"Chất xám" Việt kiều thiếu "thảm đỏ"

28/12/2007 23:58 GMT+7

Để thu hút trí thức Việt kiều cần có thứ thảm đỏ "dệt" bằng cơ chế thông thoáng, bằng những cầu nối giao lưu và những dự án cụ thể...

Đó là những vấn đề chính được nêu ra tại hội thảo "Phát huy nguồn lực trí thức Việt kiều đóng góp vào Công cuộc phát triển TP.HCM" do Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức ngày 28.12.

Cần đơn giản các thủ tục

Dù đã nhiều lần các Việt kiều, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài, các doanh nghiệp... đề nghị làm thế nào để đơn giản hơn những thủ tục về đi lại và cư  trú cho Việt kiều khi trở về Việt Nam nhưng đến nay, kết quả vẫn chưa nhiều. Tiến sĩ (TS) Nguyễn Quốc Vọng - Việt kiều Úc - cho rằng quá trình thủ tục làm hồ sơ quá nhiêu khê. Điều này dễ làm nản lòng những Việt kiều, nhất là những người thường xuyên bận rộn, không có nhiều thời gian. Do đó việc cải cách hành chính, tạo sự cởi mở thông thoáng là điều cần phải làm trước tiên. Đồng quan điểm trên, TS Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, cũng cho biết trung tâm rất cần các chuyên gia Việt kiều về tham gia làm việc, thế nhưng đến nay, Trung tâm chỉ mới có một chuyên gia Việt kiều. "Mỗi lần làm thủ tục xin tuyển người rất khó khăn, nhất là đối với chuyên gia Việt kiều. Ít nhất phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới xong các thủ tục đó. Hồ sơ tuyển dụng này đi lòng vòng qua các cơ quan ban ngành của thành phố nên riết rồi chúng tôi cũng mệt, không muốn xin nữa", TS Dương Hoa Xô nói.


Chuyên gia Việt kiều trình bày tham luận tại hội thảo - ảnh: D.Đ.M
TS Trần Hà Anh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khoa học và Kỹ thuật người Việt Nam ở nước ngoài thì nhấn mạnh đến việc các tổ chức quản lý về công tác Việt kiều đều chưa đủ mạnh, nhân lực và điều kiện, phương tiện làm việc còn hạn chế và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan này. "Chúng ta phải sớm giải quyết được các vấn đề liên quan đến nhà đất, cư trú, đi lại... hiệån đang là những vấn đề bức xúc chung của kiều bào. Nhà nước cần tích cực xúc tiến cải cách nền hành chính quốc gia bao gồm cải tổ luật pháp và nâng cao phẩm chất, năng lực cán bộ để đơn giản hóa và thu ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho bà con", TS Trần Hà Anh nói.

Để đơn giản hóa các thủ tục, vấn đề quan trọng - theo nhiều chuyên gia - là phải tổ chức cơ quan đầu mối tập trung tiếp nhận, giải quyết, đáp ứng các nguyện vọng của bà con Việt kiều. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin chính thống, thành lập cơ sở dữ liệu về Việt kiều, tạo điều kiện pháp lý để tháo gỡ những rào cản về tâm lý, xã hội, hành chính đối với Việt kiều, giúp họ hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng trong nước...

Trí thức Việt kiều cần "có đất dụng võ"

TSKH Nguyễn Ngọc Trân - nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội - cho rằng: "Chính sách tận dụng nguồn lực Việt kiều đã được ban hành cách nay hơn 10 năm. Tuy nhiên, các chính sách này dường như vẫn chưa đi vào cuộc sống do chúng ta nói nhiều làm ít. Vì vậy hiệu quả hoàn toàn chưa đạt được như mong muốn".

Kỹ sư Lương Tuấn Anh - trường Đại học Princeton (Mỹ) - đưa ra 3 nguyên nhân chính khiến cho việc thu hút chuyên gia Việt kiều chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đó là đồng lương không cạnh tranh so với nước ngoài; điều kiện làm việc không phù hợp; phải thay đổi chỗ ở. "Theo tôi, đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc các chuyên gia Việt kiều còn ngần ngại khi quyết định về nước làm việc. Nhất là việc thay đổi chỗ ở không phải là điều dễ dàng khi họ còn có gia đình", kỹ sư Lương Tuấn Anh nói. Ông đề nghị Nhà nước phải có những yêu cầu hết sức cụ thể để kêu gọi Việt kiều về nước. Ví dụ như Nhà nước cần phát triển nghề chế biến nông sản để xuất khẩu phải cần bao nhiêu nhân lực (không phân biệt trong nước hay ngoài nước) trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển công nghệ bảo quản thực phẩm, phải thực hiện trong thời gian bao lâu. Nguồn lợi của chính sách này phải được tính toán cụ thể để có thể đem ra so sánh với chi phí thu hút Việt kiều về tham gia.

Nhà nước phải vạch ra chính sách cụ thể về yêu cầu cho chuyên gia Việt kiều cũng như đưa ra quyền lợi về thu nhập, điều kiện làm việc. "Việc công khai hóa và không hạn chế sự kêu gọi chuyên gia trong nước cũng góp phần làm hạn chế những thắc mắc về chênh lệch thu nhập", ông Lương Tuấn Anh nói. Ông Nguyễn Hữu Lệ - Việt kiều Canada - cho rằng cần phải có những dự án lớn mang tầm vóc quốc gia. Khi đó, chúng ta sẽ huy động được nguồn lực chất xám. Ông Nguyễn Hữu Lệ đề nghị: "Ngoài việc kêu gọi chuyên gia Việt kiều tham gia thực hiện, Nhà nước cũng nên mạnh dạn tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia quản lý các dự án đó nữa". Nhiều chuyên gia Việt kiều cho biết họ không cần được trọng đãi nhưng phải được nhận thù lao theo cơ chế thị trường hoặc theo sự thỏa thuận căn cứ trên khối lượng, chất lượng và hiệu quả đóng góp. Thậm chí nhiều Việt kiều sẵn sàng trở về với tư thế "sống nhà thuê, đi xe máy" để đóng góp cho công cuộc phát triển của đất nước. Điều quan trọng nhất là họ cảm thấy được trọng dụng và "có đất dụng võ".

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.