Phim tài liệu Tù binh ở Hà Nội - Hilton: Chiến tranh Việt Nam từ góc nhìn của một người Pháp

22/12/2007 00:41 GMT+7

Bộ phim tài liệu Tù binh ở Hà Nội - Hilton của đạo diễn người Pháp Daniel Roussel đã được Đài truyền hình Việt Nam mua bản quyền, và sẽ phát sóng lúc 21 giờ 10 ngày 26.12 trên VTV1.

Dài 60 phút, đan xen giữa hồi tưởng và thực tại, phim kể về những vị khách không mời của Hà Nội - những phi công Mỹ, những người đã ném bom làm chết rất nhiều thường dân thủ đô vào mùa đông năm 1972. Thế nhưng khi bị bắt giam ở Hỏa Lò (thường gọi là "khách sạn Hilton"), họ vẫn được phía Việt Nam đối xử tốt. Khẩu phần ăn của những người lính Mỹ như đại úy Bean, trung tá John Harry Yole còn hơn cả khẩu phần của người dân Việt Nam hồi ấy. Họ vẫn được chơi bóng, được đánh đàn, vui chơi và ca hát trong khi đồng đội của họ, quân lực Mỹ, vẫn điên cuồng rải bom trên bầu trời Hà Nội. Chiến tranh kết thúc. 16 năm sau, đại úy Bean, khi đã trở thành kỹ sư máy tính, vẫn còn ám ảnh: "Thật khó khăn khi phải làm nhiệm vụ ném bom một đất nước. Cũng thật khó khăn khi phải đối mặt với những người mà mình vừa ném bom vào người thân của họ. Ban đầu, mục tiêu của chúng tôi chỉ là đánh phá các địa điểm quân sự, nhưng thật khó lòng để nói rằng không có thường dân nào bị chết... Lúc đó, chúng tôi đã gần như không biết gì về nguyên nhân cuộc chiến, cũng như về chính sách của đất nước chúng tôi. Chúng tôi chỉ làm theo lệnh cấp trên. Chúng tôi thực sự không biết gì". Còn trung tá John Harry Yole, một tù binh Mỹ năm 1972, thì không giấu nổi sự kinh hoàng: "Đêm 26.12.1972, dưới hầm trú ẩn của quân đội Việt Nam, tôi đã bịt chặt hai tai để không phải nghe tiếng nổ của bom B52. Tôi tự hỏi cuộc đời mình không biết sẽ thế nào. Thế mà trước đó, chính tôi đã bay trên những căn nhà này, đã ném bom xuống. Không biết đêm nay tôi có chết vì bom của chính đồng đội mình hay không".

Đạo diễn Daniel Roussel đã trao đổi với báo giới trong buổi họp báo giới thiệu phim.

* Phóng viên (PV) Thanh Niên: Một người Pháp, làm phim về chiến tranh Việt Nam, và lại muốn chiếu ở Việt Nam, vậy mục đích của ông là gì khi công chiếu những thước phim này?

- Thật ra, tôi làm phim này chủ yếu hướng tới đối tượng công chúng Mỹ và thế giới phương Tây. Nhân vật trung tâm trong phim là các tù binh Mỹ và kết thúc phim là cảnh bức tường ở Washington có khắc tên 58.000 tù binh Mỹ tử trận. Phim cũng đã được chiếu ở Mỹ và một số nước phương Tây. Vì vậy, tôi nghĩ bây giờ là lúc nên chiếu cho người Việt Nam xem.

* PV Thanh Niên: Trong những thước phim của ông có phải tất cả là sự thật ?

