“Ở đâu cũng vậy thôi”
"Nhà báo đừng có đưa tin, chụp hình ở đây, tui bị rầy chết. Giờ trường nào cũng vậy à!" - hiệu trưởng của một trường tiểu học nằm trên đường Bà Triệu, thị xã Bạc Liêu đã nói tình thiệt như vậy khi thấy tôi đi thực tế khu vệ sinh của trường. Tại trường Tiểu học Lê Văn Tám, ngôi trường mới được xây khang trang, đám đông học sinh đều lắc đầu khi được hỏi về nhà vệ sinh: "Hôi lắm chú ơi ! Hôi chịu không nổi luôn". Để biết các học sinh ở đây... "chịu không nổi” như thế nào, chúng tôi đến khu vệ sinh của trường và bất giác phải bịt mũi quay ra khi vừa bước chân tới cửa nhà vệ sinh. Ông Châu Minh Phước, Hiệu trưởng trường Lê Văn Tám thản nhiên nói: "Hôi thối là phải thôi. Học sinh đông quá mà..." (!).
Tại trường THPT Bạc Liêu, cũng vẫn là cảnh tượng "khủng khiếp" tại khu vệ sinh nam. Tại các phòng đại tiện, nước tràn lênh láng và "hiện trường" đều được giữ nguyên, không thoát được bởi nghẹt cầu. Bà Trần Thị Năm, hiệu trưởng của trường còn cho biết thêm, trường đã cho khóa lại một phòng vệ sinh vì bị "ngập lụt". Được biết, trường THPT Bạc Liêu có 1.816 học sinh mà chỉ có 8 phòng vệ sinh cho cả nam lẫn nữ.
Có một “chỉ thị chuyên về... nhà vệ sinh”
Trong khi đó, ngay từ năm 2004, tại huyện Phước Long, một huyện nghèo vùng xa của tỉnh Bạc Liêu đã có hẳn một chỉ thị về vấn đề xây dựng các công trình vệ sinh trường học. Nhiều phụ huynh tại Phước Long gọi nôm na chỉ thị 04-2004 của UBND huyện là "Chỉ thị nhà vệ sinh".
Chỉ thị ra đời từ một trường tiểu học nằm ở xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long. Trước đây dự án xây trường này không có nhà vệ sinh. Học sinh có "nhu cầu" thì cứ đi ra gốc cây, bờ cỏ gần trường. Một nữ giáo viên tình cờ phàn nàn chuyện "khó nói" này tới tai lãnh đạo huyện vì ngay cả giáo viên khi quá "bức xúc" cũng chạy qua nhà dân gần trường mà... đi nhờ (!). Ông Phạm Quốc Nam, Phó chủ tịch UBND huyện Phước Long cho biết, ngay từ năm 2003, huyện đã chỉ đạo cho xã vận động phụ huynh học sinh người góp công, người góp của để xây dựng nhà vệ sinh. Thấy nhà trường đi "xin tiền" quá hợp lý, nhiều phụ huynh chẳng ngại góp tùy theo thu nhập của mình. Người có tiền thì góp vài ba mươi ngàn, ít tiền thì góp năm bảy ngàn, người không tiền thì xung phong cùng với giáo viên của trường đào đất, trộn hồ. Kết quả trường không những có được cái nhà vệ sinh đàng hoàng mà còn tráng được cái sân.
Thấy được, đầu năm 2004, UBND huyện ban hành chỉ thị cho phép các trường vận động xã hội hóa xây dựng công trình vệ sinh ở các điểm trường. Mọi quyên góp, chi tiêu xây dựng các công trình này đều do Hội phụ huynh ở các trường đảm trách. Nhiều cán bộ hưu trí, người có tuổi cũng tham gia vận động, xây dựng kế hoạch và giám sát việc xây dựng. Đến cuối năm 2005, huyện Phước Long đã vận động xây được 53 khu vệ sinh cho các trường và tất cả các trường trong huyện đều có nhà vệ sinh hợp quy cách. Được biết, sau thành công từ việc xã hội hóa nhà vệ sinh, hiện nay, huyện Phước Long đang vận động xây dựng "cây" nước sinh hoạt (trụ nước bơm theo cách gọi của người Nam Bộ) cho các trường. Và đã có 35 trường trong huyện Phước Long xây được hệ thống nước sạch cũng từ cuộc vận động này.
