Bức xúc chuyện xe buýt, taxi chạy ẩu

08/12/2007 00:49 GMT+7

Tại kỳ họp HĐND TP.HCM đang diễn ra, khi đề cập đến thực trạng giao thông, nhiều đại biểu đã bức xúc cho rằng xe buýt chạy ẩu chính là một tác nhân quan trọng gây kẹt xe.

Đàn anh xe buýt "hung thần"

Theo nhiều đại biểu HĐND thành phố, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn có bề rộng mặt đường dưới 12 mét, lại bố trí lưu thông hai chiều nên chỉ phù hợp với loại xe buýt trung và nhỏ. Thế nhưng, đa phần xe buýt ở thành phố lại là xe buýt lớn, rộng gần 3 mét và dài hơn chục mét, khi lưu thông chiếm gần hết diện tích làn đường khiến các loại phương tiện khác ùn ứ. Song, điều bức xúc nhất ở các đại biểu là việc xe buýt chạy ẩu, gần như tự do ra vào đón khách, vừa chạy vừa nhấn kèn inh ỏi đòi đường, chạy vào làn đường dành cho xe 2 bánh... gây nguy hiểm cho người tham gia lưu thông.

Những bức xúc của các đại biểu HĐND cũng chính là bức xúc của nhiều người dân thành phố, khi hằng ngày phải đối diện với rất nhiều trường hợp tài xế xe buýt bất chấp luật lệ giao thông và bất chấp luôn cả tính mạng của người lưu thông đúng luật. Tình trạng giao thông trên quốc lộ 22, đoạn trước cổng Bến xe An Sương (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) là một minh chứng. Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến chiều tối, các xe buýt tranh nhau tấp vào làn đường dành cho xe 2 bánh để đón khách, khiến một đoạn đường dài cả trăm mét thường xuyên ùn tắc giao thông. Đón khách xong, các bác tài lại đua nhau, thậm chí dàn hàng ngang lao đi để giành đón khách ở trạm phía trước. Đã có rất nhiều tai nạn xảy ra trên đoạn đường này.


Vụ tai nạn do xe buýt gây ra ngày 20.11 trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - ảnh: Trần Duy
Đường Trường Chinh (đoạn từ ngã ba Cộng Hòa đến ngã tư Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Bình) cũng là một điểm nóng về xe buýt chạy ẩu. Lợi dụng việc ra vào đón trả khách, xe buýt thường xuyên chiếm luôn phần đường dành cho xe 2 bánh. Người lưu thông đúng luật đành phải bò theo sau xe buýt hít khói, còn người sốt ruột chấp nhận vi phạm luật bằng cách chạy xe máy lên lề đường dành cho người đi bộ. Nhiều ngày có mặt tại "điểm đen" này, chúng tôi chứng kiến cảnh 2-3 xe buýt tách ra khỏi hàng xe ô tô đang dừng đèn đỏ chạy lấn sang làn đường dành cho xe 2 bánh ngay từ giao lộ Cộng Hòa. Vừa chạy ầm ầm trong làn đường xe hai bánh, những chiếc xe buýt vừa bật xi nhan khiến người lưu thông không biết khi nào xe ghé vào đón khách, đành nép sát hoặc chạy hẳn lên lề để "kính" đường cho xe buýt chạy. Phải đến gần ngã tư Tân Kỳ Tân Quý, cả 3 xe buýt mới tranh thủ lách về đúng phần đường dành cho ô tô lưu thông vì... phía trước có CSGT đang làm nhiệm vụ.

Hình ảnh xe buýt lấn đường xe 2 bánh, thậm chí vượt đèn đỏ, vừa chạy vừa nhấn còi inh ỏi khiến nhiều người lái xe 2 bánh, nhất là phụ nữ, thường hốt hoảng dẫn đến tai nạn... cũng không phải hiếm ở các tuyến đường có mật độ xe buýt dày đặc trong nội thành như Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trần Hưng Đạo, 3 Tháng 2... Trưa 2.12, tại giao lộ 3 Tháng 2 và Sư Vạn Hạnh, chỉ trong 1 tiếng (từ 12 đến 13 giờ), chúng tôi chứng kiến 3 lần xe buýt vượt đèn đỏ.

“Đàn em” taxi không kém

Xe buýt là vậy, "đàn em" taxi thì cũng chẳng thua kém gì. Trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 8.000 xe taxi của gần 40 hãng lớn nhỏ, chưa kể hàng ngàn taxi "dù", dẫn đến áp lực cạnh tranh rất lớn. Trong kinh doanh, hầu hết các hãng đều áp dụng phương thức ăn chia doanh thu với tài xế theo tỷ lệ 6-4 (hãng thu 6 phần, tài xế hưởng 4 phần) hoặc 7-3,... tùy thỏa thuận. Nhưng để được hưởng tỷ lệ này, tài xế phải đạt mức doanh thu ấn định, trường hợp không đạt sẽ bị hạ tỷ lệ ăn chia hoặc "phạt". Vì thế, không ít tài xế taxi khi cầm tài là phải... "đua" để đón khách. Trưa ngày 4.11, trước cửa khách sạn Quê Hương trên đường Phạm Ngũ Lão, quận 1, trong khi hầu hết các phương tiện dừng lại nhường cho một đoàn khách nước ngoài băng qua đường dưới sự hướng dẫn của tài xế xe du lịch và nhân viên bảo vệ khách sạn thì một chiếc taxi vẫn lao lên khiến mấy du khách vội vàng nhảy quay trở lại. Nhiều du khách cùng cười ồ lên, nhưng đó là tiếng cười không mấy thiện cảm dành cho giao thông ở Việt Nam!

