Gieo chữ Việt trên đất Thái

01/12/2007 14:59 GMT+7

Suốt nhiều năm qua, có ba người Việt ở Thái Lan đã âm thầm mở trường dạy tiếng Việt cho những thế hệ kiều bào trẻ mà không màng lợi nhuận.

Ông Nguyễn Sĩ Tường là một Việt kiều sinh ra và lớn lên tại tỉnh Nakhon Phanom (đông bắc Thái Lan). Bố mẹ ông là người Ninh Bình, tản cư sang Thái đã hàng chục năm. Ông Tường kể, vào tháng 2.2002, ông Đậu Văn Khánh, cũng là một Việt kiều sinh ra và lớn lên tại vùng đất này, xin được giấy phép của chính quyền sở tại để mở trường dạy tiếng Việt. Thế là ngôi trường có tên "Trường dạy tiếng Việt tỉnh Nakhon Phanom" đã được dựng lên.

Thời gian đầu, với 3 lớp, ông Khánh gặp khá nhiều khó khăn trong việc điều hành ngôi trường mới. Lúc mở trường cũng cùng dịp nghỉ hè của học sinh Thái Lan, nên nhiều con em Việt kiều đã đến học. Tuy nhiên, sau đó 3 tháng, năm học mới bắt đầu, các em nghỉ học bớt. Các thầy dạy cũng bỏ trường. Ông Khánh lâm vào cảnh khốn đốn vì không có học sinh mà nếu trong vòng 2 tháng, trường không hoạt động thì sẽ bị thu hồi giấy phép. Ông Khánh đành đến nhờ ông Tường dạy giúp. Qua thời gian ông Tường vận động bà con, số học sinh kiều bào đến trường học tiếng Việt ngày càng đông. Ngoài việc học chữ và học viết, các em còn được nghe kể về lịch sử Việt Nam cũng như các danh lam thắng cảnh của quê hương. Hiện nay, trường có từ 40 - 50 học sinh và khai giảng cứ 3 tháng một lần. Số học sinh hoàn thành chương trình ở trường đã lên đến khoảng 500. Ông Tường còn cho biết thêm, một số quan chức từ các tỉnh lân cận cũng đến học vì khu vực đông bắc Thái Lan có nhiều người Việt sinh sống; biết tiếng Việt cũng là một ưu thế.

Cùng lúc đó, vào khoảng năm 2002, ông Phan Quốc Lợi ở tỉnh Nong Khai, đông bắc Thái Lan, cũng mở lớp dạy tiếng Việt tại nhà. Thậm chí có lúc chỉ còn một em học, ông Lợi vẫn duy trì việc dạy. Sau một thời gian dạy tại nhà và mang tiếng nói quê hương đến nhiều em học sinh là Việt kiều, năm 2006, ông Lợi chuyển sang dạy tiếng Việt trong trường Trung học Pathum Thep Withayakhan của tỉnh Nong Khai. Chính ngôi trường bản xứ này đã tạo điều kiện để ông có một phòng riêng, vừa làm trung tâm văn hóa Việt, vừa làm nơi dạy tiếng Việt. Tại đây, dù được ban giám hiệu trả lương nhưng ông Lợi không nhận, bởi theo ông, ông làm việc này vì trách nhiệm đối với thế hệ Việt kiều trẻ, chứ không vì tiền. Thay vào đó, ông đề nghị hiệu trưởng trao số tiền trên cho học sinh nghèo. Hiện lớp tiếng Việt của ông Lợi ở Nong Khai có khoảng 40 học sinh. Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok cũng đã rất nỗ lực trong việc kết hợp với Bộ Giáo dục - Đào tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho các Việt kiều trên giảng dạy tiếng Việt tại Thái Lan, cụ thể là chuyển tài liệu, sách giáo khoa đến những cơ sở này. 

Ngày 23.11 vừa qua, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bangkok, ba Việt kiều trên đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Phát biểu trong buổi lễ long trọng ấy, ông Phan Quốc Lợi tâm sự: "Chúng tôi thiết nghĩ nếu không biết tiếng Việt thì tất cả thế hệ trẻ là con em Việt trên đất Thái sẽ như thế nào? Liệu rằng sau này họ có biết mình là ai không? Tổ quốc mình ở đâu?". Ngạc nhiên hơn cả là "lời thú thật" của ba Việt kiều trên, rằng họ mới chỉ được học đến lớp 7. Thế mới thấy những nỗ lực của họ trong bao năm qua đáng quý biết nhường nào...

 Việt Phương (VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.