Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh và mô hình dự báo MM5

31/10/2007 09:17 GMT+7

Từ sau bão Chan Chu làm thiệt mạng 246 ngư dân VN, tên của TS về khí tượng và môi trường Trần Tiễn Khanh, đang định cư tại Nevada (Mỹ), bắt đầu xuất hiện trên báo chí VN. Trang web vnbaolut.com chuyên dự báo thời tiết cho VN do ông “chủ xị” có số lượng người truy cập ngày càng tăng. Đặc biệt trong lúc này, hầu như ngày nào cũng có nhiều người đến “thăm” ông nhằm tìm cho mình những thông tin hữu ích.

MM5 là gì?

Theo TS Trần Tiễn Khanh, trong những năm gần đây, nhiều cơn bão đã tàn phá vùng duyên hải Việt Nam, nhất là ở miền Trung. Những cơn bão này đã mang theo những trận mưa lớn gây nên những trận lũ lụt trầm trọng làm tổn thất đến nhiều nhân mạng cũng như nhà cửa và mùa màng. Công ty AMI đã áp dụng thành công mô hình cao cấp MM5 vào nhiều trận bão xảy ra gần đây ở miền Trung, kết quả cho thấy có thể dùng mô hình MM5 để làm dự báo các cơn bão.

Mô hình MM5 đã được thành hình bởi Trung tâm nghiên cứu Khí tượng Mỹ (NCAR) và là mô hình khí tượng tối tân, chính xác nhất hiện nay. Mô hình MM5 đang được nhiều cơ quan chính phủ (như Nha Khí tượng Mỹ và NASA) cũng như nhiều đại học danh tiếng ở Mỹ và các quốc gia khác tại châu u, Hồng Kông và Đài Loan dùng để làm dự báo thời tiết. Mô hình MM5 thường đòi hỏi phải sử dụng máy vi tính cao cấp và đắt tiền như  máy siêu vi tính Cray hoặc máy chạy Unix. Để tiết kiệm, TS Trần Tiễn Khanh đã thành công trong việc cài toàn bộ phần mềm của MM5 vào máy Intel/AMD PC chạy Linux, tham gia dự báo bão lụt cho VN từ mấy năm nay.


TS Trần Tiễn Khanh khảo sát vùng bị bão Xangsane tại Khe Lâm, Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng - Ảnh: ĐNK

Dự báo MM5 bao gồm vùng Đông Nam Á, từ miền nam Trung Quốc ở phía bắc cho đến bắc đảo Borneo ở phía nam, từ Thái Lan ở phía tây cho đến Philippines ở phía đông. Mô hình MM5 dùng hai vùng để làm dự báo: vùng ngoài (vùng D01) có 41x53 ô với một khoảng cách là 72 km, và một vùng trong (vùng D02)  với trọng tâm là nước Việt Nam có 67x82 ô với một khoảng cách là 24 km. Cả hai vùng đều có 23 tầng chiều cao.

Mỗi ngày bốn lần, hoàn toàn miễn phí.

Tại website vnbaolut.com, hàng ngày có bốn dự báo hoàn toàn miễn phí và có hiệu lực trong vòng 72 giờ bắt đầu từ 00 UTC (7 giờ sáng Việt Nam), 06 UTC (1 giờ trưa Việt Nam),  12 UTC (7 giờ tối Việt Nam) và 18 UTC (1 giờ sáng Việt Nam). 

