Kỳ 1: Phòng thủ và phản công
Việc Mỹ mở chiến dịch Linebacker II tấn công miền Bắc hoàn toàn không có sự bất ngờ nào với ta. Năm 1964, ngay từ khi Mỹ bắt đầu sử dụng pháo đài bay B.52 trên chiến trường miền Nam, ta đã bắt đầu nghiên cứu, đánh giá tình hình và kết luận rằng Mỹ sẽ sử dụng loại vũ khí chiến lược này để tấn công miền Bắc trong những thời điểm lịch sử. Năm 1965, Bác Hồ đã nhận định rằng không sớm thì muộn Mỹ cũng sẽ tấn công Hà Nội bằng B.52 và đây sẽ là trận đánh cuối cùng quyết định sự thua trận của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Pháo đài bay B.52 là loại máy bay ném bom chiến lược của không quân Mỹ, đã được đưa vào sử dụng từ năm 1952, B.52 có thể sử dụng trong 4 dạng chiến tranh như: chiến tranh hạt nhân chiến lược, hạt nhân chiến trường, chiến tranh thông thường và chiến tranh cục bộ. Đây là loại máy bay ưu việt, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay và ném bom thẳng đứng từ độ cao mắt thường không thể nhìn thấy được (9.000m - 15.000m), có thể mang được 30 tấn bom (B.52D), được bảo vệ tối đa bằng nhiều tốp máy bay chiến thuật F.4, F.111 trong mỗi chuyến oanh tạc.
Trước tình hình này, tháng 5.1966, theo chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu của ta, Quân chủng Phòng không - Không quân đã bố trí nhiều đoàn công tác đặc biệt và một trung đoàn tên lửa cơ động phục kích tại chiến trường Vĩnh Linh để nghiên cứu quy luật hoạt động, cách bố trí đội hình, các tốp máy bay tiêm kích bảo vệ… để tìm ra phương thức đánh B.52. Những tổng kết sơ bộ ban đầu này được xử lý báo cáo ngay về Hà Nội để các đơn vị liên quan nghiên cứu, luyện tập và lập phương án đối phó. Đầu năm 1967, ta được biết Mỹ đã nâng cấp sân bay quân sự U - Tapao (Thái Lan) để phục vụ B.52, đây là tín hiệu cảnh báo cho thấy Mỹ sẽ sử dụng B.52 để tấn công miền Bắc trong thời gian tới.
Tháng 2.1968, trong khi quân dân miền Nam đang dồn sức mở cuộc tấn công và nổi dậy Mậu Thân thì Quân chủng Phòng không - Không quân đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tác chiến chống cuộc không kích bằng B.52 của Mỹ vào Hà Nội dựa trên cơ sở báo cáo kinh nghiệm của đoàn công tác tại Vĩnh Linh mang ra. Tháng 1.1969, ta đã hoàn thành bản "Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B.52" và tổ chức triển khai tại các đơn vị chiến đấu. Sau đó, nhiều trung đoàn tên lửa và phân đội máy bay tiêm kích đã được bố trí chiến đấu tại Quân khu 4 để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh bản dự thảo. Tháng 9.1972, bản Kế hoạch đánh B.52 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được cơ bản hoàn chỉnh với yêu cầu cao nhất là chủ động đánh bại bằng được các cuộc không kích của Mỹ (kể cả B.52) vào Hà Nội, Hải Phòng.
Trong thời gian này, Mỹ đã bắt đầu sử dụng B.52 đánh phá miền Bắc với quy mô và tần số mỗi ngày một khốc liệt hơn từ năm 1966. Theo cuốn The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam, xuất bản tại Mỹ năm 1989) thì đến tháng 6.1969, đã có tới 5.567 lượt máy bay B.52 thường xuyên đánh phá tuyến đường mòn Hồ Chí Minh ở Nam Lào, tăng gần 1.200 lượt so với năm 1968. Còn theo thống kê của ta thì trong thời gian từ tháng 10.1969 đến tháng 1.1970, 672 lượt máy bay B.52 đã ném khoảng 72.000 quả bom xuống các tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, trung bình mỗi ngày người Mỹ phải bỏ ra khoảng 1 triệu USD tiêu tốn cho các cuộc không kích bằng B.52 tại Việt Nam. Ngày 16.4.1972, Mỹ đã sử dụng 20 lượt B.52 và 170 lượt máy bay cường kích rải thảm, ném hàng trăm tấn bom tàn phá phân nửa thành phố Hải Phòng mà không hề có sự tổn thất nào với B.52. Do vậy, nhiều quan chức quân sự Mỹ cho rằng nếu sử dụng B.52, người Mỹ có thể đánh bại mọi kháng cự của quân dân Việt Nam trong cuộc chiến này.
