Người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (China National Space Administration - CNSA), ông Sun Laiyan hào hứng cho biết: Chúng tôi rất phấn khích. Vệ tinh thật hoàn hảo với những bước di chuyển chính xác tuyệt đối… Đây là bước đầu tiên khám phá sâu vào vũ trụ của chúng tôi.
Theo Tân Hoa xã thì ngày 5.11, Chang’e 1 được các nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát Vũ trụ Bắc Kinh (Beijing Aerospace Control Center - BACC) điều khiển hãm tốc xuống còn 1,948km/giây để sau đó bay vào vùng trọng lực của Mặt trăng với quỹ đạo 12 giờ có hình elip (điểm cách Mặt trăng gần nhất là 210km và xa nhất là 8.600km).
Người phát ngôn của CNSA, Pei Zhaoyu cho biết thêm: sẽ còn hai đợt hãm tốc nữa được thực hiện, đầu tiên là ngày 6.11, vệ tinh Chang’e 1 sẽ giảm tốc độ xuống 1,8km/giây để vào quỹ đạo 3,5 giờ (điểm cách Mặt trăng gần nhất là 200km và xa nhất là 1.700km); sau đó đợt hãm tốc thứ hai được thực hiện ngày 7.11, Chang’e 1 sẽ ở quỹ đạo 127 phút với tốc độ 1,59km/giây. Dự kiến từ thứ tư 7.11, vệ tinh Chang’e 1 sẽ bắt đầu công việc thám hiểm của mình trên quỹ đạo cách Mặt trăng 200km.
Được biết vệ tinh thăm dò Chang’e 1 sẽ bay quanh Mặt trăng trong khoảng 1 năm để thực hiện các nhiệm vụ chính là lần đầu tiên ghi lại hình ảnh 3D bề mặt Mặt trăng, xác định độ dày, thổ nhưỡng và sự phân bố 14 nguyên tố của Mặt trăng, nghiên cứu môi trường không gian giữa Mặt trăng và Trái đất.
Trước đó ngày 24.10, vệ tinh thăm dò Mặt trăng Chang’e 1 được Trung Quốc phóng lên từ sân bay vũ trụ Xichang (Tây Xương), tây nam tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên) bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3A. Đầu tháng 10, tàu thăm dò Kaguya của Nhật Bản cũng đã bay vào quỹ đạo của Mặt trăng.
|
D.B (theo Reuters, Tân Hoa xã)
Bình luận (0)