Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Cái gì bao cấp không đúng, phải bỏ"

28/11/2007 23:13 GMT+7

Hôm qua 28.11, phát biểu trong hội nghị toàn ngành tài chính năm 2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nêu nhiều ý kiến chỉ đạo về công tác quản lý tài chính, điều hành thị trường giá cả cho năm 2008.

Về tình hình biến động giá cả, Thủ tướng nói: "Chúng ta đi theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận ảnh hưởng giá cả của thị trường thế giới. Như giá dầu thế giới tăng, chúng ta cũng buộc phải điều chỉnh giá bán xăng lên. Còn giá dầu, năm nay chúng ta phải bù lỗ tới 10.000 tỉ đồng thì không thể để bù lỗ, bao cấp lớn như vậy được". Thủ tướng nhắc lại và nhấn mạnh: "10.000 tỉ đồng, chúng ta mới có hơn 4.000 tỉ đồng để bù lỗ, còn chưa có 6.000 tỉ. Thực tế là nông dân có được bù không trong việc bù lỗ đó, hơn 40% lượng dầu là do doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng được sử dụng. Hơn nữa, giá dầu ta thấp hơn các nước xung quanh 3.000 - 4.000 đồng/lít thì không thể nào ngăn chặn nổi buôn lậu".

Thủ tướng chỉ đạo rõ: "Năm 2008 sẽ không bù lỗ giá dầu nữa. Cái gì bao cấp không đúng sẽ phải bỏ. Khoản tiền để bù lỗ sẽ đầu tư sang cái khác: phúc lợi xã hội, hỗ trợ theo hình thức khác cho dân nghèo, ngư dân đánh cá xa bờ...". Theo Thủ tướng, giá than, giá xi măng... cũng sẽ không còn bao cấp nữa, để tính đúng, tính đủ chi phí cho doanh nghiệp. Riêng giá điện, vẫn phải thực hiện điều chỉnh tăng theo lộ trình, vì "đó là thực tế khách quan chúng ta phải chấp nhận".

Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ Tài chính tập hợp, rà soát các văn bản, chính sách tài chính còn bất cập liên quan đến việc giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản, thủ tục phá sản doanh nghiệp, đấu giá tài sản... để sửa đổi, bổ sung. Dẫn kết quả xếp hạng về môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2007, Thủ tướng nói: "Tuy Việt Nam tăng được 3 bậc từ 94/178 nước lên 91 nhưng còn một số lĩnh vực ta đạt điểm rất thấp như lĩnh vực thuế, xếp hạng 128 do thời gian làm thủ tục thuế của doanh nghiệp còn mất hơn 1.000 giờ/năm, như thủ tục phá sản doanh nghiệp (xếp hạng 121) hay xếp hạng về tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư cũng đứng trên 100...". "Cái này hoàn toàn trong tầm tay chúng ta có thể cải thiện được. Do đó, chúng ta còn phải đẩy mạnh cải cách hành chính nhanh và hiệu quả hơn", ông nói thêm.

Theo báo cáo của Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá, năm 2007, ngành tài chính đã hoàn thành vượt dự toán các nhiệm vụ tài chính - ngân sách, đảm bảo bội chi không quá 5% GDP. Thu ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên, có nguồn để điều chỉnh tiền lương và bù lỗ giá dầu. "Chúng ta đã bổ sung cho dự trữ tài chính ngân sách địa phương khoảng 100 tỉ đồng, dành 9.080 tỉ đồng chuyển sang 2008 để tiếp tục điều chỉnh tiền lương", ông Tá cho biết. Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được ngành thực hiện có hiệu quả hơn. Qua việc kiểm tra trực tiếp tại các bộ, ngành, địa phương, các tổng công ty 91, các tập đoàn kinh tế, Bộ Tài chính đã kiến nghị thu hồi gần 653 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. 10 tháng đầu năm 2007, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã phát hiện và từ chối thanh toán trên 600 tỉ đồng các khoản chi không đúng quy định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá cũng nêu rõ những yếu kém lớn trong hoạt động của ngành tài chính năm 2007. Đó là tình trạng triển khai thu thuế còn lúng túng, thất thu ngân sách còn phổ biến trong khi công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu "chưa đạt kết quả cao". Một yếu kém lớn khác là việc bố trí vốn còn phân tán, dàn trải, tiến độ giải ngân chậm: đến tháng 11.2007, giải ngân vốn xây dựng cơ bản mới đạt 55,8% kế hoạch và vốn trái phiếu Chính phủ đạt còn thấp hơn (40,5% kế hoạch). Bộ Tài chính cũng thừa nhận còn yếu kém trong chính sách tài chính về đất đai.

MẠNH QUN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.