Đó là hai câu chuyện đã và đang diễn ra tại Bạc Liêu, một tại thị xã trung tâm và một tại huyện nghèo, vùng xa của tỉnh - rất tương phản nhau.
Trách nhiệm của ai? Ông Phạm Chí Thành, Tổ trưởng Tổ chỉ đạo và kiểm tra chương trình kiên cố hóa trường, lớp học (Bộ GD-ĐT): Trách nhiệm là của các địa phương! Chương trình kiên cố hóa trường lớp học chỉ hỗ trợ chứ không phải cấp kinh phí cho các tỉnh (các tỉnh phải bỏ ra một phần) để xây trường lớp. Việc hỗ trợ cũng chỉ tính theo đầu phòng học do các tỉnh báo cáo lên chứ không tính đến các công trình phụ trợ khác, trong đó có công trình vệ sinh. Trong mẫu thiết kế vẫn có thiết kế khu vệå sinh nhưng không có hỗ trợ kinh phí vì thế các địa phương phải tự lo. Việc yêu cầu các địa phương được cấp tiền phải xây dựng những công trình vệ sinh đạt chất lượng là rất khó vì không thể đưa ra một yêu cầu chung được. Thực tế thì các tỉnh cũng ít tiền nên khi xây dựng khoán cho huyện, xã mà các huyện xã không huy động được thêm nguồn vốn thì có khi họ cũng "lờ" đi. Theo tôi, muốn giải quyết được thực trạng trên thì các ngành chức năng (Bộ Xây dựng, Bộ Y tế...) phải có quy định của mình, các tỉnh phải thực hiện đúng yêu cầu theo đúng cái chuẩn ấy. Bà Nguyễn Thị Sơn, chuyên viên Vụ Công tác học sinh - sinh viên phụ trách về vấn đề vệ sinh - môi trường (Bộ GD-ĐT): Sẽ ban hành thiết kế mẫu Đây là vấn đề mà Bộ GD-ĐT cũng rất bức xúc, nên chúng tôi cũng đã nghiên cứu và đang xin ý kiến của các bộ ngành liên quan (Bộ Xây dựng, Bộ Y tế) để nếu được thì sẽ ban hành thiết kế mẫu về công trình vệ sinh và nước sạch trong trường học vào tháng 11 này. Trước đây, Bộ GD-ĐT có dựa vào các quy chuẩn của các bộ, ngành liên quan để ban hành về quy định số học sinh trên 1 hố tiêu là 100-200 học sinh nhưng quy định đó nay đã lỗi thời. Qua quá trình thực hiện, chúng tôi thấy, quy định này chỉ có thể áp dụng với cộng đồng, còn đối với học sinh thì không được, vì chúng chỉ ra chơi có 15 phút thì 200 học sinh không thể "chen nhau" vào vệ sinh được. Theo tôi, quy định là 50 học sinh/hố tiêu. Một tiêu chí khác cần phải có là tất cả các công trình vệ sinh, kể cả khô và tự hoại thì bắt buộc phải có chỗ rửa tay để giáo dục hành vi vệ sinh cho các cháu. Khi ban hành, mẫu thiết kế này sẽ đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia để các tỉnh triển khai và ba ngành (Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện. Ông Lê Tiến Thành, Phó vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT): Không thể chấp nhận trường học mà không có nhà vệ sinh Việc trường học không có nhà vệ sinh là không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các trường tiểu học là do các địa phương (cấp xã, phường) quản lý nên Bộ GD-ĐT chỉ có thể ra quy định và kiểm tra việc thực hiện mà thôi. Trách nhiệm của Bộ là sẽ yêu cầu các Sở kiểm tra và đề nghị các phòng giáo dục làm việc với chính quyền địa phương đôn đốc việc thực hiện các quy định của ngành và nếu không đảm bảo là không được. Vũ Thơ (ghi) |
Tiến Trình
Bình luận (0)