Địa ngục trần gian
Chúng tôi về trang trại của gia đình bà Hà Thị Bình (thường gọi bà Bình "bò", thường trú tại ngõ 55 phố Chính Kinh, Hà Nội) ở Hà Tây, cách Hà Nội chừng 25 km, nơi bà đang giấu Nguyễn Thị Bình, cô gái bị hành hạ suốt 13 năm.
Nguyễn Thị Bình bước ra với dáng xiêu xiêu, thân hình lệch về bên trái, chân lê từng bước trên nền nhà. Bình không nhớ ngày sinh, chỉ biết em sinh năm
1986. Theo những thông tin chắp nối mà Bình và một số người hàng xóm gần quán phở cung cấp, Bình được sinh ra tại nhà bác gái ở Phú Thọ. Họ nội không thừa nhận, em chỉ biết bố tên là Hữu, mẹ tên là Nguyễn Thị Quảng (Bình lấy họ mẹ). Khi Bình được 8 tuổi, em theo mẹ xuống Hà Nội và suốt từ đó đến nay, sống tại nhà vợ chồng Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương.
Chị Nguyễn Thị Tuân, sống gần nhà Đức - Phương kể lại: "Có một lần đi ngang quán phở nhà Đức - Phương, tôi thấy anh chồng sai cháu Bình đi nhặt hành, còn chị Phương gọi cháu mang bát ra. Cháu Bình chưa kịp đứng lên liền bị chị Phương cầm cả con dao bầu chạy lại, lật sống dao đập vào đầu cháu. Tôi bảo, nó bé thế kia, làm gì mà đánh nó ghê thế, chị Phương quay ra mắng tôi".
Sẹo! Chỗ nào cũng có sẹo |
Bình kể, hầu như ngày nào cũng bị đánh. Có cả trăm lý do khiến em bị đánh: làm vỡ bát, đánh; quên khép cửa, đánh; chậm dọn bàn, đánh; thu tiền thiếu của khách, càng bị đánh nhiều. Nhiều lần Bình bị đánh oan, vì ông chủ chỉ đánh xong mới chỉ ra lý do. Sau khi chịu xong trận đòn, Bình nói em bị oan, thì lúc đó cũng đã ăn đòn tóe máu, còn ông chủ thì thản nhiên đi nằm. Bình chỉ vào vết sẹo lớn ở ống chân: "Một lần cháu trót làm lăn cái thớt vào chân cô Phương, cháu xin lỗi cô, cô cầm con dao nhọn, đâm thẳng vào chân cháu và cô bảo: mày làm tao đau thì tao cũng phải cho mày đau hơn. Chiều hôm ấy cô còn về bắt cháu nằm sấp xuống đánh tiếp bằng dây điện".
Bà Hà Thị Bình: "Từ khi đưa cháu Bình đi trốn, tôi nhận nhiều lời đe dọa từ vợ chồng Đức - Phương" |
Theo lời Bình, dụng cụ hành hạ được vợ chồng Đức - Phương thiết kế bằng nhiều vật dụng: phổ biến nhất là chiếc roi làm bằng 4 sợi dây điện bện lại, buộc một cục to ở đầu dây. Khi đánh, có lần cả hai vợ chồng bắt Bình cởi hết quần áo, nằm lên giường và thay nhau vụt lên cả ngực, cả chỗ kín. "Có khi cháu còn bị cô cháu hất cả gáo nước sôi vào người, lần nào may thì tránh được, không thì bị bỏng cũng phải chịu. Có lúc cháu đang ngủ cũng bị ông bà chủ xuống đánh vì quên chưa làm hoặc làm sai việc gì đó. Lần nào tức nhiều thì cô chú đánh nhiều, lần nào tức ít thì cô chú đánh cháu ít. Khi đánh, cháu không được khóc, không được kêu. Cô cháu dặn có ai hỏi phải nói là bị ngã, bị cửa đập vào, cấm được nói là do bị đánh", Bình nghẹn ngào.
Trong các loại cực hình, Bình kể: "Cháu sợ nhất 2 loại hình phạt, một là hình phạt bằng cách bắt cởi quần áo nằm lên giường để bị vụt dây điện. Cách thứ hai là cô chú bắt quỳ xuống đất, rồi dùng chân đạp vào miệng".