Đến tháng 11.1972, tình hình chiến trường miền Nam và cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ tại miền Bắc càng trở nên khốc liệt hơn với những hành động phiêu lưu quân sự mới của Tổng thống Mỹ R.Nixon. Trong tháng này, Mỹ đã đưa vào miền Nam hơn 600 máy bay, số phi vụ B.52 ném bom miền Bắc tăng lên 786 lượt (so với 366 lượt vào tháng 9.1972). Do vậy, sau khi phân tích tổng hợp tình hình này với những nguồn tin khác từ các chiến trường, Bộ Tổng tham mưu đã triển khai kế hoạch tác chiến chuẩn bị đánh trả các cuộc không kích mới sử dụng B.52 của Mỹ để bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và những thành phố khác.
Theo tạp chí Air Force (Mỹ) thì đến thời điểm này, miền Bắc đã tích cực xây dựng và củng cố lực lượng phòng không, không quân với khoảng 180 máy bay MiG, 2.300 tên lửa đất đối không (SAM) do Liên Xô cung cấp và có một hệ thống pháo phòng không hết sức dày đặc. Còn theo số liệu của Bộ Quốc phòng thì ta đã bố trí một hệ thống phòng không mạnh gồm sư đoàn phòng không 361 gồm 2 trung đoàn tên lửa và 5 trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội và tăng cường trung đoàn tên lửa 274 từ chiến trường ra. Sư đoàn phòng không 363 gồm 2 trung đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ có nhiệm vụ bảo vệ Hải Phòng, sư đoàn phòng không 365 có nhiệm vụ bảo vệ các tuyến vận tải từ Thanh Hóa, Nghệ An trở vào. Lực lượng không quân gồm các trung đoàn 921, 923 và 927 được giao nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Thủ đô. Bên cạnh đó, các trạm ra đa cũng được bố trí thành một mạng lưới liên hoàn tại nhiều địa điểm địch không thể ngờ tới đảm bảo phát hiện được máy bay Mỹ từ xa. Hà Nội cũng bố trí thêm 8 đại đội pháo cao xạ 100, 550 súng máy cao xạ và hơn 700 súng trung liên, đại liên trên sân thượng các nhà cao tầng tại các khu vực trọng điểm để sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ.
Đêm 22.11.1972, trung đoàn tên lửa 263 tại Nghệ An đã phóng 4 tên lửa, diệt 2 máy bay B.52 của Mỹ. Thắng lợi này đã khẳng định phương pháp nghiên cứu, tiếp cận và cách đánh B.52 ban đầu của ta đã có hiệu quả. Kinh nghiệm của trung đoàn 263 đã được đánh giá, tổng kết ngay lập tức để phổ biến đến các đơn vị chiến đấu. Ngày 24.11, bản Kế hoạch đánh trả B.52 của Quân chủng Phòng không - Không quân đã được chính thức thông qua lần cuối sau nhiều lần được bổ sung, hoàn chỉnh. Ngay sau đó, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị Quân chủng Phòng không - Không quân phải chuẩn bị xong mọi điều kiện về vật chất, tinh thần để sẵn sàng chiến đấu kể từ 3.12.1972. Đây cũng chính là thời điểm đồng chí Lê Đức Thọ sẽ lên đường đi Paris gặp cố vấn Mỹ H.Kissinger để tìm cách tháo gỡ những bất đồng giữa ta và Mỹ trong việc ký kết Hiệp định Paris. Đồng thời, nhân dân Thủ đô cũng được lệnh sơ tán khỏi các khu vực trọng điểm mà máy bay Mỹ có thể đánh phá. Sau 6 năm chuẩn bị, Hà Nội và miền Bắc đã sẵn sàng chống trả cuộc không kích khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại của người Mỹ tại Việt Nam.
Hiếu Lê (còn tiếp)
Bình luận (0)