Các dự báo được hoàn tất trong vòng 30 phút sau giờ dự báo, ví dụ dự báo 00 UTC được hoàn tất vào lúc 7g30 sáng Việt Nam và dự báo 12 UTC vào lúc 19g30  tối Việt Nam. TS Trần Tiễn Khanh cho biết, điều kiện đầu tiên của mô hình MM5 được lấy từ dự báo toàn cầu của Nha Khí tượng Mỹ. Các dự báo được cập nhật với những dữ kiện và tin tức khí tượng mới nhất từ vệ tinh, ra-đa và các báo cáo từ các đài khí tượng, phi trường, thương thuyền trong vùng. Ông nhấn mạnh: “Các dự báo toàn cầu bởi mô hình GFS (Global Forecast System) dùng một khoảng cách hơn 100 km. Với một khoảng cách nhỏ hơn (24 km cho vùng trong), dự báo MM5 chính xác hơn các dự báo trên Internet khác, như của CNN và Yahoo, vì các dự báo này dựa vào mô hình toàn cầu GFS. Ngoài ra, dự báo MM5 còn cho biết  lượng nước mưa và tốc độ gió để dễ đề phòng nạn lũ lụt. Chúng tôi đang khảo sát các dự báo MM5 và so sánh với các tin tức thời tiết. Chúng tôi hy vọng các dự báo sẽ có ích cho việc đề phòng nạn lũ lụt, như là báo động hay quyết định tản cư, để tổn thất nhân mạng cũng như  thiệt hại tài sản được giảm thiểu tối đa”.

TS Trần Tiễn Khanh - sinh tại Huế, là cựu học sinh Lycee Blaise Pascal, Đà Nẵng, ông đỗ tú tài 2 tại Sài Gòn năm 1970. Sang Mỹ du học, đến 1974, ông đỗ thạc sĩ cơ khí, 4 năm sau tiếp tục lấy bằng tiến sĩ khí tượng và môi trường tại Đại học California, phân nhánh Los Angeles (UCLA). Là người  tiên phong áp dụng mô hình dự báo thời tiết vào chiếc máy tính đầu tiên của không quân Mỹ năm 1982, hiện TS Trần Tiễn Khanh làm công tác tham vấn cho Bộ Năng lượng Mỹ.
Vốn cẩn trọng, tại website vnbaolut.com, ông thông báo: “Các dự báo MM5 cũng như các thông báo và tin tức bão lụt được cung cấp miễn phí bởi công ty AMI Environmental (AMI) để thí nghiệm và tham khảo mà thôi. Người sử dụng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự chính xác cũng như mọi hậu quả do việc sử dụng các dự báo”.

Bền bỉ một tấm lòng.

Từ sau trận lũ lịch sử 1999 ở miền trung, TS Trần Tiễn Khanh nhiều lần về VN.  Ông có mặt trong các hội thảo toàn cầu và khu vực về dự báo thời tiết, biến đổi khí hậu. Ông góp tiếng nói báo động về nạn phá rừng, hủy hoại môi trường, tham gia tư vấn cho Viện nghiên cứu Khí tượng và thủy văn VN, chuyển giao sử dụng mô hình MM5 cho cơ quan dự báo của VN. Trong một lần tiến sĩ về thăm quê ở Huế, chúng tôi đưa ông đến gặp các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận. Ông rất muốn bỏ công xây dựng mô hình dự báo lũ cho khúc ruột miền trung trên cơ sở dữ liệu địa hình thực tế hiện nay, với rất nhiều biến đổi do nạn hủy hoại môi trường. Sau bão Xangsane, ông lại cùng bà xã về thăm, giúp đỡ các nạn nhân ở miền núi Đà Nẵng.

Ông đưa ra sáng kiến dùng “xi măng thần” vừa phát kiến, đông kết nhanh trong vòng 2 tiếng đồng hồ, bảo đảm hoàn thành ngôi nhà chống bão trong một ngày. TS cũng đã từng mang về VN chiếc điện thoại vệ tinh toàn cầu, hy vọng Chính phủ sẽ có chương trình hỗ trợ ngư dân sử dụng chúng thay máy ICOM khi họ phải lênh đênh trên biển nhiều tháng ròng. Tuy nhiên, tất cả đều đang bỏ ngõ.

Mới đây, ông về VN tham gia hội thảo môi trường. Do quá vội, chúng tôi không gặp được ông. Thay vào đó là bì hạt giống Moringa Olefera do bà xã ông, Nguyễn Khoa Diệu Lê, gửi về từ Mỹ. Chưa thể tham gia sâu về khoa học tại Việt Nam thì cố gắng tham gia trồng trọt cho người nghèo vậy! Ông tự nói trong email mới nhất gửi cho tôi. Với quê hương, nhiều trí thức như ông rất sẵn lòng...

