Không chỉ có giới học sinh, sinh viên mà còn có rất nhiều bạn trẻ đã ra trường và có việc làm cùng chơi bóng. Không hẹn mà gặp, Quang Hồng, cựu sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM cùng Anh Tuấn, Nguyễn Nam, Văn Cương, Anh Phúc đã họp thành đội bóng đá (mỗi đội thường 5 người) để mỗi chiều chủ nhật cùng tả xung hữu đột với các đội bóng khác ở các sân tại Công viên Gia Định. "Đá bóng ở đây không tốn tiền thuê sân và vui nên tụi mình chơi bóng ở đây cả năm rồi", Anh Tuấn tâm sự.
Với những bạn trẻ không có đội thì chỉ cần đến sân, tập hợp được năm người thì sẽ có quyền được đá bóng theo luật "thua ra, thắng ở lại". Trang phục của các đội bóng ở đây là tự chọn. Một cầu thủ vừa mới được thay ra đang thở hổn hển. "Áo quần lộn xộn thế này làm sao biết phe ta phe địch mà chuyền bóng?" - tôi hỏi. Văn Minh trả lời mà mắt vẫn không rời pha bóng trên sân: "Thì phải nhìn... mặt mà chuyền chứ, đội tụi tui cùng làm chung một xưởng cơ khí, còn tụi nó là bên nhà máy in". Đa số các đội bóng ở đây, đội nào đá thua phải mua một xô nước trà đá khoảng 4 - 5 ngàn đồng cho cả hai đội cùng uống.
Có hàng chục sân bóng đá tự phát tại Công viên Gia Định nhưng cũng không thể nào đáp ứng nhu cầu của hàng trăm bạn trẻ. Vào những ngày cuối tuần thì các sân bóng ở đây rơi vào tình trạng quá tải. Hàng trăm bạn trẻ chực chờ đến lượt đội mình bên ngoài các sân. "Những ngày cao điểm, từ tinh mơ đến tối mịt đến đây đều thấy các đội bóng thư hùng với nhau"- Cường, sinh viên trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho biết.
Nhu cầu chơi các môn thể thao, đặc biệt là bóng đá nhằm rèn luyện thân thể đối với các bạn trẻ sống trong nội thành vốn rất lớn. Nhìn các bạn trẻ với quần đủ màu, áo đủ số mải mê tranh bóng bên cạnh những vật liệu ngổn ngang phục vụ dự án cải tạo, chỉnh trang Công viên Gia Định, chúng tôi không khỏi phân vân: "Rồi đây các bạn trẻ thu nhập thấp, thích chơi bóng sẽ chơi ở đâu khi Công viên Gia Định xây dựng xong?".
Kiên Cường
Bình luận (0)