Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã thông báo với các đại biểu QH và cử tri cả nước về kết quả đợt chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, có một số trường hợp do phẩy khuẩn tả gây ra. 93% người bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả có liên quan đến sử dụng mắm tôm sống. Bộ trưởng cho biết đợt dập dịch đạt được 2 kết quả lớn là không có người tử vong và thời gian dập dịch sớm nhất, chỉ trên 3 tuần. Bộ trưởng khẳng định: Dịch đã được khống chế và thành công bước đầu. Theo quy định, 15 ngày sau nếu xét nghiệm ở những ổ dịch có lây nhiễm mà 3 lần âm tính thì có thể công bố hết dịch.
|
Bộ trưởng cho biết tới đây sẽ sửa đổi chính sách viện phí theo hướng thực hiện Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị về công tác y tế và Chương trình 243 của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng X là xây dựng và thực hiện chính sách viện phí khoa học, trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí trực tiếp phục vụ bệnh nhân. Nhà nước có chính sách trợ giúp đối với những người thuộc diện chính sách xã hội như người nghèo, hưu trí, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số và một số đối tượng có hoàn cảnh thực sự khó khăn. Nhà nước không bao cấp tràn lan mà hỗ trợ tốt và đầy đủ hơn các đối tượng chính sách; đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ y tế.
* Đầu tư y tế tuyến cơ sở - kinh phí thiếu và chậm
Đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cho rằng quá tải tại bệnh viện tuyến TƯ hiện nay là quá lớn, ảnh hưởng tới chất lượng khám chữa bệnh. Một nguyên nhân là do y tế cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu và lạc hậu, trình độ của thầy thuốc còn hạn chế. Nhiều giải pháp để tăng cường cho y tế tuyến cơ sở nhưng chưa được cải thiện nhiều, phải chăng là các giải pháp chưa đồng bộ, đầu tư còn dàn trải, chính sách, chế độ đãi ngộ chưa thoả đáng nên các bác sỹ không muốn về công tác tại địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này ?
Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nhận định: "Các bệnh viện tuyến huyện hiện nay đang thiếu bác sỹ. Các bác sỹ có trình độ lại không làm việc ở bệnh viện công mà sang viện tư, hoặc chuyển công tác về thành phố. Trước đây, bị bệnh thông thường chỉ cần đến bệnh viện huyện khám. Nay phải lên bệnh viện tuyến tỉnh, đi lại khó khăn, Bộ có giải pháp gì giúp dân đỡ vất vả ? Chủ trương nâng cấp bệnh viện tuyến huyện là chủ trương đúng, nhưng phải làm gì để khắc phục tình trạng thiếu bác sỹ ?".
Trả lời những chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do thiếu kinh phí, tiền cho tăng đầu tư tuyến y tế cơ sở quá thấp và chậm. Việc thu hút y bác sỹ về tuyến cơ sở nếu không có chính sách thì sẽ không làm được. Nếu thực hiện đúng NQ 46 của Bộ Chính trị là sẽ giải quyết được vấn đề này, quản lý theo ngành và phải luân chuyển cán bộ giữa tuyến xã, huyện, tỉnh. Bộ luôn ủng hộ việc đầu tư cơ sở vật chất cho việc khám chữa bệnh ở tuyến huyện.
Trả lời đại biểu Dương Thị Thu Hà (Lào Cai), H’Luộc N’tơ (Đắc lắc) đề nghị làm rõ hơn các giải pháp thu hút các bác sỹ giỏi làm việc các địa bàn vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng cao...,Bộ trưởng cho biết Bộ tiếp tục đào tạo và cử tuyển chứ không phải thi tuyển, tăng phụ cấp, luân chuyển cán bộ y bác sỹ.
Đại biểu Nguyễn Thị Nga (Hải Dương) bày tỏ lo ngại vì "hiện nay nhiều cán bộ y tế xã nặng về khám chữa bệnh mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng bệnh, vệ sinh môi trường, giáo dục sức khoẻ cộng đồng, thể hiện rõ qua đợt dập dịch tiêu chảy cấp ở một số địa phương trong việc xử lý ổ dịch vừa qua. Bộ Y tế có giải pháp cụ thể nào tăng cường công tác quản lý, giám sát, chỉ đạo, động viên, khuyến khích để y tế cơ sở thực sự là cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân ? Giải pháp nào để thực hiện mục tiêu năm 2010 có 80% số xã có bác sĩ ? ". Bộ trưởng thừa nhận đúng là có tình trạng cán bộ y tế một số xã chưa quan tâm tới công tác phòng chống bệnh tật; sẽ tiếp thu, kiến nghị với cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương tăng cường giám sát. Việc thực hiện được mục tiêu 80% số xã có bác sĩ hiện rất khó khăn, vất vả, hiện mới có 69%, phải có chính sách thu hút, khuyến khích, động viên, giáo dục, vận động, luân chuyển.
Đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) nêu vấn đề: Quản lý y tế ở tuyến quận, huyện còn lắm đầu mối, hiệu quả điều hành cơ sở còn phụ thuộc, Bộ trưởng đã đi thực tế chưa, quan điểm chỉ đạo và giải pháp thế nào ? Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) cho rằng, tổ chức bộ máy thay đổi liên tục, mô hình sau có khi không hiệu quả bằng mô hình trước, kéo theo nhiều tốn kém, rắc rối. Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào?
Bộ trưởng thừa nhận đúng là hiện nay có nhiều đầu mối trong quản lý y tế, sẽ phải sửa đổi nếu không hiệu quả. Bộ trưởng cho biết các địa phương nơi Bộ đi thực tế đều có ý kiến như chất vấn của các đại biểu QH.
Trả lời chất vấn của đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) đề nghị giải thích về hiện tượng nhiều bác sỹ giỏi bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư và giải pháp khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng cho rằng, việc bác sĩ ra làm ở các bệnh viện tư không mâu thuẫn với chủ trương xã hội hoá y tế, phát triển các dịch vụ y tế tư. Nếu ngăn cản thì cũng không hợp lý. Các bệnh viện công cũng phải có chính sách để giữ được các bác sĩ giỏi, có năng lực; đồng thời tăng cường đào tạo bác sỹ cho cả khu vực nhà nước và cả mục đích xã hội hoá. Bộ trưởng trả lời thêm khi đại biểu Võ Thị Hồng Thoại đặt câu hỏi lần 2: Các bác sỹ bỏ viện công ra viện tư chủ yếu do vấn đề tài chính. Nhà nước ta hiện đang đi sau tư nhân về các phương tiện kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Do đó, nếu các bệnh viện công nâng cấp được cơ sở vật chất kỹ thuật và có chính sách phù hợp sẽ thu hút và giữ chân được bác sĩ giỏi. Bộ trưởng cũng khẳng định với các đại biểu: Sẽ không cổ phần hoá các bệnh viện công.
* Sẽ sửa đổi Thông tư 06 về BHYT tự nguyện
Trả lời chất vấn của các đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long), Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp), Đặng Văn Xướng (Long An) về những bất cập, không hợp lý trong Thông tư 06 về BHYT tự nguyện, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định: Sẽ thảo luận với Bộ Tài chính để sửa đổi.
Đại biểu Trần Văn Kiệt cho rằng với những quy định bất cập như trong Thông tư 06, "hộ gia đình có điều kiện kinh tế cao cũng không thể mua được vì không đảm bảo quy định 10% số hộ trong gia đình mua thẻ bảo hiểm thì phải chờ, hộ gia đình kinh tế có hạn thì không đủ tiền để mua, các thành viên khác muốn mua thì cũng phải chờ cho đủ điều kiện. Đề nghị Bộ trưởng xem xét nội dung Thông tư đã hợp lý chưa, có giải pháp nào cụ thể hơn không để tiến tới BHYT toàn dân ? Đến 2005 BHYT thừa trên 2000 tỷ đồng nhưng đến nay quỹ BHYT bội chi trên 1000 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là cơ chế quản lý còn nhiều kẽ hở, dẫn tới một bộ phận chức năng tuỳ tiện lạm dụng, dẫn tới góp phần nâng bội chi".
Theo Bộ trưởng: Nguyên nhân là do những người tham gia mua BHYT tự nguyện đa số đang trong tình trạng ốm đau, bệnh tật, mang bệnh mãn tính…do vậy dẫn đến việc đóng vào thì ít nhưng chi ra cần nhiều. Điều lệ của Quỹ BHYT tự nguyện là số đông bù số ít, nhưng chúng tôi thấy rằng, về mặt y tế học, xã hội học và xét về số đông người mua BHYT tự nguyện đều là người nghèo và cận nghèo, thì giải pháp này không nên dùng. Muốn chống bội chi phải dùng phương pháp khác". Bộ trưởng tin chắc qui định này sẽ được sửa trong dịp sửa Nghị định 63 về quản lý kinh tế tới đây. Quyết định cuối cùng phải có sự đồng thuận giữa Bộ Y tế và Bộ Tài Chính, riêng quan điểm của Bộ Y tế là không nên tiếp tục giữ 2 điều kiện này bởi đã là BHYT tự nguyện thì cứ có người mua là phải bán. Phải dùng biện pháp khác để bảo toàn vốn, kể cả việc dùng ngân sách chi thêm cho đối tượng cận nghèo để giảm khó khăn cho bà con.
