Ảm đạm... múa

13/12/2007 00:37 GMT+7

Khán giả lác đác, nhiều người đứng dậy ra về giữa xuất diễn, có người ngửa ra ghế chợp mắt... Đó là bức tranh ảm đạm của nghệ thuật múa Việt Nam hiện nay.

Rời sân khấu đi múa...đám cưới

Bước vào Nhà hát TP.HCM xem một chương trình ballet mới thấy rõ toàn cảnh của bức tranh ảm đạm. Khán giả Việt thường quay lưng với nghệ thuật múa cao cấp vì đa phần đều không được trang bị kiến thức đủ để biết thưởng thức; những bài nhạc cổ điển của Tchaikovski, Beethoven hay Johann Strauss cùng bước chuyển nhẹ nhàng trên đầu ngón chân, những cú xoay người đầy công phu và cảm xúc của nghệ sĩ... dường như rất khó lòng nối mạng được với khán giả.

Nhiều nghệ sĩ lớp trước như Đặng Hùng - Vương Linh, Thảo Dung, Mỹ Duyên, Tố Như, Phương Lịch... ở TP.HCM từng tốt nghiệp các lò đào tạo lừng danh thế giới như Trường múa Hàn lâm Vaganova - Leningrad (Nga), Đại học Ballet cổ điển (Nga)... đều chung nỗi ngậm ngùi khi ngoái nhìn một thời vàng son rực rỡ nay đã thuộc về quá khứ. Đa số diễn viên múa thuộc biên chế các đoàn nghệ thuật nhà nước, ngoài lương căn bản sẽ nhận thêm 150 ngàn cho mỗi xuất diễn. Mỗi tháng, trung bình họ nhận từ 3 đến 5 show. Như vậy, thu nhập không quá 2 triệu đồng/người/tháng. Làm sao sống nổi! Vì vậy, nhiều người phải làm thêm nghề khác. Có những sinh viên múa ra trường không tìm được việc làm, đành đi múa ở đám cưới, sinh nhật, hội nghị khách hàng..., hay buộc phải đầu quân vào các vũ đoàn chỉ chuyên múa minh họa cho ca sĩ.

Loay hoay mở lối...

NSND Kim Quy (Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam) cho biết "ngành múa" đã có được một số chuyển biến tích cực. Mỗi tháng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM đều có 2 xuất diễn nhạc cổ điển, giao hưởng và múa. Các show diễn đều có khán giả, với múa ballet thì khán giả nước ngoài khá đông. Bà cho rằng, đây là một tín hiệu lạc quan. 

Chi phí đầu tư dàn dựng một tiết mục múa đạt chuẩn (thời lượng 5 đến 8 phút) là từ 50 đến 80 triệu đồng, chưa tính tiền cát-sê diễn viên. Những vở đặc biệt như Chuyện tình non sông (biên đạo NSND Việt Cường, NSND Kim Quy) đoạt giải A của Hội Nghệ sĩ múa VN năm 2006, có kinh phí đến 600 triệu đồng... Do chi phí cao như vậy, chỉ  những đoàn nghệ thuật nhà nước được ngân sách bù lỗ mới có thể cho ra đời. Còn lại thì những bầu show, công ty tổ chức biểu diễn của hầu hết các chương trình ca nhạc hoành tráng hiện nay đều gạt phắt cả múa cổ điển, bán cổ điển lẫn múa hiện đại ra khỏi danh sách, vì họ biết chắc rằng, thu sẽ không đủ bù chi.
Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen đã tuyển 10 diễn viên múa gửi sang Trung Quốc tu nghiệp trong 6 năm, cử thêm 6 diễn viên khác học về nhạc cụ dân tộc cũng tại Trung Quốc. Một số đoàn nghệ thuật còn liên kết với đại sứ quán các nước hợp tác cùng Nhạc viện Hà Nội và TP.HCM dàn dựng nhiều tiết mục múa cổ điển với hàng trăm diễn viên. Đây là cơ hội tốt cho diễn viên Việt Nam được tiếp cận kỹ thuật múa hiện đại cũng như khả năng thể hiện thanh nhạc...

Những người tâm huyết với nghệ thuật múa đang loay hoay tìm "lối ra", nhưng với những gì đạt được còn quá khiêm tốn.

 Để khán giả đừng quay lưng với nghệ thuật múa, những người hoạt động chuyên nghiệp cần thay đổi cách dàn dựng, nghệ thuật múa phải mang hơi thở cuộc sống, gần gụi trong cảm xúc người xem. Về lâu dài, cần nâng cao trình độ văn hóa và khả năng thẩm định nghệ thuật của khán giả thông qua một chương trình học xuyên suốt từ bậc phổ thông. Được như thế mới hy vọng không còn cảnh khán giả Việt chỉ lác đác đi xem ballet khi  có vé mời và khi vào đó, nghe nhạc Chopin thì lại... ngủ!

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.