Theo thống kê của Phòng CSGT đường bộ Công an TP.HCM, tính đến hết tháng 11.2007, toàn TP có 15 vụ tai nạn nghiêm trọng do xe buýt gây ra, làm chết 13 người, bị thương 5. Taxi gây ra 21 vụ nghiêm trọng làm chết 7 người, bị thương 6.

Sức ép cạnh tranh đôi khi còn xảy ra những trận ẩu đả giữa tài xế các hãng taxi với nhau. Trước cửa khách sạn Tân Mỹ Đình 2 trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, vì tranh giành đón khách mà hai nhóm tài xế của hãng V. và H. hùng hổ xông vào nhau định huyết chiến. Rất may, các lực lượng chức năng kịp có mặt trấn áp. "Từ khi khách sạn này khai trương cuối tháng 10 đến nay, taxi đậu lấn hết hai bên đường, bất chấp quy định cấm đậu. Còn chuyện giành khách, ẩu đả nhau xảy ra như cơm bữa" - một người dân buôn bán trên đoạn đường này bức xúc.

"Bó tay" với nạn xe buýt, taxi chạy ẩu?

Trung tá Bùi Duy Trinh, Đội phó Đội Cảnh sát Tuần tra giao thông (Công an TP.HCM) cho biết: "Chỉ riêng đường Bùi Thị Xuân, quận 1, trong tuần đầu tháng 11 CSGT liên tục xuống xử phạt taxi dừng đậu sai quy định. Đã có hơn chục tài xế taxi bị phạt, nhưng khi CSGT vừa đi là taxi lại đậu tràn lan đón khách. Có xe hôm trước vừa bị phạt, hôm sau lại tiếp tục bị phạt...".

Phải chăng tài xế không... ngán bị phạt? Một tài xế taxi tâm sự: "Bị phạt mất tiền, còn gây tai nạn có khi mất luôn nghề, hỏi có ai không ngán? Nhưng cầm tài mà không đạt doanh thu quy định thì tiền đâu để sống". Rõ ràng, sức ép cạnh tranh đang gây áp lực rất lớn cho các tài xế. Thực tế còn nguyên do khác: nhiều mức phạt vi phạm giao thông chưa đủ nặng để răn đe.

Riêng với xe buýt, việc chạy ẩu còn xuất phát từ tâm lý được "nuông chiều". Trước đây, để khuyến khích người dân đi xe buýt, ngành giao thông công chính và Công an TP.HCM đã ký một văn bản cho phép xe buýt được lưu thông vào làn đường xe 2-3 bánh khi có ùn tắc ở làn xe 4 bánh. Lợi dụng chủ trương này, nhiều tài xế xe buýt thường xuyên cho xe chạy vào làn xe 2 bánh cho... tiện. Sau đó, trước bức xúc của dư luận và do có ý kiến cho rằng việc cho xe buýt lưu thông vào làn xe 2-3 bánh là trái Luật Giao thông đường bộ nên văn bản này bị hủy bỏ. Nhưng đến tháng 7.2005, UBND TP.HCM lại ra một quyết định quy định một số quyền ưu tiên lưu thông của xe buýt trên các tuyến thử nghiệm, trong đó cho phép "xe buýt được phép lưu thông vào làn xe 2-3 bánh khi cách giao lộ từ 100 mét trở lên và các làn xe ô tô đều bị tắc". Thực tế thì rất nhiều tài xế xe buýt không hề biết đến khoảng cách 100m hay khái niệm làn xe ô tô bị tắc, họ cứ ngang nhiên cho xe lưu thông vào làn đường xe 2 bánh rồi bóp còi inh ỏi... "Muốn chấm dứt tình trạng xe buýt chạy ẩu, cần phải bỏ quy định quyền ưu tiên cho xe buýt và phạt thật nghiêm các trường hợp tài xế vi phạm" - một cử tri kiến nghị HĐND thành phố tại phiên chất vấn Sở Giao thông - Công chính sáng 5.12 và được chủ tọa kỳ họp mở cho cả hội trường nghe.

Sự "nuông chiều" xe buýt còn thể hiện ở những động thái thiếu quyết liệt trong chấn chỉnh của các cơ quan quản lý. Đã rất nhiều lần sau khi báo chí lên tiếng về tình trạng xe buýt chạy ẩu, ngành giao thông công chính phản hồi "sẽ kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm...", nhưng rồi xe buýt vẫn chạy ẩu, thậm chí nhiều hơn. Theo số liệu của Trung tâm quản lý và điều hành vận tải khách công cộng, từ đầu năm đến giữa tháng 10.2007, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 6.063 trường hợp xe buýt vi phạm luật giao thông, tăng hơn 3 lần tổng số vi phạm cả năm 2006, với lỗi thường thấy là: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, giành đường, thậm chí tài xế không có bằng lái...

"Cần phải phê bình ngành giao thông làm quá chậm, nhiều cái trong tầm tay nhưng vẫn thiếu quyết liệt. Anh Phượng (ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông - Công chính) nói chấn chỉnh ngay xe buýt, lâu nay vẫn nói chấn chỉnh nhưng kết quả thì sao?" - đại biểu HĐND Nguyễn Văn Quang bức xúc trong phiên chất vấn ngành giao thông công chính sáng 5.12. Còn với nhiều người dân, trước thực tế nói trên, chỉ còn biết lắc đầu.

Minh Đức - Hoài Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.