Ông Lahoud rời khỏi dinh tổng thống trong một buổi lễ đơn giản vào nửa đêm 23.11 (giờ địa phương). Vài giờ trước đó, ông ra lệnh cho quân đội Li-băng đảm trách vấn đề an ninh của đất nước do có những "mối đe dọa" có thể dẫn đến tình trạng khẩn cấp. Theo ông Lahoud, người Li-băng phải chọn một tổng thống trên cơ sở đồng thuận vì nội các hiện nay, do Thủ tướng Fouad Siniora dẫn đầu, là "bất hợp pháp". "Nếu điều đó không xảy ra, Li-băng sẽ phải trả giá đắt", Hãng tin Reuters dẫn lời ông Lahoud. Về phần mình, ông Siniora coi sắc lệnh của ông Lahoud là vi hiến, đồng thời tuyên bố chính phủ của ông sẽ tiếp quản quyền tổng thống cho đến khi bầu được người thay ông Lahoud. Tuy nhiên, phe đối lập không chấp nhận điều này.
Theo Hãng tin AFP, các nhà lập pháp thuộc phe đa số - vốn được phương Tây ủng hộ, và phe đối lập - do tổ chức Hồi giáo Hezbollah dẫn đầu, đã định nhóm họp tại Beirut hôm 23.11 trong một nỗ lực cuối cùng nhằm chọn người kế nhiệm ông Lahoud trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng cũng như bốn cuộc họp tương tự có trung gian hòa giải quốc tế trước đó, cuộc họp hôm 23.11 đã bị hủy bỏ. Một cuộc bầu chọn mới dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 30.11.
Ông Lahoud là một đồng minh thân cận của Syria và Iran, trong khi ông Siniora chủ trương quan hệ tốt hơn với Mỹ. Trong hai tháng qua, liên minh của ông Siniora đã nỗ lực tìm người thay ông Lahoud, nhưng với thế đa số mong manh tại quốc hội (68/127 ghế), họ không thể chủ động làm được điều họ muốn. Phe đối lập đã dọa tẩy chay cuộc bỏ phiếu và cảnh cáo chống lại mọi âm mưu bầu chọn tổng thống nếu không đạt được 2/3 số phiếu. Hồi tháng 11.2006, Hezbollah, vốn cũng được Syria hậu thuẫn, đã rút các bộ trưởng của họ ra khỏi nội các Li-băng sau khi không được trao quyền phủ quyết đối với các quyết định quan trọng của chính phủ. Bản thân Lahoud ủng hộ việc Syria chiếm đóng Li-băng và chống lại việc Syria rút quân vào năm 2005, diễn ra sau vụ ám sát cựu Thủ tướng Li-băng Rafik Hariri, còn phía Siniora thì muốn giành chiếc ghế tổng thống nhằm thực sự "khóa sổ" ảnh hưởng của Syria ở Li-băng.
Theo Hãng tin BBC, căng thẳng chính trị ở Li-băng hiện nay có thể được nhìn thấy trên đường phố với việc triển khai binh lính và đóng cửa các trường học. Các chốt kiểm soát được thiết lập và Bộ Nội vụ đình chỉ vô thời hạn việc cấp phép sử dụng súng. Cuộc khủng hoảng hiện nay đã gây ra những lo ngại về khả năng xảy ra nội chiến, bao gồm khả năng hình thành hai chính phủ đối kháng nhau, như đã từng xảy ra sau cuộc nội chiến 1975-1990. Cuộc khủng hoảng ở Li-băng cũng có thể được coi như là một sự mở rộng của cuộc xung đột khu vực giữa Mỹ với Iran và Syria. Giới chức Li-băng cáo buộc Syria sử dụng các đồng minh của mình để phong tỏa một thỏa thuận về việc bầu chọn tổng thống cho đến khi Damascus biết được họ nhận được gì tại Hội nghị hòa bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ vào tuần tới. Syria muốn hội nghị xem xét vấn đề trả lại cho Syria cao nguyên Golan hiện bị Israel chiếm giữ. Về phần mình, Iran ngoài việc bị Mỹ cho đứng ngoài rìa hội nghị trên còn tranh chấp với Mỹ về vấn đề hạt nhân và bạo lực ở Iraq.
Bất chấp tuyên bố của ông Lahoud về tình hình Li-băng, các phe phái ở Li-băng hiện cam kết không khiêu khích nhau trong thời gian chờ có tổng thống mới và rằng họ cần phải đạt được sự đồng thuận về vấn đề này. Thực tế ra sao còn cần phải chờ xem.
T.Q
Bình luận (0)