Thời hoàng kim
Trước những năm 1990, vàng nằm trong danh mục bị Nhà nước cấm người dân kinh doanh. Hoạt động buôn bán vàng ở Đà Nẵng chủ yếu tập trung dọc khu vực bán tạp hóa ở chợ Cồn, người buôn chỉ mang một xách nhỏ vì hàng đã được cất giấu ở những nơi kín đáo khác. Thi thoảng lại có lệnh đóng tất cả các cửa chợ, lực lượng chức năng ập vào kiểm tra làm người bán kẻ mua chạy nháo nhào, hoảng hốt. Chị H - một chủ tiệm vàng nhớ lại: “Lúc đó, số lượng vàng và ngoại tệ giao dịch không nhiều như bây giờ, đô la Mỹ được cất giấu từng tờ một trong ruột viết, ruột tre, vàng được gói trong giấy. Tuy kinh doanh rất khó khăn nhưng lãi kiếm được rất cao”.
Sau những năm 1990, Nhà nước cho phép người dân kinh doanh mua bán vàng. Số lượng hiệu vàng trên ở thành phố Đà Nẵng từ lác đác, sau nhích dần lên đến con số vài chục. Thời ấy, mọi giao dịch từ mua bán nhà, đến chiếc máy khâu, chiếc ti-vi... đều được quy đổi ra vàng. Vàng phân kim khai thác từ các bãi vàng đổ dồn dập về Đà Nẵng nên nghề kinh doanh vàng rất thịnh. Giá vàng thường chỉ do một vài tiệm lớn, có đường dây - thông qua liên lạc bằng điện thoại từ TP Hồ Chí Minh thao túng, khống chế; chỉ cần chủ vàng nào đó tung ra mua hoặc bán một lượng vàng lớn, giá sẽ lên hoặc xuống ngay.
Không còn là “miền đất hứa”
Theo một chủ tiệm vàng, cách đây 10 năm, số lượng tiệm vàng ở Đà Nẵng là 130, tập trung chủ yếu tại các đường Hùng Vương, Ông Ích Khiêm, quanh các trục đường của chợ Hàn. Bây giờ, con số ấy đã tăng gấp đôi nhưng chủ yếu phát triển ở vùng ven và nông thôn. Một chủ tiệm vàng khác cho biết: “Tư duy về thị trường đã thay đổi hoàn toàn. Người ta bán, mua căn nhà mấy trăm triệu đồng, mấy tỷ đồng chỉ trao đổi với nhau bằng tiền mặt, không cần phải quy đổi ra vàng như lúc trước. Bây giờ, ở hang cùng ngõ hẻm, chỉ cần một tủ nhỏ xíu với số vốn vài chục cây, người ta đã có thể dọn được một tiệm vàng. Vùng nông thôn mua bán ít nên người dân “tiện đâu xâu đấy”, chẳng cần phải xuống tận phố để bán, mua một vài chỉ. Trong tình hình như thế, chúng tôi phải liên tục thay đổi mẫu mã để thu hút và giữ chân khách hàng”.
Gần đây, giá vàng trong nước đã leo thang đến chóng mặt theo thị trường thế giới, nên dù đã bán ra với mức chênh lệch cao, dân buôn vàng lâu nay vẫn lỗ đến tím mặt. Một chủ tiệm đúc kết : “Vàng bình giá thì sức mua thấp, lãi cũng thấp nhưng khi giá vàng tăng quá cao chúng tôi không dám bán, cũng chẳng dám mua. Buôn vàng thời điểm này thật khó”.
Hiện nay, nhiều người kinh doanh vi tính, xe máy ở Đà Nẵng đã được phong lên hàng “đại gia” nhưng chỉ cách đây 10 năm họ phải đi “bốc gió” vay vốn của những tiệm vàng. So sánh như thế để thấy rằng, mặc dù phải đầu tư tiền vốn rất lớn nhưng kinh doanh vàng đã không còn thuận lợi như trước. Nhiều chủ tiệm vàng đã chuyển sang kinh doanh các mặt hàng khác.
Xem ra, tuy có tăng về số lượng nhưng kinh doanh vàng ở Đà Nẵng đã đến thời kỳ bão hòa, không còn là “miền đất hứa” như lúc trước.
Thu Hà
Bình luận (0)