Cho dù Ban tổ chức vẫn nhấn mạnh rằng tiêu chí của cuộc thi nhằm ca ngợi và tôn vinh những điển hình tiên tiến, thì phát biểu của các nhà văn trên diễn đàn buổi họp báo ở TP.HCM lại hoàn toàn trái ngược. Họ đưa ra những vấn đề không mới nhưng chưa cũ, và rất nhiều thực tế đã được viện dẫn, bởi bút ký - phóng sự là thể loại mà trong đó sự thực cuộc sống phải được trung thực phơi bày, và cách nhìn, quan niệm, hiểu biết... của người viết phải được bộc lộ cụ thể.
Nhà thơ Nguyễn Duy, người đã đi nhiều nước chứ không chỉ Việt Nam, để viết nhiều bút ký chứ không chỉ làm thơ, đã có cuộc trao đổi ngắn, vừa với tư cách Trưởng văn phòng phía Nam của Báo Văn Nghệ, vừa với tư cách một người sáng tác:
Thể lệ cuộc thi: - Giải thưởng: 1 giải nhất: 20 triệu đồng; 3 giải nhì: 15 triệu đồng; 3 giải ba: 5 triệu đồng. |
- Mỗi cuộc thi đều có một định hướng riêng. Giữa những năm 80 là định hướng của giai đoạn đổi mới. Những gì tiêu cực và phản lại quy luật vẫn tồn tại từ thời bao cấp phải bị phanh phui để vượt qua. Thực ra, nếu xã hội không có những cái tốt thì không thể phát triển được. Tôi nghĩ mục tiêu chính của cuộc thi không nhằm phanh phui tiêu cực nhưng cũng không thể loại trừ những bài viết chống tham nhũng tiêu cực. Trong xã hội vẫn đang có những cuộc chiến đấu quyết liệt dù rất âm thầm để chống lại các loại tiêu cực. Như vụ em Nguyễn Thị Bình vừa qua chẳng hạn. Chống lại cái xấu cái ác cái tiêu cực cũng có nghĩa là đang bảo vệ cái đẹp cái thiện cái tích cực.
* Viết để ca ngợi, liệu có vô tình dẫn đến việc viết thuê?
- Phải chống cho được việc viết thuê. Trong mỗi người viết phải có cả tâm huyết, sự quyết liệt, và cảm xúc trong sáng. Người viết phải nhận ra những gì trái quy luật trong bối cảnh, trong cách hành xử, trong những mánh lới bất ổn khi tiếp cận đối tượng của mình... để không bị sa bẫy. Bởi vì, cuộc thi có thể có nguy cơ thành công (về số lượng) mà không tạo được hiệu ứng xã hội như mong đợi, nếu không có được tác phẩm giá trị.
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)