3 nút thắt của nền kinh tế
Theo tiến sĩ Trần Du Lịch - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đoàn TP.HCM, có 3 “nút thắt” cho nền kinh tế mà nếu Chính phủ không ưu tiên giải quyết, nó sẽ trở thành những thách thức ngày càng lớn đối với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Trần Du Lịch nói: “Tồn tại đầu tiên dễ thấy nhưng giải pháp để xử lý còn kém đó là chuyển dịch cơ cấu trong các ngành kinh tế chậm”. Theo ông, nền kinh tế Việt Nam vẫn nặng về gia công, khai khoáng rồi xuất khẩu. Tuy Chính phủ cũng có định hướng là chuyển dịch nhưng việc điều chỉnh có cơ cấu, chỉ tiêu cho từng năm thì chưa rõ. “Các chính sách về nội địa hóa như ôtô hay các chính sách phát triển về điện tử, tin học... đều chưa làm được. Kỳ này, chúng ta phải chất vấn Bộ trưởng Công thương vì sao chính sách nội địa hóa ngành công nghiệp ôtô thất bại”, ông nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, kiềm chế giả cả cũng là một yếu kém hiện nay. Mặc dù từ đầu năm, giá cả đã có xu hướng biến động xấu nhưng mãi cho tới tháng 7 và tháng 8, Chính phủ mới chỉ đạo thực hiện một số biện pháp, mang tính chất hành chính để điều tiết. “Như vậy, công tác dự báo về những yếu tố gây tác động kém, mà trong nền kinh tế thị trường, dự báo tốt sẽ là yếu tố dẫn dắt nền kinh tế”, ông nhận xét.
Cũng theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, từ nay đến cuối năm có thể được kiềm chế chỉ số giá cả thấp hơn tốc độ tăng trưởng, đạt yêu cầu của QH đề ra; nhưng nếu dự báo tốt, Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát để tránh tình trạng giá cả tăng quá cao như vừa qua.
Ông Trần Du Lịch cũng bày tỏ mối lo ngại về tình trạng độ hấp thụ vốn của nền kinh tế: “Năm 2007, chúng ta thấy nổi lên vấn đề là kinh tế không hấp thụ được, ngoại tệ đang thừa. Trong khi các nguồn vốn ngân sách, vốn trái phiếu... đều chậm được giải ngân”. “Trong cơ chế quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản, có những dự án chỉ cần thực hiện trong 3 tháng mà làm thủ tục mất 3 năm. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, cảng biển cũng quá yếu kém. Nếu giải quyết được những vấn đề này, để nền kinh tế hấp thụ được vốn thì đạt mức tăng trưởng 10 - 11%/năm với Việt Nam không là vấn đề. Nhưng như báo cáo của Chính phủ, tôi chưa thấy rõ những giải pháp quyết định để khắc phục vấn đề này”, ông nhận định.
Đồng ý kiến với Tiến sĩ Trần Du Lịch, Luật sư Nguyễn Đăng Trừng (Đại biểu TP.HCM) cũng lo lắng: “Giao thông thực sự đang cản trở phát triển kinh tế. Nạn tắc nghẽn giao thông ở Hà Nội, TP.HCM đang là cơn ác mộng, không có lối ra... Tôi chưa thấy một kế hoạch, một chiến lược nào hay được đề nghị với Chính phủ. Các biện pháp hiện nay mới chỉ là tình thế, trước mắt thôi”.
Cũng bàn về vấn đề giải ngân cho các dự án, đại biểu Huỳnh Thành Lập (đoàn TP.HCM) cho rằng, mặc dù Chính phủ đã tạo sự chuyển biến ban đầu về cải cách hành chính nhưng công việc này chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. “Rõ nhất là chỗ các dự án đầu tư chậm triển khai. Nguồn vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ thì có tới 10 địa phương giải ngân dưới 10%, 4 tỉnh chưa giải ngân”, ông nói. Đại biểu Lập nêu lên vòng luẩn quẩn trong việc triển khai dự án đầu tư: “Điều kiện giao đất là phải có dự án được duyệt. Nhưng dự án được duyệt phải dựa trên quy hoạch chi tiết. Mà muốn có quy hoạch phải có dự án được duyệt. Vòng luẩn quẩn này lại nảy sinh tiêu cực, tham nhũng”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa góp ý: “Hiện nay, đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng vẫn là vốn ngân sách Nhà nước. Sắp tới cần xã hội hóa hoạt động này. Có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng lớn của thế giới để họ giúp ta một phần, chứ không lại sống chung với kẹt xe 10 - 20 năm nữa”.
Nạn đầu cơ đất đai đang phá hoại chủ trương công nghiệp hóa
Phiên họp tại tổ của các đoàn ĐBQH cũng "nóng" lên khi các đại biểu nói về tình trạng giá nhà, đất đang tăng nhanh. Tiến sĩ Trần Du Lịch nói: “Giá đất đô thị tại TP.HCM và Hà Nội đã hơn cả Tokyo và chỉ thấp hơn London”. Ông đặt câu hỏi: “Giá đất đô thị quá cao như vậy có phải do cầu quá cung không?“. Và ông tự trả lời: “Đó là do đầu cơ, một vấn đề đã được báo động nhiều năm nhưng không được xử lý”.
Theo ông Lịch: “Chính sách tài chính đất đai của ta rất bất cập. Pháp lệnh thuế nhà đất mới chỉ tính đến phần đất chứ chưa tính đến phần nhà. Hay như Luật Thuế chuyển quyền sử dụng đất, có những quy định bất hợp lý, làm giàu cho các chủ dự án và làm nghèo Nhà nước”.
“Bộ Tài chính cần phải trả lời câu hỏi tại sao một dự án xin đất sau đó lại xin chuyển quyền sử dụng”, ông Lịch nói và đặt vấn đề: “Không thể để tình trạng ôm đất chờ Nhà nước làm hạ tầng hưởng siêu lợi nhuận. Đây là chỗ mà người ta khai thác".
Tiến sĩ Trần Du Lịch kết luận: “Phải đánh thuế sử dụng đất, chống đầu cơ, nếu không nó sẽ phá hoại chủ trương công nghiệp hóa”. Nếu không xây dựng và thực thi được các chính sách tài chính về đất đai, theo ông Lịch, người có thu nhập thấp không thể mua được nhà và không thể phát triển được các khu công nghiệp, không thể xây dựng các khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... do tình trạng giá đất quá cao. “Các bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng trình QH tính thuế lũy tiến theo hạn mức đối với đất ở đô thị, đất bỏ không... Các luật thuế liên quan đến sử dụng đất cần ưu tiên trình QH để sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là các sắc thuế đối với việc sử dụng đất đô thị, thuế đối với đất bỏ hoang...”, ông Lịch đề nghị.
M.Q
Bình luận (0)