30 phút và một bài học lớn về đạo thầy trò

27/11/2007 00:15 GMT+7

Cuộc đời và sự nghiệp của nhà chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã quá nổi tiếng. Tài năng và chí khí của danh nhân này đã nhiều bút mực xiển dương, luận bàn. Bài viết nhỏ này chỉ kể chuyện nửa giờ của một nhân cách, một đạo lý.

Đó là cuối năm 1946. Lúc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Hội nghị Fontainebleau đã về nước. Chiến tranh lúc này là không thể tránh khỏi. Toàn dân đang chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau phiên họp cuối cùng ngày 9.11, cụ Huỳnh Thúc Kháng được cử làm đặc phái viên của Chính phủ vào Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ (tại Nghĩa Hành - Quảng Ngãi).

Vào đây, cụ Huỳnh truyền đạt tinh thần chung của Chính phủ Cụ Hồ, viết thư kêu gọi đồng bào, phụ lão kháng chiến. Lần kinh lý này, bậc chí sĩ "cả đời không màng danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu... chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập..." (lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về cụ Huỳnh) đã gặp người thầy ở Bình Định, phó bảng Đào Phan Duân. Cuộc gặp chỉ 30 phút mà những người chứng kiến còn xúc động đến hôm nay về đạo thầy trò!

Thực ra cụ Đào phó bảng không phải là thầy dạy trực tiếp cụ Huỳnh. Cụ chỉ là một thành viên của Hội đồng khảo thí chấm bài lúc làm Phủ doãn Thừa Thiên. Cụ Huỳnh từng biết tên thầy "khảo thí", biết tiếng Biểu Xuyên Đào Phan Duân xô ghế từ quan khi bị viên công sứ Pháp ép phải giao nộp một hội kín chống chính quyền thực dân. Vị đại diện Chính phủ từ Quảng Ngãi vào Bình Định đã yêu cầu được gặp cụ Đào trong cuộc tề tựu toàn thể cán bộ từ cấp Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã trở lên ở huyện Phù Cát. Cụ Đào lúc này đã 82 tuổi và là Chủ tịch danh dự Mặt trận Liên Việt Bình Định.

Nghe tin võng cụ Đào đã từ làng Biểu Chánh - An Nhơn ra gần tới, cụ Huỳnh vội vã đi thẳng ra tận cổng chờ đón. Cụ Đào cũng bảo người dừng võng bước xuống rồi cùng đi bộ một quãng khá xa vào huyện đường.

Người ta bố trí sẵn 2 ghế ngồi. Cụ Đào ngồi còn cụ Huỳnh cứ đứng khép tay bên cạnh hầu chuyện, thăm hỏi. Cụ Huỳnh giới thiệu với mọi người rằng: "Đào công và tôi là đạo thầy trò. Thầy là giám khảo chấm khoa thi mà tôi là thí sinh khoa ấy. Vì vậy nhân dịp đến tỉnh nhà tôi phải được gặp thầy!". Và cứ một lời thưa thầy hai lời thưa thầy suốt cuộc. Cụ Đào từng dễ dàng xô ghế, quẳng quan nhưng gặp cảnh này ông rất khó xử. Có thể nào để người trọng trách quốc gia đứng mãi.

Sau những thăm hỏi về sức khỏe, sau những trao đổi ngắn gọn về tình hình đất nước, lấy cớ sức khỏe cụ Đào chào tạm biệt để thoát cảnh kẻ đứng người ngồi. Niềm vui hạnh ngộ không ngờ cũng là lần gặp cuối cùng. Mấy tháng sau cụ Huỳnh lâm bệnh ở Quảng Ngãi viết thư chào vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lúc đất nước vào cuộc chiến đấu quyết liệt với thực dân Pháp. Cụ Đào cũng tạ thế ở quê nhà.

Nửa giờ, hai kẻ sĩ, hai nhân cách lớn gặp nhau trong sự kính ngưỡng của bao người. Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn lúc ấy là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến xã Phước Lý chứng kiến câu chuyện đến giờ kể lại ông còn xúc động. Mặc dù đã viết một phần trong Kẻ sĩ đất Thang Mộc, Vũ tiên sinh cứ nhắc tôi nhớ chi tiết cụ Huỳnh ra tận cổng chờ đón thầy và cụ Đào cũng xuống võng sớm, dù rất yếu.

Đạo nghĩa thầy và trò xưa đẹp xiết bao!

Lê Hoài Lương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.