“Quả đấm thép” của quân đội Mỹ

03/11/2007 21:03 GMT+7

Lính thủy đánh bộ là “quả đấm thép” của quân đội Mỹ trong các cuộc chiến. Nếu Mỹ tấn công Iran trên bộ thì lực lượng này sẽ đóng vai trò xung kích.

Đạo quân đa năng

Từ khi được thành lập vào năm 1775, lính thủy đánh bộ (LTĐB) thường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cơ cấu quân đội Mỹ. Chiến thuật của đạo quân này trong các chiến dịch luôn là đòn tấn công phủ đầu. 


LTĐB Mỹ trên xe thiết giáp tại vùng duyên hải - Ảnh: tb7.ru

Có số lượng không đông, được đào tạo rất bài bản, trải qua những điều kiện đầy khắc nghiệt nên mỗi thành viên của lực lượng LTĐB có tính chiến đấu độc lập cao, có sự phối hợp nhịp nhàng. Trong hai cuộc chiến tại Iraq (1991 và 2003), LTĐB Mỹ đã thể hiện tính hiệu quả cao trong tác chiến. 

LTĐB được biên chế vào cơ cấu lực lượng hải quân Mỹ, nhưng trên thực tế đây là đạo quân được đào tạo và trang bị vũ khí, khí tài riêng, kể cả máy bay, xe tăng.  Đứng đầu LTĐB là một viên tướng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ chỉ huy hải quân. Người này cũng là thành viên của Bộ tổng tham mưu quân đội, tham dự vào các cuộc họp của cơ quan này để giải quyết các vấn đề của LTĐB. Từ tháng 12.2006, Tư lệnh LTĐB Mỹ là tướng James Conway, thống lĩnh các đạo quân trực thuộc tại hai hạm đội: Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, và trên nguyên tắc phải phục tùng đô đốc các hạm đội này. 

Tính cơ động cao

Cơ cấu của LTĐB Mỹ được chia thành bộ chỉ huy, các đơn vị tác chiến, các cơ sở đào tạo và lực lượng dự phòng. Các đơn vị tác chiến là xương sống của đạo quân này, luôn sẵn sàng chiến đấu độc lập hoặc phối hợp với các binh chủng khác. Trong thời bình, LTĐB Mỹ chia thành hai bộ chỉ huy khu vực.


Máy bay F/A18 thuộc biên chế LTĐB Mỹ - Ảnh: History.navy

Bộ chỉ huy thứ nhất tại vùng Đại Tây Dương bao gồm Sư đoàn viễn chinh số 2, hai lữ đoàn cơ động và ba tiểu đoàn độc lập. Cơ sở hậu cần Sư đoàn viễn chinh số 2 đặt tại Bắc Carolina. Bộ chỉ huy thứ hai tại vùng Thái Bình Dương gồm hai sư đoàn viễn chinh, hai lữ đoàn và bốn tiểu đoàn độc lập, có cơ sở hậu cần tại bang California. 

Sư đoàn viễn chinh LTĐB Mỹ ngoài tác chiến độc lập còn có thể phối hợp cùng 1 hoặc 2 sư đoàn chủ lực, cùng 1 – 2 sư đoàn không quân, các nhóm thám báo. Quân số đủ của sư đoàn khoảng 50.600 người (48.000 LTĐB và 2.600 lính thủy thuộc hạm đội). Mỗi một sư đoàn có đầy đủ khí tài, lương thực dự trữ để tác chiến trong vòng 60 ngày.

Các đơn vị của sư đoàn được tung vào các vùng chiến bằng tàu đổ bộ hay máy bay vận tải. Còn vũ khí hạng nặng, xe được các tàu chuyên dụng đồn trú tại khu vực chuyên chở. Các máy bay tiêm kích, trực thăng sẽ sử dụng các sân bay tiền phương hay cất cánh từ các hàng không mẫu hạm.

Dàn hậu bị và không quân mạnh

Lực lượng hậu bị LTĐB Mỹ cũng được cơ cấu các thành phần tương ứng với đạo quân thường trực để bất cứ lúc nào cũng có thể thành lập nên sư đoàn viễn chinh. Lực lượng này được tập trung ở 185 cơ sở đào tạo tại 47 bang của đất nước và ở Puerto Rico. Trong vòng 5 năm qua, lực lượng hậu bị luôn được bổ sung cho đạo quân thường trực hoạt động tại các vùng chiến sự ở Afghanistan và Iraq. 

