Chủ tịch Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn Đỗ Kiều Lân tuyên bố sẽ vận động làm một chiếc gỏi cuốn đạt kỷ lục thế giới như thế vào năm 2008.
Gặp giới báo chí, trước hết ông nhắc rằng, chiếc gỏi cuốn đạt kỷ lục dài nhất Việt Nam hiện nay đo được hơn 100 mét và được “gói” ngoài trời bởi 200 đầu bếp chuyên nghiệp trước mắt đông đảo du khách vào một buổi chiều cuối năm ngoái: “Đó là buổi chiều có nắng đẹp đầu tháng 12.2006, ngay trưa hôm ấy chúng tôi đã chuyển 44 kg bún tươi, 22 kg rau sống, 20 kg thịt, 16 kg tôm đến khuôn viên của khu du lịch Văn Thánh - TP.HCM, nơi đang diễn ra liên hoan ẩm thực quốc tế để làm chiếc gỏi cuốn trên”.
Ông kể tiếp, các đầu bếp đứng thành hai hàng thẳng tắp đối diện nhau, họ im lặng hồi hộp nhìn xuống mặt bàn ráp lại bởi nhiều chiếc có chiều dài ngót hơn trăm thước. Trên bàn đã sắp sẵn những chiếc bánh tráng to đùng đang được phun nước làm ướt để chuẩn bị cuốn. Khi hiệu lệnh bắt đầu, cả 200 người chia làm 20 “bếp”, mỗi bếp 10 người, đồng loạt và nhịp nhàng trải các loại rau dài ngút mắt, trông xa xa như một đường chỉ màu xanh tươi tắn. Vài phút sau, mấy chục ký bún tươi lại được phủ lên rau thành một đường màu trắng, kế đó là tôm thịt và hẹ đắp vào, rồi thêm một lớp bánh tráng mới nữa. Tất cả các động tác của hàng trăm đầu bếp đều diễn ra ăn khớp để tác phẩm hoàn thành và được hàng trăm đầu bếp nâng lên trình làng với sự chứng kiến và tuyên bố xác nhận tại chỗ của Trung tâm VIETBOOKS về chiếc gỏi cuốn dài nhất Việt Nam này.
|
Kỷ lục trên, theo “ông Táo” Lân, được tạo nên trong ý hướng quảng bá rộng rãi món ăn Việt Nam hơn nữa: “quảng bá hình ảnh Việt Nam không chỉ đem các hình ảnh ấy ra nước ngoài, mà còn phải quảng bá ngay trên đất Việt của mình”. Bằng cách nào? Ông trả lời rằng, riêng về ẩm thực, việc tạo kỷ lục món ăn Việt Nam sẽ gây chú ý và tạo tiền đề để các công ty chế biến thực phẩm, các nhà hàng, khách sạn có nhiều người nước ngoài lui tới, sẽ quan tâm giới thiệu thêm món ăn Việt Nam vào thực đơn của họ nhiều hơn nữa. Ở một mục đích khác, việc tạo kỷ lục còn nhắm đến góp phần vào công tác từ thiện. Như chiếc gỏi cuốn trên, ngay sau khi được công nhận kỷ lục đã được cắt làm 100 đoạn, mỗi đoạn dài 1m, rồi mỗi đoạn lại cắt thành 10 cuốn nhỏ xếp lên một chiếc mâm có để sẵn nước chấm để khách tham gia liên hoan ẩm thực quốc tế hôm đó có hảo tâm mua “phiếu thưởng thức gỏi cuốn” giá 100.000đ mỗi phiếu.
Toàn bộ số tiền thu được dùng làm quỹ giúp đỡ trường Nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố ở số 151 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh, gần cầu Thị Nghè TP.HCM. Cạnh đó, với tư cách chủ tịch của Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn, “ông Táo” Lân quyết định mỗi tháng cử một đầu bếp lành nghề, nổi tiếng, đến tại trường nói trên để cùng học sinh trong trường nấu các món ăn cho thực khách được mời gồm đại diện các công ty và những người có tấm lòng vàng đối với những hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, như ông nói: “Làm như thế các em mồ côi thiếu thốn, lang thang ngoài đường phố, ít nhất cũng một lần thấy được những món ăn mà các em thèm muốn đã được nấu nướng như thế nào trên bếp và trong tình thương của những người đầu bếp lớn tuổi dành cho các em”. Sau bữa ăn các thực khách có thể đóng góp tiền mặt hoặc các món quà cho nhà trường tùy hỉ.
