Nở rộ
Tháng 4.2005, Hãng HKGR Tiger Air (Singapore) xuất hiện tại TP.HCM với các chiêu quảng cáo rầm rộ, ấn tượng. Tiếp đó, Air Asia (Malaysia) cũng mở đường bay từ Kuala Lumpur đến Hà Nội. Còn Pacific Airlines đến ngày 13.2.2007 chính thức chuyển đổi đồng bộ thành hãng HKGR đầu tiên ở Việt Nam, nhằm mở rộng thị trường nội địa và khu vực trong phạm vi 5 giờ bay, đồng thời biến vận tải hàng không thành phương tiện giao thông công cộng cho nhiều đối tượng hành khách. Ngày 26.4.2007, Hãng hàng không quốc gia Úc Qantas Airways ký kết hợp đồng với Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để trở thành cổ đông chiến lược của Pacific Airlines với 30% cổ phần. Với sự tiếp sức của Qantas, chỉ sau hơn nửa năm, từ chỗ chỉ có các đường bay TP.HCM đi Hà Nội, Đà Nẵng, Bangkok (đường bay này liên danh với Bangkok Airways), trong tháng 9 và 10.2007, Pacific Airlines liên tục mở đường bay mới TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Singapore (liên danh với Jetstar Asia Airways, công ty con của Qantas Airways), tăng tần suất bay các tuyến TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Bangkok.
Mới đây, hãng HKGR thứ 4 có mặt ở Việt Nam là Nok Air (thuộc Hãng hàng không Thai Airways International, với 39% cổ phần của Thai Airways). Nok Air sẽ chính thức mở đường bay Hà Nội - Bangkok từ ngày 1.11.2007, khai thác bằng máy bay Boeing 737-800 (190 chỗ ngồi), tần suất 2 chuyến/ngày; giá vé thấp nhất trong dịp khai trương là 0,09 USD/vé một chiều.
...và thách thức
Hãng Lion Air (Indonesia) khai trương đường bay TP.HCM - Singapore vào ngày 19.12.2003 nhưng đến tháng 2.2005 buộc phải ngưng đường bay này trước áp lực cạnh tranh, dù lúc ấy hoạt động HKGR trên thế giới đang phát triển mạnh. Hai tháng sau khi Lion Air bay chuyến cuối cùng rời TP.HCM thì Tiger Airways mới vào. Bài học của Lion Air là thử thách lớn cho các hãng HKGR khác, ngay cả với Pacific Airlines khi ở thời điểm ấy cũng đang có ý định chuyển thành hãng HKGR bởi hoạt động kinh doanh thua lỗ diễn ra trầm trọng nhiều năm trời.
HKGR là một kiểu kinh doanh khác, một hệ thống chính sách thương mại và dịch vụ khác so với hàng không truyền thống, còn các hoạt động khai thác, bảo dưỡng máy bay thì không khác gì các hãng hàng không truyền thống. Không có một loại máy bay nào được sản xuất ra dành riêng cho HKGR. Cũng không có một quy định quốc tế, quốc gia về tiêu chuẩn an toàn và chương trình bảo dưỡng dành riêng cho HKGR. Ngay cả United Airlines (Mỹ), một hãng hàng không hàng đầu thế giới cũng có hãng HKGR của mình là Ted. Liên tiếp các hãng HKGR mở đường bay mới hoặc tăng tần suất đến Việt Nam là một minh chứng thị trường Việt Nam rất hấp dẫn, nhưng một nghịch lý là hành khách Việt Nam lại ít người mua được vé giá rẻ! Vấn đề này thuộc về tâm lý, bởi hành khách đi HKGR thích mua được loại vé rẻ nhất (số lượng rất ít trên một chuyến bay), ít bằng lòng với loại vé rẻ “vừa vừa”, hoặc rẻ “cao cao” (vẫn thấp hơn so với giá vé của hãng hàng không truyền thống với cùng đường bay, hành trình).
Trần Hùng
Bình luận (0)