Hoàng Sa và Trường Sa, mảnh đất thiêng của Việt Nam

04/01/2008 00:20 GMT+7

Kỳ cuối: Bằng chứng chủ quyền rõ ràng Việc tùy tiện gán ghép địa danh Tây Sa cũng như Nam Sa như đã trình bày trong những số báo kỳ trước càng quá rõ ràng khi chúng ta phát hiện tài liệu của Trung Quốc được sưu tầm trong Bộ sưu tập sử liệu:

Nam Hải Chư Đảo Sử Liệu Hội Biên của nhóm Hàn Chấn Hoa; đã xác định rõ ràng vị trí của Vạn Lý Trường Sa  như sách Quảng Đông Đồ Chí của Mao Hồng Tân chép Vạn Lý Trường Sa thuộc Việt Hải (ở ngoài biển có huyện Quỳnh Châu...) càng chia ra nhiều đảo nhánh, đảo lớn nhỏ lô nhô, có nhiều bãi ngầm, đá ngầm, càng hiểm trở  đó là Vạn Lý Trường Sa. Đây là những tên cửa biển Việt (Quảng Đông) từ Đông Vạn Châu đến tận Nam Áo (sách Quảng Đông Đồ Chí, khắc bản Đồng Trị 5 (1860), quyển 67, phủ Quỳnh Châu, tr.3).

Sách Quỳnh Châu Phủ Chí  của Minh Nghi, sách Nhai Châu Chí của Chung Nguyên Đệ, sách Cảm n Huyện Chí của Chu Văn Hải  cũng ghi Thiên Lý Thạch Đường, Vạn Lý Trường Sa  thuộc Quỳnh Dương, Việt Hải là biển Đông của Quảng Đông, xứ Bách Việt xưa, Quỳnh Dương là biển Đông của Quỳnh Châu thuộc đảo Hải Nam đều thuộc vị trí kế cận tỉnh Quảng Đông, không thể xuống tận “Nam Sa” hiện nay, tức là Trường Sa của ta được.

Rất nhiều sách của Trung Quốc tả lộ trình đi biển đều nói rất rõ về Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đương, không thể nào ở xa như vị trí "Nam Sa" hiện nay. Sách Hải Quốc Văn Kiến Lục của Trần Luân Quýnh mô tả đường đi  từ Hạ Nam đến xứ Quảng Nam khi thấy Ngoại La Sơn (Cù lao Ré) của xứ Quỳnh, nếu chệch về Đông thì phạm vào Vạn Lý Trường Sa, Thiên Lý Thạch Đường mà chệch về Tây sợ rằng thuyền chạy vào vịnh Quảng Nam.

Như thế cho tới giữa thế kỷ 19 và mãi cho tới năm 1947, Vạn Lý Trường Sa chưa bao giờ  được Trung Quốc chỉ Nam Sa hay Spratley hay Trường Sa của Việt Nam.

Điều này cũng phù hợp với thực tế, cho tới năm 1909, chưa  bao giờ  nhà cầm quyền Trung Quốc quan tâm đến việc chiếm hữu các quần đảo ở biển Đông. Riêng quần đảo Nam Sa mà Trung Quốc gọi là Đoàn Sa năm 1935 và đổi tên là Nam Sa từ năm 1947, còn bị chậm  hơn Tây Sa ít ra gần ba chục năm. Khi chính quyền thực dân Pháp ở Việt Nam làm thủ tục chiếm hữu theo truyền thống phương Tây vào những năm 1930 đến 1933 thì Trung Quốc mới thực sự quan tâm và có ý đồ xâm phạm chủ quyền ở quần đảo này với thực dân Pháp đang bảo hộ Việt Nam về mặt ngoại giao.

Tên "Nam Sa" cũng không có nhiều bằng chứng dù là giả tạo như Tây Sa mà Trung Quốc viện dẫn về sự phát hiện. Không có gì giá trị vì đại loại cũng giống như những viện dẫn về Tây Sa mà chúng ta đã biết.