Suốt cuộc trò chuyện, Bình một điều cô cháu, hai điều chú cháu, không một lần xưng hô vô lễ hay dùng lời lẽ thù hằn với ông bà chủ, người mà theo lời kể của em, đã có những hành động phi nhân tính đày đọa em suốt 13 năm trời.
Bằng chứng trên thân thể
Lưng áo Bình được vén lên, những người ngồi trong gian nhà nhỏ không khỏi rơi nước mắt vì cả tấm lưng con gái 20 của Bình ken đầy vết bầm tím. Giữa lưng là các vết hằn đan chéo của ngón đòn dây điện; hai bên mạng sườn là vết thâm tím, có chỗ thành sẹo trắng, là dấu ấn của những cú kẹp bằng kìm. Hai cánh tay Bình cũng chi chít vết bầm tím. Xương hông bên trái bị sưng lên, khiến Bình phải khom khom người để đi lại. Bình chỉ vào đầu ngón tay, ngón chân: "Có lần chú cháu cầm kìm kẹp đau quá, cháu giơ tay ra đỡ, chú cháu kẹp ngón tay cháu bật máu, giờ vẫn còn sẹo. Còn ngón chân này là khi cháu bị đánh bằng cách cô chú cháu cầm sào chọc quần áo, bắt cháu đứng lên rồi nện thẳng đầu sào vào ngón cái".
Chị Oanh đã cùng bà Hà Thị Bình giúp em Bình chạy trốn |
Bình kể tiếp: "Ăn thì cháu được ăn no, nhưng thức ăn chỉ được 2 miếng thịt, và thường phải ăn thừa sau khi cô chú đã ăn xong. Một ngày cháu dậy từ 4 giờ rưỡi để đi xách nước. Cô không cho cháu gánh vì nghĩ mất thời gian, cháu phải xách bằng hai tay hai thùng 20 lít từ nhà ra tới cửa hàng khoảng vài trăm bước chân, thời gian cô cháu chỉ cho 5 phút, nếu quá, cháu sẽ bị đánh. Kết thúc một ngày làm của cháu là sau khi chờ cho con cô chú ngủ. Khoảng 10 giờ 30 tối cháu mới được đi ngủ. Cháu rất muốn xem phim nhưng cô chú không cho xem, nếu cháu ngoái lên xem cũng bị đánh".
Khi chỉ còn 2 phóng viên nữ, Bình thút thít: "Hồi "đến kỳ" đầu tiên, cháu cũng hỏi cô, nhưng cô không nói. Cháu dùng vải xô, loại vải để đậy thúng bánh phở đã bỏ đi để lau. Sau đó, biết được hoàn cảnh của cháu, chị thu tiền vệ sinh cho băng vệ sinh, cô phát hiện, lôi cháu ra đánh. Sau đó cháu chỉ dám xin giấy vệ sinh để thấm...". Bà Hà Thị Bình xác nhận: "Khi tôi đưa đi khám, chỗ kín trên người cháu bị viêm nhiễm, phù nề, đi tiểu ra máu. Sau khi chữa trị, cháu giờ mới được thế này đấy".
Chủ quán Chu Minh Đức (trái) tại cơ quan điều tra |
Cuộc giải cứu và ước mơ của cô gái nghèo
Bà Bình giọng sang sảng, ngôn ngữ chất phác của người nổi danh về nghề bán thịt bò, thịt lợn ở các khu chợ trong khu vực Thanh Xuân, Đống Đa. Bà kể về cuộc giải cứu cho Nguyễn Thị Bình: "Chuyện cháu Bình bị đánh chúng tôi đã biết từ lâu, nhưng ít người muốn dây với vợ chồng nhà Đức - Phương. Vì chỉ cần nói về chuyện cháu Bình, chị Phương đã to mồm chửi bới, sau đó còn đánh cháu Bình tệ hơn như thể "dằn mặt" mọi người. Nhưng sau khi thấy cháu bị đánh tàn nhẫn quá, tôi bàn với chị Oanh (người cung cấp thịt bò cho quán phở nhà Đức - Phương) tìm cách giúp cháu chạy trốn. Tối 19.10, chúng tôi hỏi cháu có trốn không, cháu Bình bảo cháu đồng ý. Như đã hẹn, 8 giờ 30 sáng 20.10, cháu Bình đi mua thịt bò về rồi quay ra đường Nguyễn Trãi, chúng tôi đã bố trí xe ôm ở đó, cháu lên xe, đi xuống bến xe Sơn La, rồi đưa cháu gửi vào nhà người quen. Mới đây, tôi đưa cháu về sống tại trang trại của gia đình ở Hà Tây".
