Nước trên sao Kim bị khô kiệt do tác động của hiệu ứng nhà kính

03/12/2007 09:13 GMT+7

Sao Kim, vốn được mệnh danh là anh em song sinh với Trái đất của chúng ta, từng có nước bao phủ, trước khi bị hiện tượng ấm lên toàn cầu làm khô kiệt như ngày nay. Các nhà khoa học thuộc Cơ quan Vũ trụ châu u (ESA) đã rút ra kết luận này dựa trên các dữ liệu do tàu thám hiểm sao Kim đầu tiên "Venus Express" của cơ quan này thu thập được trong hơn một thập kỷ qua.

Các dữ liệu thu thập được cho thấy sao Kim rất giống Trái đất về khối lượng, bán kính, tỷ lệ và cấu tạo hóa học, thậm chí cả nguyên lý vật lý cơ bản dẫn đến hiệu ứng nhà kính. Đây là hành tinh "hàng xóm" gần Trái đất nhất, khoảng 42 triệu km tính từ điểm gần nhất. Trong khí quyển sao Kim có chứa một lượng rất lớn khí CO2, thủ phạm chính gây hiệu ứng nhà kính, trong khi các đám mây là nơi tích tụ a-xít sun-phua-ríc. Điều khác biệt lớn nhất là trên sao Kim không có ô-xy và nước, hai yếu tố cơ bản để duy trì sự sống của sinh vật.

Tuy nhiên, các tác giả của công trình nghiên cứu này tin rằng từng có nước trên bề mặt sao Kim, trước khi nó bị hiện tượng ấm lên toàn cầu làm khô kiệt như ngày nay. Giải thích luận điểm này, nhà khoa học Hakan Svedhem, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết có thể do sao Kim gần với Mặt trời hơn, nên khí quyển nóng hơn và nước có nhiệt độ rất cao. Khi bốc thành hơi, hơi nước trở thành một loại khí gây hiệu ứng nhà kính, điều này đồng nghĩa với việc hơi nóng Mặt trời sẽ bị "nhốt" lại nhiều hơn, khiến cho hành tinh này càng trở nên nóng hơn. Nhiệt độ tăng cao càng làm cho quá trình nước bay hơi diễn ra mạnh mẽ khiến lượng nước lớn trên bề mặt hành tinh này biến thành hơi bay lên và hòa tan vào trong không gian của vũ trụ. Nước ở đại dương nóng đến mức sôi được.

Kết quả là cuối cùng toàn bộ nước trên sao Kim bị khô kiệt hoàn toàn và hiện chỉ còn phát hiện thấy dấu vết của nước trong bầu khí quyển của hành tinh này. Các nhà khoa học khẳng định điều này đã từng xảy ra trên sao Kim. Họ cũng khẳng định, thậm chí ngày nay, Trái đất và sao Kim duy trì một lượng CO2 tương đương. Trong khi trên Trái đất, khí CO2 bị nén chặt trong đất, đá và đại dương, thì trên sao Kim, sức nóng mãnh liệt đẩy CO2 hòa với không khí. Khoa học gọi tiến trình này là hiện tượng hiệu ứng nhà kính, xảy ra giống như trên Trái đất. Theo các nhà khoa học, phải chăng đây là sự cảnh báo đối với loài người về những vấn đề cấp bách như hiện tượng thay đổi khí hậu toàn cầu do tiến trình ấm dần lên trên Trái đất đang gây ra.

Tàu thám hiểm sao Kim "Venus Express" của ESA dự kiến sẽ tiếp tục hoạt động trên quỹ đạo cách bề mặt hành tinh này khoảng 60 km đến năm 2013. Tàu được trang bị các thiết bị cảm ứng hiện đại để nghiên cứu bề mặt và bầu khí quyển của hành tinh này. Nhờ các dữ liệu do tàu gửi về Trái đất, các nhà khoa học xác định được nhiệt độ trên sao Kim khoảng 457 độ C, có thể làm tan chảy những kim loại như chì và kẽm. Nhiệt độ giữa ban ngày và đêm chênh nhau tới 30-40 độ C. Gió ở độ cao 60 km trên bề mặt sao Kim mạnh gấp hơn 3 lần các cơn bão trên Trái đất. Các nghiên cứu cũng cho biết trong khoảng thời gian 700-900 triệu năm qua, sao Kim đã bị mất lớp vỏ của nó và địa hình bề mặt hành tinh này đã thay đổi ghê gớm bởi sức mạnh khổng lồ nào đó.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.