Văn kiện Ngoại Giao Trung Quốc năm 1980 cũng như Bộ sưu tầm tư liệu của nhóm Hàn Chấn Hoa cũng nêu tư liệu văn vật khảo cổ hay tư liệu Canh Lộ Bạ của các ngư dân ở đảo Hải Nam. Thật uổng công, bởi dù có tìm thấy nhiều cổ vật Trung Quốc hay đồng tiền cổ (như tiền Vĩnh Lạc) thì cũng giống như các nhà khảo cổ Pháp tìm thấy nhiều đồng tiền La Mã và cổ vật của thời La Mã cổ đại ở di chỉ Óc Eo (Nam Bộ Việt Nam). Không thể kết luận người La Mã đã phát hiện hay có chủ quyền đối với Việt Nam. Ngược lại,  trong tư liệu văn vật khảo cổ mà Trung Quốc dẫn chứng ở đảo Phú Lâm (Ile Boisée) lại ghi rõ có "Hoàng Sa Tự" - là bằng chứng chủ quyền của Việt Nam như đã trình bày. Cũng thế Canh Lộ Bạ của ngư dân đảo Hải Nam lại ghi Đông Hải mà Đông Hải là biển phía Đông. Phía Đông của đảo Hải Nam hay của nước Trung Hoa là đâu thì ai cũng đều biết. Vị trí của Hoàng Sa, Đoàn Sa đều ở phía Nam của đảo Hải Nam hay Trung Quốc!

Địa lý, vị trí chiến lược Trường Sa

Quần đảo trải dài từ vĩ độ 60 2 vĩ B tới  110 28 vĩ B, (1.4) từ kinh độ 1120Đ đến 1150Đ trong vùng biển chiếm khoảng 160.000 km2 - 180.000 km2. Biển tuy rộng nhưng diện tích các đảo, đá, bãi nổi lên khỏi mặt nước lại rất ít, chỉ tổng cộng khoảng 11 km2.

Về số lượng đảo theo thống kê của Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao (Vụ Biển thuộc Ban Biên giới Chính phủ) năm 1988 bao gồm 137 đảo, đá, bãi   không kể 5 bãi ngầm thuộc thềm lục địa Việt Nam (gồm bãi Phúc Tần, Huyền Trân, Quế Đường, Phúc Nguyên, Tứ Chính).

Không có một vùng biển nào trên thế giới với diện tích tương đương 3/4 Địa Trung Hải mà lại có tầm mức quan trọng về phương diện giao thông như Biển Đông. Muốn từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương, tàu thuyền phải chạy qua Biển Đông. Nếu đi vòng sẽ tốn kém hơn và mất thời gian nhiều hơn. Biển Đông nằm ngay trên ngã tư đường hàng hải quốc tế, nhất là lượng hàng hóa quan trọng như dầu hỏa, khí đốt đến Nhật đều qua ngả này. Nếu lấy giữa Biển Đông làm trung tâm nhìn ra thế giới:

Trong vòng bán kính 1.500 hải lý có các cảng quan trọng như Bangkok, Rangoon, Calcutta, Singapore, Djakarta, Manila, Taipei, Hồng Kông, Shangai, Nagasaki.

Trong vòng 2.500 hải lý, có các cảng quan trọng như Madras, Colombo, Bombay, Bali, Darwin, Guam, Tokyo, Yokohama, Seoul, Beijing... bao trùm hầu hết lãnh thổ các nước đông dân nhất thế giới, bao gồm một nửa nhân loại. 

Đường bay quốc tế cũng thế, từ Singapore, Bangkok, qua Hồng Kông, Manila, Tokyo... đều qua Biển Đông. Chính vì vậy hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không những là nơi hiểm yếu như các chính quyền phong kiến của Việt Nam đã khẳng định mà còn có giá trị chiến lược đối với Việt Nam và quốc tế. Vì thế nên trước khi Nhật Bản xâm lăng các nước Đông Nam Á hồi thế chiến thứ II, quân Nhật đã chiếm đóng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đến khi ký kết Hội nghị San Francisco năm 1951, Nhật Bản mới tuyên bố từ bỏ sự chiếm đóng hai quần đảo này.

Tài nguyên thiên nhiên, nhờ sự phát triển khoa học kỹ thuật, nhiều tài nguyên quý giá dần dần được khai thác từ lòng biển. Ai chiếm được nhiều hải đảo có thể kiểm soát nhiều lãnh hải và khai thác được nhiều tài nguyên ở dưới lòng biển. Từ khi có sự thăm dò cụ thể dầu khí ở Biển Đông, các nước trong khu vực bắt đầu quan tâm nhiều hơn trước, dẫn đến tranh giành chủ quyền với Việt Nam tại hai quần đảo này.

Kỳ 1: Đội Bắc Hải
Kỳ 2: Nhà Nguyễn thực thi chủ quyền
Kỳ 3: Những viện dẫn hoang đường

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, Tiến sĩ Sử học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.