Lớn lên, anh mang tai tiếng vì quậy phá xóm làng, sống bất cần đời, rất dễ chạy theo con đường giang hồ với các tay anh chị vùng Chợ Lớn - Phú Lâm. Nhưng động lực nào đã giúp anh dừng lại, chuyển hướng vươn lên thoát khỏi vòng ảnh hưởng của "xã hội đen" để trở thành một thanh niên tiên tiến của TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Ủy viên Thường vụ Quận Đoàn và là Phó giám đốc Nhà thiếu nhi quận 6 hiện nay?
Mọi việc bắt đầu từ một buổi chiều, khi Phước bước qua cổng chùa Hưng Minh ở đường Lý Chiêu Hoàng. Nơi đây đang có đông đúc bà con nghèo, già ốm, bệnh tật đến xin bắt mạch và cấp thuốc miễn phí. Nhìn họ, anh nghĩ đâu chỉ riêng mình khổ, mình phải làm gì đây để có ích cho những người đồng cảnh ngộ. Suy nghĩ ấy cộng với lời khuyên của chị Hai trong chùa, của người thầy đầu tiên dạy Việt võ đạo cho anh hồi ấy là võ sư Trương Quang An và Quận Đoàn 6 động viên, anh đã rời bỏ lối sống cũ và tham gia những việc làm công ích ở phường, rồi chuyên trách hoạt động thiếu nhi từ năm 1984. Ở vị trí đó, anh đặc biệt chú ý đến các trẻ em lang thang, thiếu mái ấm gia đình và phải vào đời sớm để tự kiếm miếng ăn. Vì thế 5 năm sau (1989), khi đã gắn bó chặt chẽ với công tác Đoàn-Hội, anh đề xuất lập võ đường Vovinam và đoàn múa lân sư rồng mang tên Phù Đổng, quy tụ thanh thiếu niên chưa ngoan, hư hỏng vào sinh hoạt để lấy tình thương cảm hóa và giáo dục họ. Đề xuất đó được chính quyền và Quận Đoàn 6 hoan nghênh, song không tránh khỏi những lời dè bỉu, nghi kỵ, thậm chí xỉa xói rằng: "Tập võ cho mấy đứa bụi đời kia để chúng thành tướng cướp à?".
Đoàn Vovinam Phù Đổng tập hợp 30 thanh thiếu niên đường phố gồm những em đang bán báo, bán vé số, trà đá, lượm nylon, nhặt rau ở các chợ Cầu Muối, chợ Bình Tây, chợ rau Mai Xuân Thưởng và bến xe Chợ Lớn. Trong đó cũng có cả những "tay anh chị" khét tiếng đang hoạt động ở khu Mã Lạng, Cầu Đò, Lò Gốm, Xóm Miễu, Xóm Giếng, Xóm Chùa, Xóm Chổi. Phần lớn chỉ nghe tên là có "ấn tượng" rồi, như: Cu lửa, Hoàng phế, Hải dâm, Hải ba vá, Lộc méo hoặc Lễ sóc (nhanh như sóc)... Nhưng khi đến với võ đường Vovinam và đoàn lân Phù Đổng, các em đều dần dần thay đổi, bỏ thói quen cũ như sẵn sàng "nổ", chửi thề, hút xách, lập băng nhóm. Thay vào đó các em được luyện võ, tập múa lân, múa sư tử, múa rồng, đi du khảo và cắm trại dã ngoại.
Tập múa lân-sư-rồng... (Ảnh: Diệp Đức Minh) |
Qua những cuộc họp mặt, với tư cách huấn luyện viên trưởng, đồng thời là "người anh cả" của đoàn Phù Đổng, Phước đã khuyên nhủ cả nhóm làm lành lánh dữ, tham gia công tác từ thiện xã hội như hiến máu nhân đạo, bảo vệ môi trường, múa lân góp vui trong các hẻm phố nghèo đìu hiu vào dịp Tết và lạc quyên cứu trợ những gia đình khó khăn với tinh thần "lá rách đùm lá rách". Từ đó đến nay, qua 18 năm hoạt động, võ đường Vovinam và đoàn Phù Đổng do Phước sáng lập đã huấn luyện 12.000 lượt thanh thiếu niên, duy trì thường xuyên 150 - 200 võ sinh và môn sinh Vovinam, biểu diễn múa lân sư rồng hàng nghìn lượt cho đồng bào xem. Anh được kết nạp Đảng năm 30 tuổi (1995), nối lại việc học hành và đã tốt nghiệp trung học phổ thông, theo học đại học hệ tại chức ngành quản trị kinh doanh. Hơn 10 năm qua, anh vẫn tiếp tục mở rộng cửa đón nhiều lớp thanh thiếu niên thuộc diện "cá biệt" lần lượt đến với Vovinam - Phù Đổng. Nay gặp anh ở tuổi 42, hỏi chuyện và nghe anh nói rưng rưng:
- Điều vui nhất của tôi là các lứa trẻ em mang tiếng "bụi" ngày nào nay đã trở thành những người cha, người mẹ tốt, tất cả đều là những công dân lương thiện, bạn làm công nhân, người đang ở trong quân đội, họ mang đến cho con cháu măng non của họ những tổ ấm gia đình mà họ không có được trong quá khứ nhiều bất hạnh của mình.
Những tấm lòng vàng giúp đỡ hoặc đăng ký biểu diễn có thể liên hệ với võ đường Vovinam - đoàn Phù Đổng, số 212 Nguyễn Văn Luông, Q.6, TP.HCM, hoặc ĐT: 0903.669.031. |
Anh cho biết, hiện đoàn Phù Đổng là đoàn lân duy nhất ở Chợ Lớn ứng dụng võ thuật Việt Nam vào những pha nhào lộn leo sào, sáng tạo uyển chuyển những đòn tấn công bằng chân tuyệt chiêu của phái Vovinam vào nhiều động tác múa lân sư rồng khá hấp dẫn và thành thục như: Rồng lân tranh hùng, Lân chồng tháp, hoặc màn biểu diễn Sư tử đấu với người đoạt giải nhất trong Liên hoan lân sư rồng quận 6 và giải nhì Liên hoan lân sư rồng toàn thành năm 2003. Đây cũng là đoàn lân nghèo nhất trong khoảng 40 đoàn lân của TP.HCM (tập trung đông nhất ở các quận 5 - 6 và 11, vùng Chợ Lớn). Cũng dễ hiểu, vì các đoàn lân khác do người Hoa thành lập được các bang hội, các đại gia Chợ Lớn tài trợ, đỡ đầu, còn đoàn lân Phù Đổng thì không. Năm hết Tết đến, Đoàn lân Phù Đổng đang cần đến sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan đơn vị, các công ty, các doanh nhân, các nhà hảo tâm để duy trì hoạt động của một đoàn lân mà phần lớn thành viên gồm những thanh thiếu niên phải "vào đời sớm" để tự nuôi thân và giúp đỡ gia đình.
Giao Hưởng
Bình luận (0)