Quốc hội không lẽ gì không quan tâm đến vấn đề này
Tôi theo dõi diễn đàn bàn về "quốc sự" nhà vệ sinh cho học trò. Tôi hoàn toàn đồng tình với cách đặt vấn đề của Thanh Niên cho rằng đó không phải là chuyện nhỏ; cũng như quan điểm của của anh Thanh Thảo rằng Quốc hội phải quan tâm đến vấn đề này.
Trong buổi thảo luận tổ đầu tiên bàn về Báo cáo của Chính phủ tôi đã phát biểu ý kiến cho rằng mỗi kỳ họp bên cạnh những vấn đề tổng quát, Chính phủ và Quốc hội nên đề cập tới một vài vấn đề đang gây bức xúc xã hội, ví như chính sách đối với ô tô hay như vụ nhà vệ sinh này mà Thanh Niên đã đề cập...
Quốc hội đã từng bàn rồi ra nghị quyết về việc kiên cố hóa lớp học thì không lẽ gì không quan tâm đến một vấn đề không chỉ quan hệ đến sức khỏe thể chất và tinh thần mà với cả điều kiện tiếp thu kiến thức của học sinh.
Sinh thời Bác Hồ mỗi lúc đi thăm đồng bào và chiến sĩ của mình, thì nơi đầu tiên Bác quan tâm là nhà ăn và nhà vệ sinh vì đó là những nhân tố làm nên chất lượng sống của con người, mà cũng là nơi mà "tư duy quan liêu" của một số người lãnh đạo thường không để mắt tới...
ĐB Dương Trung Quốc
Báo đề cập rất đúng
Tôi có đọc các bài viết cũng như ý kiến của nhiều bạn đọc trên Thanh Niên về vấn đề chỗ đi vệ sinh của học trò. Nội dung đề cập là rất đúng vì rõ ràng vấn đề này ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, thói quen của học sinh cũng như làm mất mỹ quan của môi trường sư phạm.
Thứ nhất, đây là kết quả của cách suy nghĩ của nhiều người dân và nhà quản lý: chỉ quan tâm đến chỗ ngủ, nơi làm việc hơn là nhà bếp, khu vệ sinh. Cũng không loại trừ tâm lý của nhiều người trong chúng ta, quan tâm đến "việc nhà" mà không quan tâm "việc nước", nhà thì phải sạch nhưng cơ quan nhếch nhác cũng coi là chuyện thường.
Thứ hai, có vấn đề về kinh phí. Muốn sạch thì phải có lao công nhưng nhiều trường không có định biên, chẳng hạn với các trường tiểu học (không thu học phí) thì tiền đâu mà thuê? Nhiều phụ huynh đặt vấn đề, tiền đóng góp xây dựng trường hằng năm để đâu. Đúng, các trường phải tính toán để dùng khoản tiền này vào việc củng cố trường học, gồm cả nhà vệ sinh.
Thứ ba, đúng là cần phải giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh chung cho người sử dụng.
Chịu trách nhiệm về vấn đề này, tôi nghĩ trước hết là các trường, sau đó chính quyền địa phương cũng có phần trách nhiệm. Kinh nghiệm của tôi khi ở trường (GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nguyên là Phó hiệu trưởng trường Đại học KH-XH và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - PV), rất nhiều người làm nhiệm vụ lao công, trồng cây, làm vệ sinh nhưng làm với "tư duy bao cấp" khiến công việc không tốt, đến khi nhà trường ký hợp đồng với một công ty vệ sinh-môi trường bên ngoài thì mọi việc được giải quyết tốt, cũng không quá tốn kém.
(ĐB Nguyễn Minh Thuyết - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội)
An Nguyên (ghi)
Chuyện này rất lớn
Tôi có đọc rất kỹ, rất đầy đủ các bài viết trên Thanh Niên. Chuyện về chỗ đi vệ sinh của hàng triệu học sinh tưởng là nhỏ nhưng hóa ra lại trở thành chuyện rất lớn khi mà chẳng ai quan tâm đến như báo đã đề cập.
Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học, quan tâm đến giáo dục như một cách đầu tư hiệu quả cho tương lại và Quốc hội, Chính phủ luôn dành những khoản đầu tư ngân sách tương đối cho giáo dục.