Để tiếp tục thực hiện các ý tưởng và mục đích nêu trên, ông Lân đã đại diện 308 hội viên của Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn ký bản thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Kỷ lục Việt Nam - VIETKINGS để thực hiện một số kỷ lục ẩm thực: “Như năm tới, chúng tôi sẽ phá kỷ lục cũ, vận động làm chiếc gỏi cuốn dài hơn nữa để ứng cử kỷ lục thế giới”. Chiếc gỏi cuốn Guinness tương lai ấy dự kiến dài đến ba bốn trăm thước, hoặc hơn nữa, để có thể cuốn một vòng quanh bùng binh chợ Bến Thành. Nói đôi chút về mình, ông Lân cho biết ông sinh năm 1966, tại Nghệ An, quê gốc Hà Đông, vào lập nghiệp ở TP.HCM từ năm 1978 đến nay. Có một dạo ông làm đầu bếp của “nhà hàng nổi 5 sao” đậu trên bến Sài Gòn, sau này ông là bếp trưởng của Công ty Cung cấp suất ăn hàng không ở sân bay Tân Sơn Nhất. Công việc khá bận rộn song ông cũng cố gắng sắp xếp để chủ trì các “Hội thi đầu bếp tài năng” hằng năm trong khuôn khổ hoạt động của Hiệp hội Du lịch TP.HCM, lần mới nhất vào tháng 11.2007 với 63 thí sinh thuộc 23 đơn vị bao gồm các khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu, resort và các trường nghiệp vụ ẩm thực ở Sài Gòn, Bình Dương, Cần Thơ, Nha Trang, Phan Thiết tham gia, như: Majestic, Vietnam Air Caterers, Equatorial, Jardin Delices, Sunrise, Victoria, Đức Phát, ABC, Hoàng Yến.
Qua hội thi trên, ông John Sloane, Chủ tịch Hội Đầu bếp thế giới khu vực châu Á, phát biểu đánh giá rất cao về tay nghề của đầu bếp Việt Nam cũng như năng lực tổ chức hội thi của “ông Táo” Đỗ Kiều Lân và các thành viên khác. Đồng thời ông John Sloane thông báo năm tới Hội đầu bếp do ông Lân làm chủ tịch sẽ chính thức gia nhập Hiệp hội Đầu bếp thế giới (WACS). Lễ kết nạp sẽ tiến hành trong Hội nghị đầu bếp toàn thế giới - 2008 nhóm tại Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Để kỷ niệm sự kiện trên, ông Lân một lần nữa nhắc đến ước mơ của mình trong việc kết hợp với Trung tâm Kỷ lục Vietkings làm chiếc gỏi cuốn dài nhất thế giới!
Để có điều kiện thực hiện, ông Lân nói, ông rất mong được sự hỗ trợ của các đơn vị khách sạn, nhà hàng, các công ty ẩm thực trong nước, cũng như của tất cả những ai quan tâm đến sức tỏa sáng của “bếp Việt Nam”, liên hệ văn phòng Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (số 4-6 Hồ Huấn Nghiệp, Q.1, TP.HCM, ĐT: 08.8224678, hoặc e-mail: info@vietnamchefs.com). Chúng tôi hỏi lập kỷ lục thế giới như vậy rất đáng quý nhưng dầu sao cũng nằm trong vòng của chữ “danh” phải không? Ông Lân đáp: “Chúng tôi cũng nghĩ đến chữ “thực” nữa chứ, ví dụ các kỷ lục của chúng tôi tạo ra cũng sẽ gắn liền với công việc từ thiện xã hội và tiến đến giới thiệu, phổ biến các món ăn chay vốn là thế mạnh lâu nay của trường phái ẩm thực phương Đông và của bếp Việt Nam!”.
Giao Hưởng
Bình luận (0)