Đây là tâm sự của của một phụ huynh gửi tới Báo Thanh Niên và vị phụ huynh này đã quyết định kể câu chuyện của mình để làm bài học kinh nghiệm cho những ai có ý định đi du học, du học hè thông qua tổ chức EF (viết tắt của Education First) có trụ sở chính tại 236 Điện Biên Phủ, Q.3, TP.HCM và chi nhánh tại Hà Nội: 92 Bùi Thị Xuân, Q.Hai Bà Trưng.
Phờ phạc, mệt mỏi và chán chường
"Ngày 12.4.2007, gia đình tôi cùng 2 gia đình nữa đăng ký cho con đi du học hè tại Los Angeles (Mỹ), do EF tổ chức. Chuyến đi này gồm 15 cháu của Hà Nội và hơn 40 cháu đi từ TP.HCM. Các cháu đi trong thời gian 1 tháng, từ 5.6 đến 2.7.2007. Theo chương trình do EF cung cấp, khi sang tới Los Angeles, các cháu có 7 ngày đầu đi tham quan: Lãnh sự quán Việt Nam, Nhà Trắng, Bảo tàng, Viện Nghệ thuật quốc gia..., tính ra có đến hàng chục địa điểm các cháu được đặt chân đến trong chuyến du học này, nhưng khi sang tới nơi, các cháu phải học ngay và hầu hết các địa điểm này đều bị bỏ qua. Cũng theo lịch: các ngày tiếp theo, vừa học, các cháu vừa có lịch đi tham quan, sinh hoạt như: tham quan các bờ biển, học làm bánh pizza, thiết kế và trình diễn thời trang... Nhưng thực tế, các chương trình này đều bị cắt. Khi các cháu về Việt Nam, chúng tôi được các cháu đưa cho xem một chương trình học, sinh hoạt hoàn toàn không giống với chương trình EF cung cấp trước khi các cháu đi. Đặc biệt, nơi ở của các cháu lại là một thành phố khác (Santa Barbara), chứ không phải là Los Angeles hay San Francisco như chúng tôi được thông tin!
Về chỗ ăn, ở: theo chương trình, chỉ có 2 - 4 cháu ở chung một gia đình bản xứ, nhưng thực tế, có gia đình lên tới 7-9, thậm chí có gia đình EF xếp đến hơn 10 cháu, gồm cả các cháu nước khác. Như vậy, là không đúng với cam kết, rất bất tiện cho các cháu, nhất là các cháu nữ. Buổi tối, khi các cháu đói nấu mì ăn thì chủ nhà tỏ thái độ không đồng ý... Trong đoàn Hà Nội, chỉ có hai cháu được gia đình bản xứ lo ăn uống chu đáo, trong đó có một cháu được ở gia đình Việt kiều.
Các cháu còn cho biết, khi đi tham quan, các cháu chỉ được phát 5 USD để tự trả tiền ăn, nhưng số tiền này chỉ đủ mua nước uống, nếu uống nước thì phải bỏ tiền túi để mua đồ ăn cho mình. Khi các cháu gọi điện về báo cho bố mẹ biết thì EF mới điều chỉnh lên 10 USD. Những ngày học ở trường, các cháu chỉ được ăn một trong ba món là hamburger, pizza, bánh mì kẹp xúc xích. Ngoài ra, không còn sự lựa chọn nào trong suốt một tháng trời ở bên đó. Ngày các cháu trở về, ra sân bay, chúng tôi ai cũng ngạc nhiên khi thấy các cháu phờ phạc, mệt mỏi và chán chường".
"Khác biệt văn hóa"?
Trước sự việc như vậy, các vị phụ huynh đã viết thư EF đề nghị giải đáp các thắc mắc của họ. Trong các bức thư trả lời và cuộc trao đổi trực tiếp với các phụ huynh, phía EF đã giải thích lý do mà chương trình đi của du học sinh không giống với chương trình do EF cung cấp là vì chương trình đưa cho các vị phụ huynh chỉ là chương trình mẫu (?!). EF cho rằng: "Tất cả các hoạt động diễn ra tại California đều đã được cung cấp cho các cháu hoặc thay thế bằng những hoạt động có giá trị giáo dục ngang bằng hoặc thậm chí cao hơn so với giá của EF" (!?). Được biết, trong "chương trình mẫu" này có lịch trình đi rất cụ thể của 28 ngày và phụ huynh đã nộp tiền theo mẫu của chương trình (chi phí hơn 4.000 USD). Tuy nhiên, có phụ huynh đã không "để ý" rằng với số tiền này thì hoàn toàn học sinh không có chương trình đến bờ biển đông - nơi có các địa điểm tham quan như chương trình mẫu. Điều đáng nói là khi đưa ra chương trình mẫu với những lịch trình rất hấp dẫn đó, EF đã không giải thích rõ cho các vị phụ huynh. Thêm nữa, lại đơn phương thay đổi nội dung chương trình đã khiến cho họ cảm thấy sự thiếu minh bạch.
Một điều đáng quan tâm trong hành trình du học của học sinh là điều kiện ăn ở. Giải trình của EF đã tỏ ra ngụy biện. Trong bức thư gửi các vị phụ huynh, ông Nicolas Chapuis, Giám đốc EF Việt Nam nêu lý do việc các học sinh ở đông đúc là do "theo học sinh yêu cầu", còn việc ăn uống không đảm bảo là do "sự khác biệt về văn hóa". Ông Chapuis viết: "Các bữa ăn và thức ăn là sự khác biệt văn hóa cơ bản giữa Mỹ và Việt Nam. Các học sinh của chúng tôi đã được chuẩn bị ăn những món ăn khác hoàn toàn so với Việt Nam. Đôi khi, điều đó khiến các em khó khăn khi thích nghi nhưng đó là một phần có ý nghĩa văn hóa quan trọng!".
Quả thực, việc phải làm quen với tập quán ẩm thực mới là điều không thể tránh khỏi cho bất cứ ai khi đi ra nước ngoài, và trong trường hợp các học sinh nhỏ này còn là một kinh nghiệm thú vị và cần thiết. Tuy nhiên, nếu vì "khác biệt văn hóa" mà bắt các cháu chỉ được "thưởng thức" 3 loại thức ăn nhanh hoàn toàn không cân đối về thành phần dinh dưỡng như nêu trên, e rằng các nhà tổ chức của EF đã khá lạm ngôn và coi thường sự hiểu biết của các bậc phụ huynh. Đó là chưa nói, EF khẳng định luôn luôn thận trọng trong việc lựa chọn các gia đình bản xứ và thực hiện theo đúng chuẩn mực của EF nhưng lại để cho tới 9-10 học sinh vào 1 gia đình trong khi chuẩn mực chỉ là 4 học sinh! Đặc biệt việc chọn mức chi phí 5 USD cung cấp cho học sinh khi đi dã ngoại để học sinh tự trả tiền ăn trong khi EF thừa biết rằng với số tiền này "không đủ cho học sinh ăn một bữa ăn trưa thật vừa ý" là điều không thể chấp nhận. Mặc dù sau đó, EF cho rằng: để bù lại thì EF đã... mua kem cho học sinh trong một chuyến đi khác!
Với cách tổ chức như vậy, cái "mất" lớn nhất của EF là lòng tin của khách hàng và quan trọng hơn là đã khiến cho em học sinh cảm thấy thất vọng khi tìm hiểu về nền văn hóa Mỹ!
Vũ Thơ
Bình luận (0)