Mô hình MM5 dự báo mưa từ 31.10 đến 1.11.2007 (trích lược).

Lạng Sơn: Ngày và đêm 1.11: Mưa 20- 21 mm. Gió mạnh 46- 52 km/giờ, giật 55 km/giờ. Nhiệt độ đêm 12 độ C. Cao Bằng: Ngày và đêm 1.11: Mưa 21- 15 mm. Gió mạnh 39- 40 km/giờ, giật 43 km/giờ. Nhiệt độ đêm 11 độ C. Móng Cái: Ngày và đêm 1.11: Mưa 10-16 mm. Gió mạnh 41-49 km/giờ, giật 50 km/giờ. Nhiệt độ đêm 13 độ C. Cẩm Phả: Ngày và đêm 31.10: Gió mạnh 38- 41 km/giờ, giật 42 km/giờ. Ngày và đêm 1.11: Mưa 11- 20 mm. Gió mạnh 50- 59 km/giờ, giật 62 km/giờ. Hà Nội: Đêm 31.10: Mưa 19 mm. Gió nhẹ 18 km/giờ. Nhiệt độ 17 độ C. Ngày và đêm 1.11: Mưa 35-18 mm. Gió 19- 22 km/giờ. Nhiệt độ đêm 15 độ C. Hà Tĩnh: Ngày và đêm 31.10: Mưa 34- 33 mm. Gió 29- 34 km/giờ.

Thanh Hoá: Ngày và đêm 1.11: Mưa 39 mm ... Mây nhiều ... Gió 33- 39 km/giờ, giật 41 km/ giờ. Tĩnh Gia: Đêm 31.10: Mưa nhẹ 6 mm. Gió mạnh 37 km/giờ, giật 39 km/giờ Ngày và đêm 1.11: Mưa giông 31 mm. Gió mạnh 37- 43 km/giờ, giật 45 km/giờ Nhiệt độ đêm 15 độ C. Kỳ Anh: Ngày và đêm 31.10: Mưa giông kèm sấm sét 81- 113 mm. Gió 18- 38 km/giờ, giật 44 km/giờ. Vinh: Đêm 31.10: Mưa 22 mm. Gió 27 km/giờ. Ngày 1.11: Mưa 26 mm. Gió 26 km/giờ. Nhiệt độ ngày 20 độ C. Đồng Hới: Ngày và đêm 31.10: Mưa giông 47- 43 mm. Gió 21- 38 km/giờ.  Ngày và đêm 1.11: Gió 32- 42 km/giờ, giật 47 km/giờ. Quảng Trị: Ngày và đêm 31.10: Mưa giông 33- 19 mm. Gió 7- 17 km/giờ. Quảng Điền:

Ngày và đêm 31.10: Mưa giông 40- 16 mm. Gió 9- 20 km/giờ.

Vinh Lộc: Ngày 31.10: Mưa giông 44 mm. Gió 16 km/giờ. Nhiệt độ ngày 25 độ C. Huế: Ngày 31.10: Mưa giông 37 mm. Gió 9 km/giờ. Nhiệt độ ngày 27 độ C. Đà Nẵng: Ngày và đêm 31.10: Mưa giông 45- 24 mm. Gió 13- 9 km/giờ. Hội An: Ngày 31.10: Mưa giông 49 mm. Gió nhẹ 13 km/giờ ... Nhiệt độ ngày 27 độ C.

Tam Kỳ: Ngày 31.10: Mưa giông 43 mm. Gió 14 km/giờ. Quảng Ngãi: Ngày 31.10: Mưa giông 41 mm. Gió 8 km/giờ. Nhiệt độ ngày 27 độ C. Tam Quan: Ngày 31.10: Mưa giông 34 mm.

Qui Nhơn: Ngày 31.10: Mưa giông 10 mm. Gió 8 km/giờ. Nhiệt độ ngày 25 độ C.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.