Diễn viên múa Linh Nga: Tôi quý mồ hôi đã đổ của mình

08/12/2007 14:24 GMT+7

Xinh đẹp, rạng rỡ tỏa sáng như một viên ngọc trên sàn diễn, Linh Nga là gương mặt tiêu biểu của thế hệ diễn viên múa sắp chiếm lĩnh sân khấu thời gian tới.

* Bạn có thể nói gì về khóa học dài mười năm của mình? 

- Đó là một chặng đường dài có cả niềm vui nỗi buồn, nước mắt, và cả hạnh phúc. Tôi vui vì mình có thể tự lập ở một nơi không người thân không gia đình, đã trưởng thành hơn những bạn cùng lứa, có đủ nghị lực vượt qua những thử thách... Nhưng lại buồn vì phải xa bố mẹ, một mình vào những ngày lễ tết, buồn khi phải xa lớp múa Những ngôi sao nhỏ, tủi thân khi một đứa con gái ăn một mình ngủ một mình, lúc nào cũng một mình. Mười năm qua tôi đã đổ biết bao mồ hôi trên sàn tập, trên sân khấu, và cả nước mắt nữa. Tôi khóc vì tập tành đau đớn, vì nhớ nhà, tủi thân, và cả vì hạnh phúc mỗi lần được đại diện Việt Nam đi thi múa ở Trung Quốc.

* Bạn cảm nhận gì về tính chuyên nghiệp của môi trường bạn đang được đào tạo?

- Tôi đang sống trong một môi trường rất tốt. Tất cả đều rất chuyên nghiệp và kỷ luật. Tôi luôn mong muốn Việt Nam mình sẽ có nhiều cơ hội cho những diễn viên trẻ và các bạn trẻ yêu thích múa cũng được du học như mình. Tôi cũng mong tất cả những người trẻ đi du học đều về nước để cùng nhau cống hiến thật nhiều cho xã hội nói chung và nghệ thuật múa nói riêng.

* Hãy giới thiệu về chuyên ngành mà bạn đang học?

Năm 1998, khi mới mười hai tuổi, Linh Nga đã du học tại trường Múa Quảng Đông Trung Quốc, qua lời mời của hiệu trưởng trường này Pan Zhi Tao, khi đến tham quan lớp múa Những ngôi sao nhỏ của TP.HCM. Sau khi hoàn tất khóa học sáu năm, cô lại thi đỗ vào Học viện Múa Bắc Kinh và sẽ tốt nghiệp vào tháng 4.2008. Cô đã từng cùng Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông Sen và nhóm múa Những ngôi sao nhỏ lưu diễn tại Bỉ, Pháp...

- Tôi đang là sinh viên năm thứ tư của Học viện Múa Bắc Kinh, ngành biểu diễn - diễn xuất của múa dân gian Trung Quốc. Tôi đã được học và tìm hiểu về các dân tộc Trung Quốc rất nhiều. Sinh viên được đi thực tập ở các vùng của Trung Quốc để biết người dân của họ sống thế nào và ngôn ngữ múa của họ là từ đâu đến. Tại sao lại chọn múa dân gian? Vì tôi thích múa dân gian. Cho dù chúng ta đi đến đâu, lòng tự trọng dân tộc của mỗi người đều rất cao. Tôi nghĩ mình là người châu Á, chỉ có múa dân gian mới phù hợp với mình, múa dân gian là chiếc cầu nối giữa mình và mọi người.

* Bạn có chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa?

- Xung quanh tôi toàn là các bạn Trung Quốc. Hằng ngày lên lớp học toàn tiếng Trung Quốc và múa Trung Quốc. Tôi chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc rất nhiều nhưng mỗi khi về Việt Nam tôi đều đi học thêm múa Việt Nam, lịch sử Việt Nam và lịch sử múa Việt Nam, biểu diễn ở Việt Nam hầu như cũng đều múa những bài múa Việt Nam. Mình học hỏi ở người ta nhưng không có nghĩa đem tất cả văn hóa của họ về nước. Dù sang đây đã mười năm nhưng trái tim tôi là trái tim người Việt Nam. Đây chỉ là nơi mình học tập, thu nhận kiến thức nhưng Việt Nam mới là nơi mình sống và phát triển.

* Bạn đã hình dung mình sẽ làm gì sau khi tốt nghiệp?

- Tôi đang dồn hết sức để chuẩn bị chương trình tốt nghiệp và làm luận văn ở bên này. Ngoài ra, trong năm 2008 sẽ có một chương trình riêng của tôi ở Việt Nam. Có thể gọi đây là chương trình báo cáo sự trở về, là lời cảm ơn gửi đến bố mẹ và những khán giả đã yêu mến, ủng hộ tôi suốt mười năm qua. Cũng qua chương trình này, tôi muốn giới thiệu đến khán giả Việt Nam bộ môn múa dân gian Trung Quốc. Chương trình này cũng là câu trả lời của tôi với một số khán giả trước đây từng hỏi tôi: “Học gì mà học nhiều thế?”.

* Những người tốt nghiệp trường múa ở Trung Quốc có dễ tìm việc làm? 