Cá nhân tôi rất bức xúc về chuyện trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh xuống cấp quá nghiêm trọng, không đảm bảo cho nhu cầu tối thiểu của học sinh. Tôi cho rằng, nếu viện vào lý do kinh phí để bỏ qua việc chăm lo cho một khu nhỏ như nhà vệ sinh là không chấp nhận được. Chẳng hạn mỗi trường chi 1 triệu đồng/tháng cho công tác đảm bảo vệ sinh trường học sẽ không phải là gánh nặng cho ngân sách cũng như chắc chắn chẳng phụ huynh nào phản đối. Vấn đề ở đây là Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chỉ đạo như thế nào, đưa ra các tiêu chuẩn (bao gồm cả điều kiện vệ sinh) của một trường học ra sao và các trường có trách nhiệm phải chăm lo việc này.
Ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa thậm chí không chỉ là nhà vệ sinh mà ngay cả lớp học cũng cực kỳ khó khăn, cần sự quan tâm của cấp cao hơn là nhà trường. Rồi chuyện phần đông sinh viên, con em nông dân đi học đại học đang phải thuê nhà trọ vừa tốn kém tiền bạc lại vừa không đảm bảo an ninh, môi trường sống nhiều tệ nạn xã hội cũng gây bức xúc. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cần có những tính toán cụ thể hơn để dành những nguồn lực tài chính đầu tư thích đáng hơn cho giáo dục, ít nhất là trường phải ra trường, lớp phải ra lớp. Và đừng để những chuyện như nhà vệ sinh trường học trở thành như một vấn nạn.
(ĐB Nguyễn Minh Hồng - Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội)
A.N (ghi)
UBND TP Đà Nẵng “ra tay” Ngày 25.10, UBND TP Đà Nẵng có công văn chỉ đạo về việc kiểm tra toàn bộ nhà vệ sinh tại các trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng. Theo đó, UBND thành phố giao Sở Giáo dục - Đào tạo lập đoàn kiểm tra khảo sát thực trạng toàn bộ nhà vệ sinh ở các trường học; kịp thời chấn chỉnh, giải quyết nâng cấp, xử lý đối với các nhà vệ sinh trường học bị xuống cấp hoặc chưa đạt yêu cầu. Kết quả của đợt kiểm tra khảo sát này phải được báo cáo lên UBND thành phố trước ngày 15.11. Trao đổi với Thanh Niên, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo, ông Huỳnh Văn Hoa cho biết Sở đã lên kế hoạch phân công cụ thể xuống các cấp, phòng trực thuộc để tiến hành công tác kiểm tra theo đúng chỉ đạo của thành phố. Công văn trên đã thể hiện trách nhiệm kịp thời của lãnh đạo thành phố đối với vấn đề bức xúc của các học sinh và cha mẹ học sinh mà nay mới có dịp nói ra. Vũ Phương Thảo |
Chiều 25.10, Giám đốc Sở GD - ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu Phan Châu Phi đã ký văn bản gửi các trưởng phòng giáo dục huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các trường học, các cơ sở giáo dục trong tỉnh yêu cầu thực hiện một số việc sau: Tổ chức giáo dục về ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh của học sinh vào buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần và có cơ sở đánh giá xếp loại tập thể lớp hằng tuần. Các cơ sở giáo dục tổ chức khảo sát lại các nhà vệ sinh hiện có đã đạt tiêu chuẩn hay chưa đạt chuẩn. Những trường hợp nhà vệ sinh đã hư hỏng hay xuống cấp phải có kế hoạch tu sửa ngay. Kinh phí sửa chữa sử dụng trong nguồn thu cơ sở vật chất đầu năm học. Phân công cụ thể và bố trí người thường xuyên làm công tác vệ sinh trường học. Đối với cơ sở giáo dục bán trú phải đặc biệt quan tâm vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn thực phẩm cung cấp cho các cơ sở này phải có nguồn gốc rõ ràng và phải được lưu mẫu để xét nghiệm, có sự bảo quản và sử dụng tốt. Trong văn bản cũng đã nhấn mạnh, đây là những công việc bức xúc cần làm ngay. Các cơ sở giáo dục triển khai tổ chức thực hiện, có gì khó khăn vướng mắc báo cáo về Sở GD - ĐT để giải quyết. Nguyễn Long
Sở GD - ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu: Yêu cầu kiểm tra, tu sửa ngay các nhà vệ sinh trường học
Bình luận (0)