200 em dùng chung 1 hố
Theo điều tra mới đây của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) về hiện trạng các công trình vệ sinh tại 966 điểm trường tại vùng nông thôn Việt Nam: trong tổng số điểm trường điều tra chỉ có 72,7% số điểm trường có nhà tiêu và chỉ có khoảng 54% nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh (trong đó chỉ có 11,7% nhà tiêu đạt tiêu chuẩn vệ sinh). Tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu đạt tỷ lệ thấp nhất là khối mầm non: 52,4%. Khối mầm non cũng là khối có tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu thuộc loại hình hợp vệ sinh thấp nhất (39,5%). Các nhà nghiên cứu đã phải đặt câu hỏi: với trên 1/4 số điểm trường không có nhà tiêu thì học sinh sẽ đi đại tiện ở đâu khi có nhu cầu? Đặc biệt ở bậc mầm non có đặc thù nhiều lớp có học sinh học bán trú, ăn trưa tại trường và nhu cầu đi đại tiện nhiều hơn mà chỉ có khoảng một nửa số điểm trường có nhà tiêu!
Đáng lưu ý là tỷ lệ điểm trường có nhà tiêu bị quá tải cũng chiếm con số đáng kể. Theo quy định về giáo dục thể chất và y tế trường học bình quân "từ 100 - 200 học sinh trong 1 ca học có một hố tiêu" nhưng thực tế có 12,9% số trường được điều tra có bình quân trên 200 học sinh trên 1 hố tiêu! Đã thế, chất lượng xây dựng nhà tiêu tại các trường học rất kém và hầu hết công trình đều không có chỗ rửa tay cho học sinh.
Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2007 của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thì trong số gần 17.000 trường học chỉ có 52,7% có hệ thống thoát nước tốt; hơn 60% (tổng số gần 20.000 trường) có nguồn nước sạch và có xử lý rác; chỉ có 56% số trường cung cấp đủ nước uống cho học sinh, sinh viên. |
Do không có tiền?
Theo kết quả điều tra, khi được hỏi về lý do không có nhà tiêu phần lớn các trường học cho biết là do không có tiền, chỉ có một tỷ lệ nhỏ cho rằng không có địa điểm trong đó tập trung chủ yếu là khối mầm non. Điều đó cho thấy hiện nay công tác đầu tư và xây dựng các công trình vệ sinh trong trường học chưa được quan tâm đúng mức.
|
Bác sĩ Nguyễn Thành Như, Bệnh viện Bình Dân TP.HCM: Nín tiểu sẽ thành bệnh Về góc độ tâm lý, việc nhịn tiểu làm cho bàng quang căng, trạng thái tinh thần không thoải mái, khó tập trung vào việc học tập. Về phương diện y học, vì trong nước tiểu luôn luôn có vi trùng, khi không bài tiết, nước tiểu tồn trong bàng quang quá mức độ niêm mạc cho phép dễ bị nhiễm trùng tiểu (viêm bàng quang) có thể ảnh hưởng đến thận. Ngoài ra có thể gây tình trạng ứ đọng tiểu, cặn lắng thành sỏi. Đặc biệt, nín nhịn tiểu lâu, bàng quang căng, học sinh hiếu động, nếu va chạm mạnh gây vỡ bàng quang. Vì vậy, không thể kéo dài tình trạng nín nhịn tiểu, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh, quá trình ảnh hưởng kéo dài dễ dẫn đến bệnh lý sau này. Chị Trần Thị Hoài An, phụ huynh học sinh trường TH Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình, TP.HCM: E ngại cho việc học tập của con em ! Trước khi cho bé vào học, tôi cũng đã dò hỏi một số phụ huynh của trường về môi trường giáo dục và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường. Nói thật, nhà trường có dạy tốt đến mấy mà phòng học ẩm thấp, đặc biệt là nhà vệ sinh không đảm bảo thì tôi cũng lo ngại và suy nghĩ không biết có nên cho con em mình theo học tại đây hay không. Nếu nhà vệ sinh mà không đảm bảo vệ sinh sẽ rất dễ dẫn đến tâm lý học sinh sợ không dám sử dụng và tình trạng nín nhịn kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, khả năng tiếp thu bài của con trẻ. Hằng ngày, trước khi bé đi học, tôi đều chuẩn bị những đồ dùng cần thiết cho nhu cầu vệ sinh của cháu và hướng dẫn cháu sử dụng một cách vệ sinh cho bản thân và môi trường xung quanh. Em Nguyễn Thụy Anh, lớp 12A2, trường THPT Ninh Giang, Hải Dương: Học sinh cần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh Qua lời kể của các bạn trong lớp, em được biết nhà vệ sinh của trường không được sạch sẽ. Thế nên em hạn chế tối đa việc sử dụng nhà vệ sinh trong thời gian học tập ở trường. Em tập cho mình có thói quen giải quyết nhu cầu vệ sinh trước khi đến lớp. Tuy nhiên theo em để nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ, ngoài việc dọn dẹp của các lao công thì các bạn học sinh cũng cần phải có ý thức tự giác, sử dụng giữ gìn vệ sinh chung. B.Thanh (Ghi) |
Vũ Thơ
Bình luận (0)