Vay vốn học tập: không khó!

11/10/2007 22:04 GMT+7

Ngày 8.10, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai cho học sinh, sinh viên vay vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều điểm mới trong chính sách cho vay đã được công bố.

Ai được vay?

Theo bà Hoàng Thị Hà - Trưởng phòng Nguồn vốn tín dụng, Ngân hàng Chính sách xã hội - thì đối tượng được vay vốn trong quy định lần này đã mở rộng. Trước đây, chỉ có học sinh, sinh viên hệ chính quy có thời hạn học trên 1 năm trở lên mới được vay, thì lần này đối tượng là học sinh, sinh viên không phân biệt thuộc trường công lập hay dân lập, chính quy hay tại chức. Đặc biệt, học sinh học nghề có thời hạn học dưới 1 năm cũng được vay nếu đủ điều kiện và có hoàn cảnh khó khăn.    

Người vay vốn là chủ hộ gia đình và có trách nhiệm trả nợ ngân hàng. Chủ hộ được quy định là cha hoặc mẹ hoặc người đại diện cho gia đình nhưng đã thành niên (đủ 18 tuổi) được UBND cấp phường, xã sở tại xác nhận. Những học sinh, sinh viên đã mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động cũng được trực tiếp vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở.  Bà Hà cũng cho biết: ngân hàng không cho vay đối với những học sinh, sinh viên bị các cơ quan xử phạt hành chính trở lên về các hành vi: cờ bạc, trộm cắp, nghiện hút, buôn lậu.

Thời hạn và mức vay

Theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn cho vay là thời gian người vay nhận món vay đầu tiên cho đến ngày học sinh, sinh viên kết thúc khóa học, kể cả thời gian học sinh, sinh viên được nhà trường cho phép nghỉ học có thời hạn và được bảo lưu kết quả  học tập (nếu có). Trong thời hạn vay, người vay chưa phải trả nợ gốc và lãi tiền vay. Tuy nhiên, ngân hàng cho phép người vay được trả lãi định kỳ theo tháng, quý và có chính sách khuyến khích trả nợ trước hạn.

Điểm đáng lưu ý là thời hạn trả nợ trong quy định lần này có những thay đổi so với các quy định trước đây, đó là: đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến 1 năm, thời gian trả nợ tối đa bằng hai lần thời hạn phát tiền vay; đối với các chương trình đào tạo trên 1 năm, thời gian trả  nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay. Như vậy, đối với người học dưới 1 năm thì thời gian trả nợ được kéo dài hơn để tạo điều kiện cho người vay tìm được việc làm.

Theo quy định mới, mức cho vay tối đa đối với mỗi học sinh, sinh viên là 800.000 đồng/tháng. Số tiền cho vay đối với mỗi hộ gia đình căn cứ vào số lượng học sinh, sinh viên trong gia đình, thời gian còn phải theo học tại trường và mức cho vay đối với mỗi học sinh, sinh viên. Bà Hoàng Thị Hà cho biết thêm, đối với những học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí thì khi cho vay, ngân hàng sẽ trừ đi khoản chi phí này để xem xét mức cho vay.

Thủ tục như thế nào?

Theo quy định, người vay không phải thế chấp tài sản nhưng phải gia nhập và là thành viên của tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, ấp, bản, buôn (gọi chung là thôn) nơi hộ gia đình đang sinh sống, được tổ bình xét đủ điều kiện vay vốn, lập thành danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội gửi UBND cấp xã xác nhận.

Để được vay vốn, người vay viết giấy đề nghị vay vốn theo mẫu, kèm giấy xác nhận của nhà trường hoặc giấy báo nhập học gửi cho tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ này sẽ có trách nhiệm kiểm tra và làm các thủ tục để trình UBND cấp xã xác nhận. Sau khi có xác nhận của UBND cấp xã, tổ tiết kiệm và vay vốn gửi toàn bộ hồ sơ gửi Ngân hàng Chính sách xã hội để làm thủ tục phê duyệt cho vay. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ gửi thông báo đến UBND cấp xã. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo cho các tổ chức chính trị - xã  hội cấp xã (đơn vị nhận ủy thác cho vay), tổ tiết kiệm và vay vốn để thông báo cho người vay đến điểm giao dịch tại xã hoặc trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay để nhận tiền vay.

Điểm mới trong thủ tục lần này là ngân hàng có thể chuyển khoản cho người vay theo yêu cầu; thời gian để hoàn tất và thực hiện các thủ tục cho vay chỉ vào khoảng 2-3 ngày.

Đối với học sinh, sinh viên mồ côi, vay trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì người vay viết giấy đề nghị vay vốn có giấy xác nhận của nhà trường (với nội dung đang theo học tại trường và là học sinh, sinh viên mồ côi  có hoàn cảnh khó khăn), gửi Ngân hàng Chính sách xã hội nơi nhà trường đóng trụ sở. Hồ sơ cho vay sẽ gồm giấy đề nghị vay vốn (theo mẫu) kiêm khế ước nhận nợ, kèm giấy xác nhận của nhà trường (bản chính) hoặc giấy báo nhập học (bản chính hoặc bản photo có công chứng).

Tất cả các trường hợp học sinh, sinh viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ không bị ràng buộc gì về phía nhà trường (trừ việc cần nhà trường xác nhận là sinh viên đang theo học và không bị xử lý vì 4 hành vi vi phạm đã nêu).

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.