Xem kịch hình thể Vườn thiên đàng: Hồi hộp và... nghi ngại

26/10/2007 22:53 GMT+7

Gần hai năm sau ngày trình làng vở kịch hình thể đầu tiên - 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Lê Hùng mới đi tiếp tác phẩm thứ hai ở thể loại này Vườn thiên đàng - dựa trên nội dung của Một người mẹ, một câu chuyện cảm động trong Truyện cổ Andersen.

Khác với 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử, cho đến sát giờ tổng duyệt Vườn thiên đàng vẫn không hiểu đạo diễn Lê Hùng định nhắm đến đối tượng khán giả nào. Truyện cổ Andersen dĩ nhiên là dành cho trẻ em rồi. Nhưng trẻ em thì thưởng thức kịch hình thể ra sao, khi mà ngay cả người lớn cũng phân vân với thể loại vốn bị coi là "khó xem" này? Còn nếu Vườn thiên đàng là của người lớn, thì liệu có mấy người đủ lãng mạn "nhấm nháp" một câu chuyện chỉ thích hợp với lứa tuổi e rằng dưới cả "ô mai"? Thêm một bất lợi nữa cho Lê Hùng là cách đây chưa lâu, ê-kíp biên đạo, đạo diễn người Philippines vừa ra mắt Stereo man hết sức thành công ngay chính trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, sử dụng nguyên dàn diễn viên của nhà hát này. Vàâ nó cũng đi đúng vào đề tài "đắc địa" của kịch hình thể, đó là những vấn đề xã hội. Thế nên, lần đầu tiên ngồi xem kịch Lê Hùng mà có cảm giác nghi ngại, chứ không chỉ là hồi hộp.

Sân khấu quá đơn sơ so với phong cách Lê Hùng. Chưa thấy cao trào nào thì khán giả đã được "nóng mắt" với dàn diễn viên phụ trong trang phục... tắm biển. Phải chăng, anh muốn mỗi diễn viên đều phải tập trung diễn xuất bằng hình thể ở mức độ cao nhất, để khán giả có thể "bắt" được từng chuyển động nhỏ trên cơ thể diễn viên và hấp thụ được tối đa thứ ngôn ngữ ấy? Mặc dù đóng vai trò "dàn bao", nhưng những diễn viên phụ của Vườn thiên đàng cũng đã phải lao động nghệ thuật cật lực. Chỉ có chừng ấy người, mới phút trước họ vừa vào vai thần chết hung hãn cướp mất đứa con bé bỏng của bà mẹ tội nghiệp; phút sau, họ đã hóa thân làm thần bóng đêm, rồi thần gió gầm gào đòi người mẹ phải dâng hiến mái tóc, đôi mắt... mới chịu chỉ đường cho bà đi tìm con. Tới đây thì đã thấy rõ tác dụng của cái màn hình chiếu phim khổng lồ án ngữ trên sân khấu. Cơn phẫn nộ của thần chết, sự kỳ bí của bóng đêm, nỗi đớn đau tột cùng của người mẹ mất con.... đều được điện ảnh hóa thành những thước phim nghệ thuật. Hình như, Lê Hùng "tiết chế" các khâu khác là để làm nổi bật hiệu quả của phim ảnh. Tuy nhiên, khán giả ngồi xem tương đối mỏi mắt, vì phải theo dõi cả sân khấu lẫn màn hình. Chưa kể ở nhiều trường đoạn, những gì diễn ra trên sân khấu lại khá "nhạt" so với kịch tính của câu chuyện lẫn phim ảnh. Chẳng hạn, thần bóng đêm, thần gió... "lên hình" quá đơn giản, may mà có phim gỡ lại. Cũng hơi thiếu những "thủ pháp" về ánh sáng, những cảnh trí đẹp như mơ làm say lòng khán giả như trong 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Nói gì thì nói, đã là chuyện cổ tích thì nó luôn bay bổng, lãng mạn, dù có được kể bằng cách thức nào đi nữa.

Đã trải qua không ít những vai độc diễn, cộng thêm nhiều năm chuyên sâu vào kịch hình thể, việc khắc họa tâm lý của người mẹ mất con không phải là quá khó với NSND Lan Hương. Chị đã diễn xuất rất chân thực từ ánh mắt thất thần đến bờ môi run rẩy. Những chuyển động của chị cũng hết sức mềm mại, gợi cảm. Người mẹ ấy khiến người ta rơi nước mắt khi phải đứng trước hai sự lựa chọn: một là được trả lại đứa con, nhưng sẽ phải chứng kiến tương lai bất hạnh của nó. Hai là vĩnh viễn chia lìa con để nó được sống hạnh phúc trong khu vườn thiên đàng.

Tiếc là, bài hát về tình mẫu tử vang lên khá ồn ã và phần đọc chuyện quá dày khiến đôi lúc, có cảm giác như diễn viên đang "múa" minh họa. Nhưng, dù thích hay không hoặc chưa ưng ý lắm với Vườn thiên đàng, thì vẫn phải nói rằng, Lê Hùng quả là một đạo diễn dám nghĩ, dám làm. Và anh cũng có cả cái may mắn được thỏa sức thể hiện những sáng tạo của mình trên sân khấu.

H.L

(*) Trước khi ra mắt khán giả, Vườn thiên đàng sẽ biểu diễn miễn phí cho sinh viên các trường đại học. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.