Cô gái đã quá đau khổ, không khóc thành tiếng: "Cháu mong được có gia đình, có bố có mẹ, được đi học. Giờ đây cháu chỉ mong mình được sống yên bình như ở nơi này, hằng ngày không bị đánh". Từ bé đến giờ, Bình chưa một lần đi khỏi nhà quá 5 phút. Ngày Tết, Bình cũng phải lo chuyện cơm nước, cô chưa từng được trả công, chưa bao giờ được mua một bộ quần áo mới, chưa từng biết đến đồng tiền, chưa từng được về quê, tờ giấy khai sinh cũng đã thất lạc. Bình không biết chữ, cô chỉ có thể đọc được vài chữ cái như A, C, E, do hồi nhỏ học lỏm của đứa bé con chủ nhà.
Gạt những giọt nước mắt nóng hổi, Bình khom người, tập tễnh bước ra (vì bên hông vẫn bị sưng đau), nhìn theo xe chúng tôi ra về. Chúng tôi đã không dám nhắc nhiều đến mẹ em, vì Bình bảo: "Cháu xin các cô các chú đừng nhắc đến mẹ cháu. Có lần mẹ cháu quay lại, cháu tưởng mẹ cháu đón cháu. Mẹ cháu bảo Tết sẽ về đón cháu, nhưng suốt gần 10 năm qua, cháu chưa hề gặp mẹ".
Cần nghiêm trị kẻ hành hạ em Bình "Nếu theo đúng những gì báo chí đăng tải, vợ chồng chủ quán phở đã vi phạm vào khoản 2, điều 110 Bộ luật Hình sự, tội “hành hạ người khác”. Tội này sẽ bị xử phạt từ 1 năm đến 3 năm tù; Bên cạnh đó, CQĐT cũng có thể khởi tố bị can về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 2 điều 104 BLHS, có khung hình phạt từ 2-7 năm tù. Thậm chí, mức độ thương tật của em Bình chưa đến 11% cũng có thể khởi tố bị can vì người gây ra hành vi đã dùng hung khí như dao, gậy; đối tượng bị gây thương tích là trẻ em (từ khi em Bình mới hơn 10 tuổi)" - Luật sư Phạm Hồng Hải, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội "Tôi rất phẫn nộ khi biết việc này. Chúng tôi đã làm công văn và sẽ gửi cho Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em TP Hà Nội và quận Thanh Xuân để yêu cầu làm đến nơi đến chốn. Những vết thương trên người có thể lành nhưng quan trọng là em đã bị tổn thương về tinh thần, không biết đến khi nào mới lành. Ai đong đếm được tổn thương này và ai sẽ trả giá cho nó? Nếu đúng sự việc như báo chí nêu, cần nghiêm trị kẻ hành hạ em Bình. Một điều tôi muốn lưu ý là cần phải xem xét lại mạng lưới hỗ trợ cho trẻ em ở cơ sở. Vì hiện nay, ngoài trẻ em đường phố đánh giày, bán báo còn rất nhiều trẻ em không lang thang bên ngoài nhưng bị ép buộc lao động quá sức, bị hành hạ trong các gia đình từ khi còn quá nhỏ. Như em Bình trong trường hợp này đã bị đánh đập, bị tra tấn, tôi dùng từ bị tra tấn. Chúng ta vẫn chưa có những quan tâm thích đáng đến đối tượng trẻ em như thế" - Ông Nguyễn Trọng An, Phó vụ trưởng Vụ Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
Káp Long - Hồng Minh
Bình luận (0)