Vỏ, rễ cây dâu (tang bạch bì): chữa chứng ho lâu ngày, sốt cao, băng huyết, cao huyết áp... Cách làm: vỏ rễ cây cắt nhỏ, sao vàng hạ thổ (tán nhỏ hay để nguyên cũng được). Liều dùng 20 gr/ngày sắc với 100 ml, còn 50 ml uống trong ngày. Cành dâu (tang chi): chặt thành từng đoạn dài 3 - 4 cm, phơi khô, sao vàng hạ thổ; Có thể dùng độc vị (chỉ có cành dâu) hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa các chứng đau nhức xương khớp (nhất là ở tay chân). Quả dâu (tang thâm) có tác dụng bổ gan, thận huyết, tiểu đường, lao hạch. Lấy quả dâu chín rửa sạch rồi đem nấu cao mềm, ngâm rượu hoặc làm mứt (khi ngâm rượu thì chỉ dùng 50 ml vào buổi tối).
Cây tầm gửi trên cây dâu (tang ký sinh): có tác dụng trị các chứng đau nhức xương cốt, lợi sữa, an thai. Để trị chứng phong thấp thường phối hợp với các vị thuốc khác (trong bài thuốc độc hoạt tang ký sinh). Tổ bọ ngựa trên cành dâu (tang phiêu tiêu): có tác dụng trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ, di tinh, liệt dương. Cách dùng lấy tổ bọ ngựa nướng vàng, tán mịn, ngày dùng 10 gr, chia làm 2 lần, dùng liên tục 15-20 ngày. Cần chú ý tang ký sinh và tang phiêu tiêu là hai vị thuốc rất quý và hiếm, cần thận trọng khi thu mua, vì chỉ có ở những cây dâu lâu năm, còn dâu trồng theo dạng công nghiệp thì không thể có được.
Sâu dâu (là ấu trùng của con xén tóc) có tác dụng đối với trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe cho người già yếu. Cách dùng nướng 1-2 con sâu dâu cho trẻ ăn 1-2 lần/ngày. Hoặc dùng ngâm rượu cho người lớn (có thể phối hợp với 1 số loại thuốc khác để tăng tác dụng). Chú ý cách bắt sâu, vì ban ngày sâu chui xuống đất, ban đêm mới bò lên thân cây để đục thân, vì vậy phải bắt vào khoảng 21 giờ - 4 giờ sáng, dùng dao bén phạt vào thân cây, dưới chỗ phân đùn ra chừng 15-20 cm, làm nhanh gọn, dứt khoát, nếu không sâu sẽ chui xuống đất.
Bảo Trân
(Hội Đông y Lâm Đồng)
Bình luận (0)