Cô thủ khoa có đôi mắt sáng...
12 năm trước. Lớp diễn viên trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM đón cô tân sinh viên thủ khoa đầu vào bằng ánh mắt ngờ vực. Bởi với gương mặt chẳng có gì nổi bật ngoài đôi mắt sáng, Cát Tường không có một “hành trang” nào đáng kể cũng như “gốc gác” gia đình về nghề diễn xuất. Nằn nì mãi ba mẹ mới đồng ý cho cô con gái lớn theo cái nghề mà với họ là “xướng ca vô loài”.
Thông minh, học giỏi, chưa cầm tấm bằng tốt nghiệp, song Cát Tường đã được nhiều đoàn phim mời chào. Và Hải Nguyệt, Gió qua miền tối sáng, rồi Đồng tiền xương máu... là những bộ phim đầu tiên ghi dấu chặng đường khởi nghiệp của chị, giúp khán giả biết đến tên Cát Tường. Ra trường, Cát Tường chính thức được bổ sung vào biên chế Nhà hát kịch Thành phố.
... Tại cuộc thi Tiếng hát truyền hình năm 1996. Đêm chung kết trao giải, khán giả ấn tượng với cô gái trẻ vừa tròn tuổi đôi mươi có giọng hát trong và khỏe. Đứng trên bục nhận giải ba, ca sĩ Cát Tường cố nén lại những dòng nước mắt vỡ òa trong hạnh phúc. Giọt nước mắt ngày xưa tuôn trào trước “chiến thắng” tựa như cú knock-out của Cát Tường với số phận, của người con gái dám nghĩ và thực hiện cho bằng được giấc mơ của mình.
|
Sài Gòn những năm đầu giải phóng, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Nhưng cái gia đình nhỏ bé ấy vẫn tồn tại bằng đủ thứ nghề. Cát Tường và người em trai lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ cùng những nhọc nhằn. Với giọng trầm buồn, Cát Tường kể: “Chúng tôi sống cuộc đời “du mục”, lưu lạc về tận Vĩnh Long rồi quay ngược lại Sài Gòn và... quyết định bám trụ đất Biên Hòa vì quá “chồn chân mỏi gối” với cơm áo gạo tiền. Nếm trải đủ “hương vị” cuộc đời nên từ bé tôi đã có tính tự lập rất cao”. Cát Tường đã đổ đến cạn kiệt từng giọt mồ hôi để một ngày cuối năm 1997, cô gần như bật khóc khi cầm mảnh bằng tốt nghiệp trên tay. Cô lao vào tương lai bằng một trái tim lửa.
Ngã rẽ không bằng phẳng 25 tuổi. Đúng vào thời điểm đẹp nhất của cuộc đời, của sự nghiệp, Cát Tường quyết định rẽ ngang để đi lấy chồng, bỏ lại tất cả sau lưng những đam mê. Chị chấp nhận núp sau bóng chồng để làm tròn bổn phận và trách nhiệm của người vợ hiền, dâu thảo. “Với tôi gia đình vẫn là thiêng liêng nhất. Nghề nghiệp cũng cần đấy nhưng để đánh đổi, tôi sẵn sàng chọn vòng tay yêu thương của chồng của con” - Cát Tường lựa chọn.
Nhưng rồi mọi chuyện không như chị nghĩ. Những vặt vãnh đời thường, thứ mà ngày yêu nhau chỉ là “chuyện nhỏ” nay bỗng thành chuyện lớn. Cuộc sống vợ chồng không là vở diễn một đêm, càng không phải được nuôi sống bằng bao điều lãng mạn. Nó thực tế, phũ phàng và nghiệt ngã hơn chị tưởng tượng nhiều, để rồi cuối cùng, hai năm sau, chị đành lòng ký vào lá đơn ly hôn. “Một mình giữa cuộc đời, giữa Sài Gòn xa lạ, nhìn đứa con gái chưa tròn tuổi thôi nôi, tôi cắn môi đến bật máu. Sao số phận cứ mãi dày vò tôi?”.
Thế rồi, chị lặng lẽ làm lại tất cả nhưng không bằng con đường được đào tạo năm nào. “Tôi chọn cho mình một nghề khác. Dồn những đồng tiền dành dụm được bấy lâu, tôi theo thầy Xuân Chính học trang điểm rồi mở trường dạy thẩm mỹ, trang điểm tận Biên Hòa. Không có tiền, tôi phải chạy đôn chạy đáo kiếm nhà rẻ để thuê rồi mời thêm người cộng tác. Vậy mà trường dạy nghề thẩm mỹ Nguyên My của tôi giờ đã có đến 50 giáo viên, hằng năm đào tạo và cấp bằng cho hơn 1.000 học viên khắp cả nước”. Cát Tường “khoe” thêm: Năm 2006, chị được Tổng cục Dạy nghề trao giải ba Giáo viên xuất sắc toàn quốc. Chị chỉ tôi xem tờ giấy khen với ánh mắt thật vui, thật sáng.
