Chỉ thay đổi danh xưng?

10/12/2007 00:19 GMT+7

Trong năm 2007, Nhà xuất bản (NXB) Văn hóa - Thông tin và NXB m nhạc phải trở thành công ty TNHH nhà nước một thành viên. Sang năm 2008, một số NXB cũng phải chuyển đổi mô hình...

Đó là nội dung trong Kế hoạch sắp xếp, đổi mới các công ty nhà nước thuộc Bộ VH-TT (cũ) giai đoạn 2007-2009 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng trên thực tế, chưa NXB nào chủ động được lộ trình.   

Bài toán khó

Theo phân tích của một lãnh đạo Cục Xuất bản, việc chuyển đổi từ mô hình doanh nghiệp nhà nước và đơn vị hành chính sự nghiệp có thu sang công ty TNHH nhà nước một thành viên sẽ giúp các NXB chủ động hơn về nguồn vốn, sản xuất kinh doanh. Sẽ có một số việc NXB được quyền tự quyết mà không cần chờ cơ quan chủ quản chấp thuận. Ngoài ra, với cơ chế mới, các NXB còn có thể mở rộng kinh doanh sang các mặt hàng không thuộc lĩnh vực xuất bản. 

Song, cũng theo phân tích của Cục Xuất bản, cái khó là có cơ chế rồi, nhưng để thực thi lại không hề dễ dàng. Bởi lẽ, về bản chất, sự chuyển đổi này buộc các NXB phải chú trọng đến hiệu quả kinh tế. Kinh tế có vững thì mới yên tâm tính đến chuyện làm sách hay, triển khai những đề tài lớn, mà không cần "ăn xổi" theo nhu cầu thị trường. Có điều, lâu nay các NXB đã quen với "bầu sữa" bao cấp. Nhà nước rót vốn; Nhà nước lo cho trụ sở, nhà xưởng, hỗ trợ nhân lực; Nhà nước đầu tư bằng tiền bạc cụ thể, rồi Nhà nước lại đầu tư bằng cơ chế đặt hàng (sách). Trong khi đó, phần lớn các giám đốc NXB đều chưa có kiến thức kinh tế và thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong cơ chế thị trường. Ngay việc kêu gọi nguồn vốn xã hội cũng đã không đơn giản. Vì thế, không phải NXB nào cũng tự chủ được. Mặt khác, bài toán giữa hiệu quả kinh tế và hiệu quả chính trị - xã hội luôn đặt các NXB vào tình thế mâu thuẫn. Được Nhà nước bao cấp nguồn vốn nhưng NXB lại phải tự hạch toán thu chi. Không liên kết với tư nhân thì NXB thậm chí không có cả tiền lương để trả cho đội ngũ nhân sự (vốn luôn cồng kềnh). Mà đã dựa vào tư nhân thì NXB dễ rơi vào thế "chỉ nắm đằng lưỡi, không nắm được chuôi". Thực tế là khó có NXB nào "sống khỏe" nếu không liên kết với tư nhân. 

Liệu có là bình mới, rượu mới?

Thật ra, trước khi có quyết định của Chính phủ, từ năm 2005, NXB Hà Nội đã thực hiện chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, cho đến nay, sau hơn 2 năm trở thành công ty TNHH nhà nước một thành viên trực thuộc UBND TP Hà Nội, hoạt động của NXB Hà Nội cũng không mấy thuận lợi. Vì thực chất, sự chuyển đổi chỉ là thay đổi tên gọi, mọi thứ khác đều... giữ nguyên hiện trạng. Ông Nguyễn Khắc Oánh - Giám đốc NXB Hà Nội giải thích: "Hiện nay, với số vốn 5 tỉ đồng và cơ sở vật chất nhỏ hẹp, NXB Hà Nội rất khó có thể đầu tư mở rộng sản xuất. Cơ chế đã cởi mở, nhưng thị trường, thị phần lại có hạn. Vì thế, muốn chủ động cũng rất khó".

Điều đáng nói là, ngoại trừ một số NXB có số vốn kha khá, còn lại hầu hết NXB, với tiềm lực tài chính hạn hẹp, đều không đủ tự tin để chuyển đổi mô hình, hoặc đã chuyển đổi thì cũng còn nhiều lúng túng. Ông Nguyễn Khắc Oánh cho biết: "NXB cần vốn, nhưng được cấp đủ vốn cũng không phải dễ sử dụng. Trước đây, có ngân hàng ngỏ ý muốn cho NXB vay vốn, nhưng không thấy có lãi nên chúng tôi không dám vay, vì chúng tôi phải chịu trách nhiệm với Nhà nước, với người lao động. Về nguyên tắc, Nhà nước cho phép mở rộng kinh doanh, nhưng thực tế cũng phải tùy thuộc chức năng, nhiệm vụ của NXB chứ không thể làm kinh tế bằng mọi giá. Vì vậy, 2 năm qua, chúng tôi vẫn loanh quanh ở mảng xuất bản sách thôi. Nói là chuyển đổi mô hình, song cũng phải chuyển dần từng bước, theo một lộ trình, chứ không phải đổ bình rượu cũ đi thay ngay bình rượu mới vào là được".

Còn NXB Văn hóa - Thông tin, dù đã nằm trong diện phải chuyển đổi trong năm 2007, song đến tháng 12 này vẫn chưa có bất kỳ kế hoạch nào. "Có lẽ đây chỉ là cách chuyển đổi theo Luật Doanh nghiệp, về hình thức cho đúng luật, chứ NXB Văn hóa - Thông tin khó có thể phát triển hơn được", vị Phó giám đốc NXB này băn khoăn.

Trong khi đó, việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp ở NXB Trẻ,  một trong những NXB có doanh thu lớn nhất Việt Nam, đã được tiến hành từ cuối năm 2006. Nhưng thực ra, từ trước khi chuyển đổi, NXB đã tự chủ được về sản xuất, kinh doanh. Vì thế, "mọi hoạt động của NXB sau khi chuyển đổi vẫn như cũ, tức là sự chuyển đổi, cho đến thời điểm này, vẫn chỉ là thay đổi về mặt danh xưng"- Giám đốc NXB Trẻ Quách Thu Nguyệt cho biết.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.