- Phim là sự thật 100%, kể cả những thước phim tài liệu tôi sử dụng của Điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ đó (1967 - 1973). Tất cả mọi chi tiết đều là thật. Tôi luôn cố gắng giữ thái độ khách quan. Nếu tôi là phóng viên Việt Nam thì tôi sẽ không hỏi ông Nguyễn Văn Phương (phụ trách tù binh ở Hỏa Lò) là các ông có tra tấn tù binh Mỹ không. Nhưng vì tôi đứng ở góc độ người nước ngoài nên tôi có thể hỏi thẳng phía Việt Nam những câu mà người trong cuộc không hỏi. Ví dụ, tôi đã hỏi phía Việt Nam rằng Việt Nam có giấu tù binh Mỹ hay không, và hỏi trung tá John Harry Yole khi ông này đã về Mỹ, đã có con cái, và đang sống hạnh phúc, rằng: "Bây giờ, khi các con cháu của ông đang vui chơi thế này, nếu ai đó ném bom xuống đầu chúng thì phản ứng của ông ra sao?". Tất nhiên, tôi không chịu trách nhiệm về câu trả lời, nhưng trách nhiệm của tôi là phải đặt ra những câu hỏi tốt nhất để có thể tiếp cận gần nhất với sự thật.

* PV Thanh Niên: Ông tiếp cận với 2 nhân vật là đại úy Bean và trung tá John Harry Yole để họ phát biểu cảm nghĩ sau 16 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam. Hai phi công ấy có thể đại diện cho những người lính Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam ?

- Sự thực là tôi chỉ muốn đi tìm sự thật và công bố sự thật. Về hai người lính Mỹ, tôi không thể khẳng định là họ có thể đại diện hay không đại diện cho những người lính Mỹ. Nhưng khi làm phim, tôi chỉ tìm được hai người này, và họ đã chịu nói trước ống kính những điều mà họ nghĩ chứ không phải những gì tôi gợi ý.

* PV Tuổi Trẻ: Cảnh hai tù binh Mỹ chạy xuống hầm trú ẩn khi nghe còi báo động có máy bay B52 và cảnh tù binh Mỹ vui chơi trong trại giam có phải là cảnh dàn dựng có chủ ý để tuyên truyền không? Đó có phải là hình ảnh được quay tại chỗ không?

- Theo tôi, cũng có một số hình ảnh tuyên truyền, vì lúc đó đang là chiến tranh. Ví dụ, trong tư liệu tôi mua lại của Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam có cảnh một tù binh Mỹ bị cô dân quân áp giải trên cầu Long Biên, rồi bị cô gái ấn đầu xuống để nhìn những đổ nát do Mỹ gây ra thì đó là hình ảnh có chủ ý rõ ràng. Nhưng trong sự tuyên truyền ấy cũng có sự thật là cảnh đổ nát do chiến tranh gây ra. Bạn hỏi "có phải là hình ảnh được quay tại chỗ" không thì tôi nghĩ đó là những hình ảnh thật, được quay vào đúng lúc ấy. Cảnh hai tù binh Mỹ đã nhảy xuống hầm là có thật, nhưng lúc ấy có máy bay B52 của Mỹ hay không thì tôi không biết, ngoại trừ nỗi sợ hãi của họ. Qua những hình ảnh đó, tôi chỉ muốn nói là những cường quốc lớn cũng có những nỗi sợ hãi. Như vậy tức là tôi cũng có chủ ý tuyên truyền (cười).

* PV Thanh Niên: Mức độ hài lòng của ông với bộ phim này? Nếu được làm lại thì ông sẽ thay đổi thế nào?

- Tôi rất hài lòng về Tù binh ở Hà Nội - Hilton. Bây giờ, vào thời điểm này, năm 2007, nhưng nếu được làm lại thì tôi vẫn sẽ làm như năm 1991.

Đạo diễn Daniel Roussel từng là phóng viên báo Nhân đạo (Pháp) thường trú tại Việt Nam năm 1980-1986. Daniel đã làm nhiều phim tài liệu về Việt Nam như Cuộc chiến giữa hổ và voi với nhân vật chính là đại tướng Võ Nguyên Giáp, Những người lính mất tích kể về những người lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, và Tù binh ở Hà Nội - Hilton... Daniel đang ấp ủ dự định làm phim về những người lính Việt Nam mất tích trong chiến tranh chống Mỹ và một phim khác về những người lính quay phim của điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam trong chiến tranh.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.