“Nghiệp diễn vẫn gắn chặt vào tôi”
Hai năm trước. Trong một lần từ Biên Hòa về Sài Gòn dự đám cưới, Cát Tường theo bạn bè đi nghe nhạc. Cứ ngỡ đã “giã từ dĩ vãng”, nhưng ngồi nghe Đàm Vĩnh Hưng và Hồng Ngọc - hai ca sĩ cùng dự thi Tiếng hát truyền hình với chị gần 10 năm trước - biểu diễn, Cát Tường đã khóc.
Chị khóc cho số phận và khóc cho những đam mê ngày xưa dồn nén tưởng đã quên nhưng vẫn ám ảnh khôn nguôi.
Sau cái đêm đó, chẳng nói chẳng rằng, Cát Tường đã về lại Sài Gòn, trở lại với nơi chị yêu thích bắt đầu bằng những vai diễn trên sân khấu kịch Tao Đàn. Tết 2007, chị chuyển qua Nhà hát kịch Phú Nhuận, lưu trú được 2 tháng sau khi tham gia vở Hai thằng khờ phá án. Tình cờ đạo diễn Nguyễn Lâm mời chị về Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ để đóng vở Kính thưa Ôsin, rồi lần lượt là Quan nhất thời, Mèo hoang và gần đây nhất là Đôi mắt của biển. Niềm đam mê bao năm tháng ngủ vùi chợt thức tỉnh khi Cát Tường được hai anh Lê Duy Hạnh (Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM) và Huỳnh Minh Nhị (Giám đốc Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ) động viên, khuyến khích chị mạnh dạn bỏ tiền đầu tư dựng vở Đôi mắt của biển. Tuy kịch bản không thực sự xuất sắc, nhưng qua lối diễn xuất đầy đặn của Cát Tường và sự kết hợp rất có duyên với hai diễn viên Tấn Beo, Tấn Hoàng, vở kịch đã được khán giả đã đánh giá cao. Hai đêm diễn đầu, đêm nào rạp cũng kín khách.
Bận rộn diễn xuất, tập vở mới và cả đóng phim nhưng Cát Tường vẫn dành thời gian quản lý 2 trường dạy nghề ở Biên Hòa và 1 tại TP.HCM, chuẩn bị mở thêm trung tâm dạy nghề ở Vĩnh Long. Nhìn lịch làm việc, nhìn những giọt mồ hôi lau vội giữa ban trưa Sài Gòn, mới thấy cá tính của người phụ nữ này. Phía sau giọng nói nhỏ nhẹ là cả một bức tường ý chí vững vàng chống chọi mọi cay nghiệt của cuộc đời để sống, làm việc và nuôi con. “Hiện nay vừa làm việc ở trung tâm dạy nghề, tôi vừa tham gia đóng một lúc bốn phim: Chàng trai cầu ông Me (đạo diễn Hồ Ngọc Xum, TFS sản xuất), Thiên đường tình yêu (đạo diễn Danh Dũng, Lasta sản xuất), Trinh thám Sài Gòn (đạo diễn Xuân Cường, Hãng phim Giải phóng) và bộ phim nhiều tập Cô gái xấu xí (đạo diễn Minh Chung, BHD sản xuất). Có lẽ nghiệp diễn vẫn gắn chặt vào tôi. Tôi muốn làm việc thật nhiều để quên đi mọi chuyện”.
Trong đôi mắt ánh niềm vui của bà “bầu show” kiêm diễn viên Cát Tường dường như vẫn không thể che đậy chút gợn buồn. “Chẳng biết sau này con gái có theo nghề diễn không dù bé rất thích theo tôi mỗi tối.
Bé thuộc làu lời thoại của nhiều vở diễn và mê ca hát lắm, nhưng nếu chọn cho con một nghề, tôi vẫn thích cháu học hành thành tài hơn là theo nghiệp của mẹ”. Tuổi 30, ít nhiều thành danh và tạo được ấn tượng riêng cho mình, có chút vị trí trong xã hội nhưng Cát Tường vẫn luôn là người đàn bà khát khao một bờ vai rộng để sau mỗi đêm về, chị tựa vào đó mà khóc, mà cười.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)