Khoảng 6 giờ sáng, Thụy Anh và Thành Long - hai kỹ thuật viên nam của Tổ kỹ thuật nuôi sinh vật biển chia nhau kiểm tra hệ thống điện, nước, dây sục khí, bơm nước và bể lọc ở các hồ. Khu nuôi sinh vật biển có đến hơn 50 hồ lớn, nhỏ. Nước trong tất cả các hồ lớn đều được bơm lên từ biển. Vì vậy, sáng nào họ cũng phải kiểm tra chế độ thủy triều. Sau khi đi dọc dãy hồ (hơn 30 cái) nằm phía trái cổng chính, dọc bờ biển, họ lần lượt làm vệ sinh dãy hồ lớn nằm cạnh nhà trưng bày mẫu vật biển. Thành Long dùng máy vệ sinh (xi phông) mà mọi người trong tổ thường gọi là "máy hút bụi tự chế", tỉ mẩn đưa xuống đáy hồ để hút rác thải, thức ăn thừa, cặn bã.
Nhiệm vụ của các kỹ thuật viên là tạo cho sinh vật biển một điều kiện sống gần gũi với môi trường tự nhiên của chúng trước đó. Hằng ngày, Ngân và Thủy - nữ kỹ thuật viên của tổ kỹ thuật, đi một vòng kiểm tra tình trạng môi trường tại các hồ để ghi nhật ký. Quan trọng nhất là kiểm tra lượng cá chết và đưa về Phòng thuần dưỡng để tìm hiểu nguyên nhân. Những dòng thông báo ngắn gọn nhưng cũng đủ làm mọi người đau đầu: "Ngày 1.10, chết 3 cá ngựa, 1 cá ngát; ngày 2.10, chết 1 tôm hùm; ngày 3.10, chết 1 cá chim cờ...". Những con cá ngựa chết bị nghi ngờ có bệnh sẽ được giải phẫu tìm nguyên nhân, nhưng cũng có trường hợp những chú cá ngựa còn khá đẹp thì được đem ngâm để trưng bày.
Ngoài ra, Thành Long và Thụy Anh còn phải đi chợ mua thức ăn tươi: tôm, cá vụn, ruốc, sò, vẹm cho các loài cá, cua, tôm lớn. Long nói thêm: "Thức ăn còn phải được sơ chế kỹ thành kích cỡ vừa với từng loài sinh vật. Khi cho ăn, phải để ý xem con nào ăn ít, con nào ăn nhiều. Con ăn ít thì phải tìm nguyên nhân xem nó có bệnh gì không".
Du khách tham quan Khu nuôi sinh vật biển của Bảo tàng Hải dương học |
“Phấp phổng, hồi hộp lắm!”
Khoảng 9 giờ sáng, Ngân và Thủy thay phiên nhau đo các yếu tố môi trường của các hồ. Công việc nghe có vẻ phức tạp, nhưng dụng cụ lại rất đơn giản: chỉ có chiếc máy đo oxy và độ pH nhỏ bằng lòng bàn tay. Ngân - kỹ thuật viên, đã gắn bó với công việc chăm sóc sinh vật biển gần 10 năm nay, cho biết: "Công việc của tụi mình hầu như không có gì thay đổi, trừ trường hợp có sự cố bất ngờ. Thường là không có ngày nghỉ, thậm chí lễ, Tết cũng phải kiểm tra các hồ đúng giờ. Vì chỉ một ngày không thay nước hoặc mất điện là sinh vật chết hết". Đã nhiều lần, anh Chu Anh Khánh - Trưởng phòng kỹ thuật và truyền thông bị đánh thức lúc nửa đêm vì cả khu nuôi sinh vật bị mất điện, tất cả hệ thống bơm, thông khí ngừng hoạt động. Phải chạy máy nổ, thắp đèn xuống từng hồ, khởi động lại các hệ thống. Ngân nói tóm gọn: "Nghề này cũng phấp phỏng, hồi hộp lắm!". Chị chỉ vào hồ nuôi cá mập: "Trông mấy con này to xác nhưng lại rất nhạy cảm, chăm sóc nó là mệt nhất, chỉ lo nó lười ăn và lăn ra ốm". Mới đây, một con cá mập chết khiến cả nhóm kỹ thuật lo "sốt vó". Hóa ra nguyên nhân là con cá mú ăn phải cá nóc độc, rồi cá mập lại ăn phải cá mú.
Buổi chiều, các kỹ thuật viên tiếp tục chăm sóc các hồ cá nhỏ. Có 23 hồ kính với đủ loài cá lạ và độc đáo như: cá mặt quỷ, cá ngựa, cá nàng đào, cá kẽm bông, cá thia đá, cá bò hòm sừng... Mỗi loài một thuộc tính. Họ phải theo dõi thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn phù hợp và cung cấp thông tin cho các hướng dẫn viên. Cứ vài ngày một lần, mọi người lại chia nhau giặt bông lọc, kiểm tra đá, san hô ở bể lọc để đảm bảo quá trình lọc nước của các hồ.
Một công việc không kém phần phức tạp là chăm sóc cho cá đẻ. Tại Phòng thuần dưỡng có bể cá hề gần trăm con. Cá hề có thể ăn trứng của nó bất kỳ lúc nào, vì vậy các kỹ thuật viên phải đợi chúng làm ổ đẻ rồi tách riêng để trứng nở. Ngoài thúc đẩy sinh sản, nguồn sinh vật biển còn được tăng cường nhờ những ngư dân sau mỗi đợt câu. "Hễ có con cá lạ, giống tôm lạ là họ lại đem đến cho chúng tôi để khu trưng bày ngày càng phong phú, đón nhiều khách tham quan hơn..." - Ngân hào hứng kể.
Lưu Trang
Bình luận (0)