Cũng không thể không nhắc đến không quân của LTĐB Mỹ với các máy bay tiêm kích, máy bay do thám và vận tải. Các máy bay tiêm kích phần lớn là máy bay kiểu Harrier có thể lên xuống tại các đường băng ngắn (90 – 400m) trên các tàu sân bay hay các đường băng dã chiến, thậm chí trên các xa lộ. 14 phi đội máy bay tiêm kích chủ yếu là F/A-18S “Hornet” và trực thăng đa năng AH-1 SuperCobra. Để thám thính còn có 6 phi đội máy bay F/A-18D, EA-6B và máy bay không người lái. Còn những máy bay trực thăng vận tải đóng vai trò quan trọng trong sự cơ động của LTĐB Mỹ, được chia thành 22 phi đội với 360 chiếc. Trong biên chế của LTĐB Mỹ còn có hai tiểu đoàn an ninh giống như cảnh sát, thực thi nhiệm vụ tại các cảng biển, cơ sở ngoại giao và có nhiệm vụ chống khủng bố. Các đơn vị này khi cần thiết có thể tham chiến với lực lượng tấn công đóng tại các vùng duyên hải.

Cuối cùng là lực lượng đặc nhiệm mới được thành lập vào năm 2006 của LTĐB Mỹ gồm 2.500 binh lính và sĩ quan. Đây là đạo quân phản ứng nhanh tại các chiến dịch nóng ở bất cứ điểm nào trên toàn cầu. Đó có thể là sơ tán dân khỏi các khu vực khủng hoảng, giải cứu con tin, tiêu diệt các nhóm khủng bố tại các vùng đông dân cư trong thành phố, trên sa mạc hay trong rừng rậm...

Cuộc chiến Iraq 2003 cho thấy tính hiệu quả trong tác chiến của LTĐB Mỹ bao gồm quân số của Sư đoàn 1 và 2 cùng ba tiểu đoàn độc lập với 21.000 người, 460 máy bay tiêm kích, trực thăng khi tiến sâu vào 700 km trong lãnh thổ Iraq. LTĐB hoàn thành nhiệm vụ khi đánh chiếm Baghdad mà tổn thất không đáng kể.

Tuyển chọn khắt khe


Trực thăng đa năng AH-1 SuperCobra - Ảnh: Aircav.com

Điều kiện tuyển mộ LTĐB cũng tương tự như các binh chủng khác của quân đội Mỹ. Các ứng viên buộc phải là công dân Mỹ và phải có thể lực cực tốt, kéo xà không dưới 10 lần và chạy 1,5 dặm không quá 11 phút... Với các ứng viên nữ cũng vậy, vì các chuyên gia đã tính cả điều kiện tâm lý lẫn thể lực của phái yếu trong các điều kiện khắc nghiệt, cam go nhất.

Trong vòng 11 tuần đầu tiên, các tân binh LTĐB Mỹ sẽ được huấn luyện về vũ khí, về các phương tiện thông tin, về lịch sử quân sự nói chung và của LTĐB nói riêng, các điều lệ, điều luật quân sự cũng như các nghi thức, cách hành binh và tác chiến trong điều kiện chiến trường.

Hợp đồng của LTĐB cả trong quân thường trực lẫn bộ phận hậu bị đều kéo dài 4 năm. Những quân nhân có thể chọn lựa phục vụ ở các trung tâm hậu bị, thường xuyên luyện tập ăn lương hoặc phục vụ tại các cơ sở trực chiến. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, lực lượng LTĐB Mỹ thiếu hụt các chuyên gia trong lĩnh vực tình báo cũng như các kỹ sư trong thông tin liên lạc. Hiện nay, phần lớn lực lượng hậu bị thường được gọi nhập ngũ để bổ sung cho các đơn vị ở Iraq và Afghanistan với quân số thường trực là 1.200 người. Tất nhiên, thời hạn phục vụ tại đây không phải là 4 năm mà chỉ là 1 năm.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược London, vào đầu năm 2007, lực lượng LTĐB Mỹ có 175.000 quân (trong đó có 10.500 nữ) và 90.000 quân dự bị. Vũ khí được trang bị gồm: 400 xe tăng, 1.300 xe thiết giáp lội nước, 250 xe vận tải, 1.000 vũ khí dã chiến hạng nặng. Về không quân, LTĐB có 500 máy bay tiêm kích và vận tải, 750 trực thăng. Ngoài ra còn có 80 máy bay và 100 trực thăng dự phòng. Tựu trung, LTĐB Mỹ là đạo quân hỗn hợp có nhiều chức năng, được trang bị các loại vũ khí tối tân nhất. Quân số của LTĐB Mỹ ngang bằng cả lực lượng quốc phòng của Anh hoặc của Ý và sức mạnh chiến đấu không hề thua kém quân đội những nước này.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.