Bộ trưởng đồng tình với kiến nghị của đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng có thể bỏ ngay quy định trong Thông tư 06 để áp dụng các biện pháp khả thi hơn. Đại biểu cho rằng hiện nay, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT từ một phía làm thâm hụt quỹ; tình trạng lạm dụng xét nghiệm ở các bệnh viện còn phổ biến; các cơ sở khám chữa bệnh không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau; chi phí xét nghiệm chiếm tới 40-50% kinh phí mà Quỹ phải chi trả; một số nơi cán bộ y tế khám chữa bệnh nhiều hơn người dân...Theo Bộ trưởng, đối tượng tham gia BHYT tự nguyện chủ yếu là những người lao động, nông dân, người nghèo, Nhà nước phải bảo đảm bằng các nguồn khác nhau.
Trả lời đại biểu Lê Thị Dung (An Giang) về miễn viện phí cho người dân, Bộ trưởng cho rằng việc miễn viện phí toàn dân cần phải có lộ trình, tiến tới BHYT toàn dân, hỗ trợ cho người thụ hưởng dịch vụ chứ không đưa tiền trực tiếp cho người làm dịch vụ; đảm bảo mọi người dân được khám chữa bệnh.
Đại biểu Dao Nhiễu Linh (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: "Căn cứ vào đâu để Bộ trưởng đưa ra nhận định về đối tượng tham gia BHYT tự nguyện ? Thời gian nào Bộ trưởng sẽ hoàn thành lời hứa thảo luận với Bộ Tài chính giải quyết những bất cập trong Thông tư 06 ?" Bộ trưởng khẳng định chỉ trong "1 vài tuần" sẽ triển khai việc này, còn căn cứ vào đâu sẽ cung cấp số liệu cho đại biểu sau. Quan điểm sửa Thông tư 06 của Bộ Y tế là đảm bảo thuận lợi cho người dân.
* An toàn vệ sinh còn nhiều bất cập
Đại biểu Phan Thị Thu Hà (Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng giải thích vì sao rác thải y tế không được xử lý theo đúng quy chuẩn, tuồn ra ngoài tái chế gây ảnh hưởng sức khoẻ của người dân trong thời gian dài mà Bộ không biết ? Trách nhiệm, hướng giải quyết của Bộ thế nào ?".
Bộ trưởng giải thích, hiện 70% rác thải y tế đã được xử tác hại bằng đốt, còn lại chủ yếu là chôn; riêng nước thải xử lý được rất ít do kinh phí thiếu, chi phí rất tốn kém. Mong CP, QH cho dự án giải quyết dứt điểm vấn đề xử lý nước thải, chất thải. Về xử lý việc tuồn rác thải ra ngoài bán, những người vi phạm đã bị kỷ luật.
Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phan Thị Thu Hà tiếp tục chất vấn: "Là ngành chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, mà Bộ Y tế để việc xử lý rác thải y tế trong một thời gian dài như thế, trách nhiệm thuộc về ai ?". Bộ trưởng phân trần: Xử lý rác thải là việc ai cũng muốn, không ai muốn mất vệ sinh an toàn. Bộ thiếu kiên quyết trong việc xử lý vấn đề này, phải chịu trách nhiệm trước tiên, tuy nhiên cũng là do hoạch định chính sách và phân bổ ngân sách cho việc này còn thiếu.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về việc rác thải y tế được tái chế thành sản phẩm tiêu dùng, gây ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khoẻ của người dân như thế nào, Bộ trưởng khẳng định: "trước đây cứ cho vào hấp tẩy ở nhiệt độ 121 độ trong 30 phút là vi trùng chết hết", nhưng Bộ cũng sẽ có thảo luận khoa học để có căn cứ thêm về vấn đề này.
Về câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk), đề nghị bộ trưởng công bố nguyên nhân chính thức của dịch tiêu chảy cấp ? Cơ sở khoa học nào chứng minh mắm tôm là nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy cấp, căn cứ vào đâu để cấm sử dụng mắm tôm ?
Bộ trưởng giải thích: Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân gây tiêu chảy cấp từ mắm tôm nhưng theo căn cứ lâm sàng, 93% là có liên quan mắm tôm. Mắm tôm trước đây cũng được coi là nguyên nhân gây ra một số dịch bệnh về tiêu hoá. Bộ trưởng đề nghị: Trong thời gian dịch, để đảm bảo an toàn, người dân không nên ăn mắm tôm sống, sau khi hết dịch, nếu xem xét mắm tôm không bị ô nhiễm, thì có thể sử dụng lại như bình thường. Bộ trưởng đề nghị: "Bà con sản xuất mắm tôm thông cảm với ngành y tế !"
Theo TTXVN
Bình luận (0)