Đột biến giá
Tháng 9.2006, HAGL tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, giá CP HAGL (mệnh giá 10.000 đồng/CP) trên thị trường OTC lúc đó là 27.500 đ/CP. Sau đó nhanh chóng tăng lên đến 119.000 đồng/CP vào đầu tháng 2.2007. Tháng 3.2007, thị trường chứng khoán (TTCK) bắt đầu đợt điều chỉnh sâu nhất từ trước tới nay. Giá CP trên sàn lẫn thị trường OTC sụt giảm mạnh, có loại giảm hơn 50%. Thế nhưng giá CP HAGL chỉ giảm khoảng 30%, mức "đáy" là 82.000 đồng/CP. Tháng 10.2007, thị trường vừa bắt đầu phục hồi, CP HAGL nhanh chóng tăng giá trở lại, vượt qua "đỉnh" giá cũ, lên đến 140.000 đồng/CP.
Ngày 8.11, khi HAGL tổ chức hội nghị giới thiệu các dự án đầu tư và công bố sẽ niêm yết trên TTCK vào cuối tháng 2.2008, giá CP HAGL đã vọt lên 160.000 đồng/CP. Tại hội nghị này, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL cho biết công ty vừa tăng vốn điều lệ thêm 100 tỉ đồng (10 triệu CP) bằng cách phát hành cho 5 đối tác chiến lược gồm KITMC (Hàn Quốc): 2 triệu CP; Asiavantage Global Ltd (Nhật): 3 triệu CP; Dragon Capital: 2 triệu CP; SSI: 2 triệu CP và Jaccar (Pháp): 1 triệu CP. Giá bán CP là 150.000 đồng/CP. Hội trường với khoảng 500 NĐT, chủ yếu là đại diện các pháp nhân đã ồ lên sau khi nghe thông tin này bởi giá CP HAGL trên thị trường lúc đó chỉ ở mức 145.000 đồng/CP, đồng thời cũng do ông Đức tuyên bố trong tương lai sẽ không phát hành thêm CP cho bất kỳ đối tác nào nữa để bảo đảm cơ cấu sở hữu vốn không bị thay đổi.
Tính toán của một nhà đầu tư
Anh Trịnh Việt Cường - Giám đốc Asiavantage Global Ltd nhận xét: "Chúng tôi đã tính toán rất kỹ trước khi đầu tư vào HAGL". Asiavantage Global Ltd là công ty chuyên đầu tư vào Việt Nam có quy mô vốn 100 triệu USD. Từ tháng 11.2006 đến nay, Asiavantage Global Ltd đã đầu tư vào 35 công ty, trong đó khoản đầu tư trị giá 450 tỉ đồng vào HAGL là lớn nhất. "Chúng tôi chấp nhận bỏ qua nguyên tắc về phân tán rủi ro khi đầu tư vào HAGL vì các yếu tố: Mục tiêu trở thành công ty bất động sản (BĐS) hàng đầu khả thi khi HAGL đang có trong tay 22 dự án BĐS đã, đang và sắp triển khai. Bên cạnh đó, từ năm 2012 trở đi, 20.000 ha cao su của HAGL bắt đầu cho lợi nhuận cao. Hai là HAGL có một cơ cấu cổ đông rất tốt chủ yếu là các pháp nhân, chỉ có khoảng 15% CP do các cổ đông cá nhân sở hữu. Ba là công ty khi chuyển sang công ty cổ phần đã không định giá lại tài sản như cách mà phần lớn các công ty khác làm. Tất cả cổ đông khi đầu tư vào HAGL được hưởng tất cả thành quả của công ty từ trước tới nay. Điều này rất có ý nghĩa khi biết rằng tổng tài sản theo giá trị sổ sách của HAGL hiện nay chỉ là 2.157 tỉ đồng trong khi nếu định giá lại tài sản, đặc biệt là chênh lệch giá đất mà HAGL đã mua từ năm 2003 so với hiện nay thì tổng tài sản phải là 10.600 tỉ đồng" - anh Cường nói. Cũng theo anh Cường, với kế hoạch lợi nhuận đã công bố rất chi tiết của HAGL (lợi nhuận trước thuế/vốn điều lệ năm 2007 là 600 tỉ đồng/770 tỉ đồng; năm 2008: 900/1.478; năm 2009: 1.500/1.600; năm 2010: 1.800/1.700...), chỉ số P/E của HAGL sẽ chỉ còn 15 vào năm 2009.
Ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng có nhận xét: "HAGL có lợi thế về quỹ đất lớn đã mua với giá thấp từ lúc thị trường BĐS "đóng băng". Quỹ đất này khi công ty chuyển thành công ty cổ phần đã không định giá lại, nếu định giá 22 dự án mà HAGL đang có, chênh lệch giá đất có thể lên tới 6.000 tỉ đồng. Đây là lợi thế mà các công ty khác không dễ gì có được".
Cơ sở nào để đặt ra mục tiêu lợi nhuận?
Trả lời câu hỏi này, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định: "Bởi vì đó chủ yếu là những khoản lợi nhuận chúng tôi thu từ những dự án BĐS đã và đang đầu tư, đã bán hết và chỉ chờ thời điểm quyết toán. Chẳng hạn năm 2008 là các dự án khu căn hộ cao cấp Trần Xuân Soạn (TP.HCM), Hoàng Văn Thụ (Pleiku), đô thị mới Nam Cần Thơ, Đầm sinh thái Quy Nhơn... Năm 2009 là dự án New Saigon ở Q.7, toàn bộ 1.100 căn hộ của dự án này đã được bán hết, lợi nhuận thu được lên đến 1.100 tỉ, chỉ cần chờ đến năm 2009 hoàn thành, giao nhà cho khách hàng và quyết toán. Năm 2010 sẽ là dự án Phú Hoàng Anh với 4.000 căn hộ (đã khởi công), lợi nhuận khoảng 1.200 tỉ đồng và lợi nhuận 300 tỉ đồng từ các dự án thủy điện... Đặc biệt hiện HAGL đang đầu tư trồng 20.000 ha cao su tại Gia Lai và Lào, từ năm 2012 bắt đầu cho lợi nhuận khoảng 1.000 tỉ đồng/năm". "Chúng tôi có 22 dự án đã đầu tư với giá đất rẻ từ năm 2003, tất cả đều đã có quy hoạch 1/500, đủ để xây dựng 17.000 căn hộ với 2 triệu m2 sàn. Chúng tôi có các công ty sản xuất gỗ, đá granite và công ty xây dựng, đảm bảo để giá thành xây dựng của chúng tôi thấp hơn các công ty khác ít nhất 30% nên tôi tự tin với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về BĐS", ông Đức nói.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng việc HAGL niêm yết vào cuối tháng 2.2008 sẽ tạo ra một lực hút, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư pháp nhân đã hụt cơ hội trở thành đối tác lớn của HAGL.
N.S - M.P
Bình luận (0)