hóa giá từ Công an huyện và xe cũ nát về tân trang bán lại, kể rằng: "Tùy theo chất lượng của xe mà có giá từ 1,5-3 triệu đồng, hầu hết các xe hóa giá đều hư hỏng nặng như hoen gỉ, gãy nát và thiếu nhiều bộ phận nên không đi được. Có nhiều xe chỉ còn được vài bộ phận hay cái khung, hoặc không thể sử dụng nữa thì bán cho những người có xe "lậu" cùng loại còn tốt để lấy cái biển số thay vào".

Kiến Giang

* Từ năm 2003 đến nay, có bao giờ các điểm trông giữ xe của công ty để xảy ra việc mất mát, tráo đổi phụ tùng của các xe bị tạm giữ hay không? Các ông có nhận được đơn thư khiếu nại gì về việc trông giữ xe vi phạm của người dân? Theo thông tin của chúng tôi thì có việc mất mát phụ tùng xe máy ở các điểm trông giữ này?

- Từ năm 2003 đến nay, hầu như 6 điểm trông giữ xe vi phạm giao thông (từ 300-600m2) của công ty chúng tôi không để xảy ra các vụ mất mát, tráo đổi phụ tùng xe máy nào, chúng tôi cũng chưa hề nhận được đơn thư khiếu nại trực tiếp về vấn đề này. Chỉ có vấn đề sau một thời gian xe máy bị tạm giữ ở ngoài trời không có mái che mưa nắng, xe đã bị han gỉ nhiều, nên gây tâm trạng bức xúc cho chủ nhân khi đến nhận lại xe. Theo tôi, trong quá trình vận chuyển xe từ nơi vi phạm đến bãi trông giữ đã có thể có những xây xát, vỡ nứt hoặc thất thoát phụ tùng của xe (nằm ngoài phạm vi của chúng tôi) nên rất khó xác định là việc mất mát, tráo đổi phụ tùng xảy ra ở thời điểm nào. Nếu có mất thì có lẽ xảy ra trong quá trình vận chuyển xe tới bãi.

* Theo ông, có giải pháp nào tốt hơn để tránh phiền hà cho cả người bị phạt  lẫn người trông giữ xe như hiện nay?

- Có lẽ phạt bằng kinh tế để cho người ta nhớ thì tốt hơn. Ví như việc phạt không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, trước đây chỉ phạt vài chục ngàn đồng có khi là chuyện thường, nay phạt tăng lên hơn trăm ngàn đồng thì người bị phạt sẽ phải nhớ hơn và phải mua mũ để đội. Do vậy, tôi cho rằng, giải pháp phạt nặng về kinh tế thay bằng việc giữ xe vi phạm sẽ tốt hơn. Hoặc có thể vừa phạt tiền vừa yêu cầu người vi phạm tạm thời không sử dụng xe máy trong thời gian 15-30 ngày tiếp theo (nếu tái phạm sẽ phạt nặng hơn).

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.