Báo cháy bằng internet

03/01/2008 23:15 GMT+7

Các vụ cháy sẽ được ngăn chặn nhờ internet và thiết bị đặc dụng. Đó là mục đích đề tài nghiên cứu của Bùi Tiến Dũng (ĐH Bách khoa TP.HCM).

Dự báo cháy ở khu dân cư

Theo đề tài "Hệ thống dự báo cháy" của Dũng thì quy trình dự báo cháy ở các khu dân cư, khu công nghiệp... khá đơn giản. Trước hết, phải cài đặt bộ cảm biến tại vị trí cần theo dõi "bà hỏa". Trên bộ cảm biến này có cài đặt một địa chỉ mạng. Thông qua internet và địa chỉ mạng nói trên, người giám sát sẽ cập nhật được những thông tin được truyền về từ bộ cảm biến. Tùy theo yêu cầu của khách hàng, bộ cảm biến sẽ thu thập và "báo cáo" các thông số về khói, nồng độ khí gas hoặc nhiệt độ, độ ẩm... ở hiện trường. Kết hợp với chương trình phân tích dữ liệu được cài sẵn, người giám sát sẽ biết được vị trí cần theo dõi đang ở cấp độ an toàn hay nguy hiểm. Nhờ vậy, họ sẽ chủ động đối phó, thậm chí cắt đứt những "cuộc viếng thăm" của "bà hỏa". Dũng cho hay, bộ cảm biến này tiêu tốn rất ít năng lượng và có thể tận dụng từ năng lượng mặt trời, sức gió... để "nuôi" nó trong một thời gian dài.


Sơ đồ dự báo cháy thông qua internet
"Hiện nay, nhiều người dân đã lắp đặt internet. Internet không dây rất phổ biến ở các thành phố lớn nên người ta dễ dàng theo dõi và điều khiển hệ thống báo cháy từ xa" - Dũng khẳng định. Chàng trai này tỏ ra khá tự tin khi "chào mời" ý tưởng dự báo cháy ở khu dân cư: "Nếu một nhà máy, hay trung tâm thương mại nào đó muốn xây dựng hệ thống báo cháy này, tôi sẽ cung cấp cho họ bộ giám sát cũng như bộ phần mềm, đồng thời hướng dẫn sử dụng chúng. Tôi sẽ cung cấp trọn gói giải pháp chống cháy!". Tuy nhiên, điều khiến sinh viên này "đau đầu" là chưa biết tìm đâu ra nguồn đầu tư để hoàn chỉnh sản phẩm...

Trị “bà hỏa” ở rừng

Không chỉ hướng đến việc báo cháy cho khu dân cư, khu công nghiệp, Bùi Tiến Dũng còn có tham vọng dự báo cháy ở các khu rừng xa. Dũng cho biết, ba Dũng có nhiều năm làm trong ngành lâm nghiệp. Tới mùa khô, ông cứ xách bình chữa cháy chạy le te trong những cánh rừng nhân tạo và xịt bừa vào những điểm ông nghi ngờ có thể phát cháy. Thế nhưng, một số cánh rừng vẫn bốc cháy trước sự bàng hoàng của những người trồng rừng. Suốt 5 năm trời sống ở thành thị, ký ức về người cha, về những khu rừng xa vẫn cứ ám ảnh chàng sinh viên chuyên ngành Cơ điện tử, khoa Cơ khí này. "Tôi đã thử tìm kiếm trên Google nhưng hầu như không có tài liệu nào nói về dự báo cháy rừng tại Việt Nam. Trong khi đó, ai cũng biết hiểm họa cháy rừng rất cao, thiệt hại do cháy rừng rất lớn và lâu dài. Rõ ràng, nhu cầu về hệ thống báo cháy rừng là rất cấp bách!" - Dũng bộc bạch. Cho đến một ngày, Dũng mày mò "tác hợp" bộ cảm biến với internet thành hệ thống dự báo cháy.

Cái tên đầu tiên Dũng đặt cho đề tài nghiên cứu này là Hệ thống dự báo - báo cháy rừng. Thế nhưng, việc phủ mạng internet ở các cánh rừng xa vẫn còn là... chuyện viển vông! Trước thực tế này, Dũng đành điều chỉnh đề tài theo hướng tập trung dự báo cháy ở khu dân cư, khu công nghiệp. Còn phần dự báo cháy rừng, Dũng thực hiện theo hướng gợi mở và đề xuất có thể dùng sóng vô tuyến ở các trạm truyền phát sóng (nếu các công ty viễn thông chấp thuận!) để thay thế internet. "Tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện đề tài này, nhất là về tài chính, tài liệu hỗ trợ trực tiếp... Mặc dù còn nhiều thiếu sót nhưng tôi hy vọng đây sẽ là bước khởi động cho lĩnh vực còn mới mẻ này" - Dũng tâm sự.

Được biết, cùng với 57 công trình khác, đề tài của Bùi Tiến Dũng đã lọt vào vòng chung kết giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học - Euréka lần 9 năm 2007. Theo Ban tổ chức, kết quả chung cuộc sẽ được "bật mí" trong tháng 1.2008.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.