- Mỗi năm các trường múa ở Trung Quốc có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp, và đa số đều tìm được việc làm. Có thể là giáo viên dạy múa hoặc làm ở các đoàn múa, đài truyền hình, trung tâm giải trí... Mức sống của họ rất tốt. Hằng tuần ở Bắc Kinh đều có những sô diễn về múa và lúc nào cũng rất đông khán giả. Nếu không được làm đúng nghề thì có người chuyển sang điện ảnh, có người chuyển sang các nghề khác. Nhưng nói chung, muốn trở thành ca sĩ hay diễn viên điện ảnh cũng đều phải qua múa. Múa làm cho người ta trở nên nhanh nhẹn và nhạy cảm. Đối với tôi, nghệ sĩ múa là một người đầy nghị lực, vì nghề này rất vất vả và không phải hễ có tiền là học được. Đối với người trẻ bây giờ, không phải ai cũng đủ nghị lực để bỏ ra mười năm theo đuổi một bộ môn quá vất vả thế này. Chính vì thế, tôi quý những giọt mồ hôi của mình, trân trọng tất cả những gì mình có, và sẽ không bao giờ chuyển sang một việc khác.

* Chuyện yêu đương của sinh viên bên ấy?

- Sinh viên tất nhiên bị cấm yêu đương, vì chuyện này đối với Trung Quốc cực kỳ nghiêm túc. Với một diễn viên múa, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến công việc của họ. Tuy nhiên, nói là cấm nhưng tình cảm thì làm sao muốn cấm là cấm được. Chỉ cần mọi người ý thức về chuyện này là tốt rồi. Với tôi, tôi quan niệm là ở tuổi nào thì làm đúng việc của tuổi ấy. Mình hai mươi tuổi thì nên làm những việc của tuổi hai mươi, đến lúc hai sáu, hai bảy, thì mới nên làm những việc của lứa tuổi này. Đừng để tuổi thanh xuân qua đi một cách lãng phí, đếën lúc già rồi, muốn làm việc như lúc trẻ cũng không thể làm được. Người con gái đẹp nhất là trong thời điểm này. Tại sao không làm thật nhiều việc có ý nghĩa, như thế mình sẽ càng đẹp hơn trong mắt mọi người.

* Suốt thời gian qua, bạn đã giải trí thế nào?

Các giải thưởng mà Linh Nga đã đạt được:

- Giải II cuộc thi Múa Dân gian tập thể Hàng Châu - Trung Quốc 2001.
- Giải II cuộc thi Múa Tân Tú Bôi của trường Múa Quảng Đông - Trung Quốc.
- Giải I cuộc thi Múa đôi của trường Múa Quảng Đông - Trung Quốc với tiết mục Đêm hè.
- Giải Diễn viên ưu tú cuộc thi Múa Đào Lý Bôi toàn Trung Quốc.
- Giải Diễn viên xuất sắc các trường Đại học Nghệ thuật Bắc Kinh tháng 4.2005.
- Huy chương vàng cuộc thi Ca múa nhạc Dân tộc toàn Trung Quốc - 2005

- Trong suốt mười năm qua, giải trí duy nhất của tôi là được ngủ và nghe nhạc. Nhà trường ít tổ chức đi chơi nhưng bọn tôi hay được đi lưu diễn và tham quan toàn Trung Quốc. Như thế cũng coi như được đi chơi rồi. Vì nghề của tôi phải vận động tay chân nhiều nên mỗi ngày tập xong là đã quá mệt, chỉ thèm được ngủ. Một ngày rảnh rỗi của tôi sẽ được dùng để ngủ và đi mua đĩa nhạc. Tôi hầu như không còn thú vui nào khác. Sống một mình quen rồi nên tôi hơi sợ sự ồn ào nhộn nhịp.

* Ảnh hưởng của bố mẹ bạn trên con gái?

- Tôi lúc nào cũng lấy bố mẹ ra làm tấm gương. Bố mẹ đã lao động cả một đời không mệt mỏi. Cho đến hôm nay, bố mẹ đã lớn tuổi nhưng vẫn luyện tập và biểu diễn. Tôi thấy mình rất may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trong một gia đình nghệ thuật. Chính điều này khiến tôi quyết định sẽ theo nghề múa đến cùng. Tôi đã được đào tạo ở Trung Quốc, về nhà, bố mẹ mình chính là ngôi trường thứ hai của tôi. Hy vọng sau này trở về nước, tôi sẽ làm được nhiều việc để gánh vác phần nào cho bố mẹ.

* Bạn hy vọng gì ở ngành múa của Việt Nam?

- Tôi hy vọng ngành múa Việt Nam sẽ có thật nhiều diễn viên giỏi. Muốn được như vậy thì phải nỗ lực từ bây giờ. Đừng nên trách móc khán giả sao quay lưng với nghệ thuật múa mà hãy hỏi mình đã làm được gì cho ngành múa. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ về Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp từ con số không. Tôi sẽ biểu diễn hết mình trên sân khấu Việt Nam. Sẽ múa cho đến lúc không còn múa được thì làm giáo viên.

Chỉ mong sức khỏe thật tốt để làm được tất cả những gì mình mong muốn.

Ngô Thị Kim Cúc (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.