Năm 1985, tốt nghiệp ĐH Sư phạm TP.HCM, vợ chồng cô giáo Nguyễn Thị Vân Nương nhận công tác tại một trường tiểu học ở Q.11 (TP.HCM). Hằng ngày, chưa đến giờ lên lớp, vợ chồng cô lại thay nhau ra bán dạo bánh mì trước cổng bệnh viện gần ngôi nhà lá cất tạm ở Q.Tân Bình (nay thuộc Q.Tân Phú) để trang trải cuộc sống. Gánh nặng gia đình như oằn thêm trên vai đôi vợ chồng trẻ khi cô con gái thứ hai chưa đầy 18 tháng tuổi bị bệnh bại não. Thế là rảnh tiết dạy lúc nào, cô lao đi làm thêm, không chỉ bán dạo bánh mì mà còn phụ bán cơm... Bao nhiêu tiền kiếm được, cô dồn hết để chữa bệnh cho con, mong ngày được nhìn thấy cháu cử động dù chỉ là một ngón tay.
Đi dạy xa, lại đi làm thêm, sợ ít có thời gian chăm sóc con, cô xin được chuyển về dạy ở trường gần nhà. Ngặt nỗi, lúc đó những trường mà cô muốn về lại không thiếu nhân sự nên Phòng Giáo dục Q.11 động viên cô dạy tại trường Tiểu học chuyên biệt 15/5. "Ngày đầu tiên tiếp xúc với học sinh khiếm thính, không biết các em nói gì và chẳng biết ra dấu sao cho các em hiểu bài giảng, chỉ thấy các em nhướn mắt như cố dõi theo từng cử động trên miệng cô giáo, tôi thấy ngực mình như có vật gì chèn nghẹn lại. Thương con, yêu học trò của mình nên lý trí đã thôi thúc mình không bỏ cuộc", cô Vân Nương nhớ lại. Thế là không chịu lùi bước, cô đi khắp nơi tìm hiểu về phương pháp giáo dục cho người khuyết tật, khiếm thính, học nâng cao trình độ chuyên ngành Ngôn ngữ học trường ĐH Sư phạm... để tìm cách luyện nghe, luyện phát âm cho các em.
Cô tâm niệm: "Với học sinh khuyết tật, các em thiệt thòi vì mất hơn 50% khả năng thu nhận, lại chậm và nhút nhát hơn. Do vậy cô giáo không đơn giản là người truyền thụ mà còn phải là người mẹ hiền, quan tâm và chia sẻ với từng cá tính, từng hoàn cảnh". Trong lớp học chỉ có những khuôn mặt biểu thị bằng việc nhướn mi hay những nụ cười ngu ngơ và những tiết dạy không phải lúc nào cũng hiệu quả. Thế nên, cô Vân Nương chăm chút giáo án sao cho dễ hiểu, dễ nhớ; sử dụng các trò chơi đơn giản như thổi bong bóng, làm máy bay, tàu hỏa... phối hợp với giác quan còn lại của học sinh để các em phát huy hết khả năng của mình. Từ đó học sinh của cô luyện được giọng, lấy được hơi và biết cách phát âm đúng...
Cũng chừng ấy năm gắn bó với trường Tiểu học chuyên biệt 15/5, cô đã nhận được rất nhiều danh hiệu như giải nhì Giáo viên dạy giỏi học sinh khuyết tật cấp TP, Chiến sĩ thi đua và là một trong 30 giáo viên của TP.HCM năm nay được nhận giải thưởng Võ Trường Toản do Sở Giáo dục - Đào tạo và Prudential tổ chức. Vậy mà khi chia tay, cô gửi gắm: "Đừng nói nhiều về cô mà hãy viết để bạn đọc hiểu và chia sẻ với học sinh khuyết tật em nhé!".
B.T
Bình luận (0)