Con tôi đang học trung học cơ sở. Cháu thường hay kể chuyện trường lớp với gia đình, xen lẫn trong đó có chuyện về những hành vi không trung thực trong học tập (tất nhiên, học trò thời nào chả thế), và bày tỏ sự bất bình khi sự không trung thực ấy được "thừa nhận" - điểm số của những bạn có gian lận trong thi cử, kiểm tra thường ngang bằng, thậm chí hơn những bạn thực sự chăm chỉ và có thực lực.
Chúng tôi giải thích với cháu rằng điều ấy không bền, những người không có kiến thức thực sự thì khi ra "sân chơi lớn" như những kỳ thi chung của toàn trường, toàn địa phương, toàn quốc chắc chắn sẽ được đánh giá đúng thực lực, khi điều kiện để gian lận không còn hoặc khi sự gian lận bị phát hiện. Hơn nữa, những người "mượn" kiến thức của người khác thì không thể nào đủ khả năng để giải quyết công việc khi tự mình phải đảm đương... Cháu nghe, nhưng chưa thỏa mãn, tất nhiên, vì sự bất công vẫn còn tồn tại (biết đến bao giờ chuyện gian lận trong thi cử mới bị triệt tiêu hoàn toàn ?).
Trở lại vấn đề nêu ở đầu bài, quay cóp là hành vi bị cấm trong nội quy nhà trường, điều này ai cũng biết. Ngoài ra, trong những câu chuyện ngoài lề, nhiều thầy cô cũng khuyên học sinh không nên cho bạn chép bài. Về mặt này, con tôi chắc là một học sinh nghiêm túc. Nhưng chính vì sự nghiêm túc này của con mà tôi đâm lo. Ứng xử thế nào đây khi có bạn đề nghị cho chép bài? Nếu đã làm xong rồi mà nói chưa xong thì chẳng phải đã nói dối sao? Chỉ cách làm không đúng thì còn tệ hơn nữa. Nhưng từ chối thẳng thừng, rằng không cho chép, liệu có ổn không?
Chưa nói đến những câu chuyện truyền tai nhau, chỉ qua những trường hợp người thực việc thực mà báo chí đã đưa tin thôi, bao bậc phụ huynh đã thường xuyên thấp thỏm không yên về tình trạng bạo lực trong nhà trường, về những cách xử sự mang màu sắc của sự trả thù giữa học sinh với nhau. Phải khuyên con thế nào đây về tình huống nêu trên? Chắc chắn không thể là chỉ cách làm sai cho bạn rồi, sao có thể đã không giúp lại còn hại bạn! Từ chối thẳng thừng - cách này, về lý thuyết thì đúng một trăm phần trăm, nhưng hiện thực làm cho tôi băn khoăn quá. Ai dám đảm bảo rằng vì sự nghiêm túc và trung thực này mà cháu không trở thành đối tượng của sự trả thù, của những trận đòn tập thể (vì làm sao có thể tin những học sinh cần sự giúp đỡ trong thi cử kiểu ấy là những người có nhận thức đúng đắn được)? Vậy, để "an toàn", chắc chỉ còn cách khuyên cháu nên… nói dối: từ chối bằng cách nói chưa làm xong. Nhưng, như vậy chẳng hóa ra dạy con cách không trung thực sao?
Vẫn biết rằng trong ứng xử cuộc sống, đôi khi sự nói dối là cần thiết ở một thời điểm nhất định, khi nó mang lại lợi ích cho cả hai phía - người nói và người nghe. Trường hợp này là một ví dụ: nói dối bạn như vậy vừa "an toàn" cho mình, vừa để (hy vọng) bạn thấy không thể nhận được sự "viện trợ" nên phải "tự thân vận động". Tuy nhiên, đã là không trung thực thì chắc cũng chẳng ai cho rằng nên khuyến khích, nhất là đối với lứa tuổi học sinh - đang hình thành nhân cách.
Xin gửi nỗi băn khoăn này đến quý thầy cô, đến các bậc phụ huynh, đến cả các cháu học sinh, mong được giúp đỡ để có thể giáo dục con cái sống trung thực, không phải nói dối, dù đó là sự nói dối mang lại lợi ích nhất thời.
K.H
Bình luận (0)