Do quy hoạch "treo"
Sáng 3.1, PV Thanh Niên đã liên hệ với bà Võ Thị Hằng - Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức), nơi có trên 1.000 căn nhà XDTP nằm rải rác ở các khu phố 2, 6, 7, 8 trong các năm 2005, 2006. Bà Hằng cho biết: "Tại phường chúng tôi, trong số 1.018 căn nhà XDTP, có 687 căn nhà xây dựng trên đất chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Khoảng 50% số nhà XDTP được xây dựng trong khu vực quy hoạch, còn 50% XDTP phù hợp quy hoạch, nằm trong các khu dân cư phát triển mới hoặc khu dân cư hiện hữu".
Bà Hằng cũng cho rằng, từ năm 1997 đến nay, trên địa bàn phường có 16 dự án khu quy hoạch treo với tổng diện tích 48 ha nằm rải rác ở 7/9 khu phố thuộc phường. Rất nhiều người dân có nhu cầu về nhà ở nằm trong phạm vi các dự án đành phải XDTP để giải quyết nỗi bức xúc nhà ở. Về trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương, bà Hằng nói: "Chúng tôi cũng chú trọng việc quản lý trên địa bàn nhưng nhiều khi quản lý không xuể. Với gần 250 ha đất bị quy hoạch treo suốt từ 5 - 10 năm qua, không cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng trong khi nhu cầu về chỗ ở rất lớn khiến chính quyền rất khó xử...".
Vấn nạn quy hoạch "treo" hoặc chậm trễ trong việc phê duyệt quy hoạch tại nhiều khu vực ngoại thành đã khiến cho tình trạng XDTP trở thành phổ biến. Khi đề cập đến nguyên nhân XDTP ở phường Hiệp Bình Chánh, Sở Xây dựng TP.HCM cũng nhận định: Rất nhiều trường hợp do bức xúc trước tình trạng quy hoạch "treo" nên người dân có nhu cầu về chỗ ở đã XDTP. Sở Xây dựng TP.HCM cũng thống kê: trong số hơn 1.000 căn nhà XDTP ở Hiệp Bình Chánh, có đến 400 căn nhà nằm trong dự án 200 ha quy hoạch khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu. Tại nhiều địa phương khác, tình hình XDTP cũng liên quan rất nhiều đến công tác quy hoạch. Một cán bộ lãnh đạo của quận Bình Tân cho rằng: "Nếu giải được bài toán quy hoạch "treo", quy hoạch chậm trễ sẽ hạn chế rất nhiều tình hình XDTP ở các quận huyện ngoại thành".
Phạt cho tồn tại đến bao giờ?
Theo ông Đỗ Phi Hùng - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, Nghị định (NĐ) 180/CP (ngày 7.12.2007 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng) quy định phải đình chỉ thi công và buộc tháo dỡ đối với nhà đang XDTP, tuy nhiên NĐ 180/CP không quy định việc xử lý đối với dạng nhà XDTP đã hoàn thành. Do vậy, Sở Xây dựng kiến nghị thêm một số nội dung mà NĐ 180/CP chưa đề cập. Cụ thể là cho phép những căn nhà XDTP sau ngày 1.7.2004 được phép tồn tại nếu phù hợp quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, được xây dựng trên đất đã có "sổ đỏ", được xây dựng hoặc cải tạo lại trên nền nhà cũ, được xây dựng trên đất ở có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận và đảm bảo về cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, những trường hợp XDTP phù hợp quy hoạch nhưng chưa hoàn chỉnh hạ tầng thì buộc chủ đầu tư phải xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng mới xem xét cho tồn tại. Cũng theo ông Hùng, những trường hợp cho phép tồn tại cũng sẽ được xem xét để cấp giấy chủ quyền nhà đất.
Theo đề xuất của Sở Xây dựng TP.HCM, đối với những trường hợp XDTP trên đất không phải là đất ở, trong khu vực đã có quy hoạch chi tiết nhưng chưa thực hiện dự án cũng có thể cho phép tồn tại tạm thời nhưng chưa xét cấp chủ quyền nhà. Ngày 3.1, trao đổi với PV Thanh Niên, lãnh đạo một số quận huyện cho rằng, hiện nay nhiều khu vực ngoại thành chưa phủ kín quy hoạch 1/2000 hoặc đồ án điều chỉnh quy hoạch mới chưa được phê duyệt, trong khi đồ án quy hoạch 1/2000 cũ còn hiệu lực thì căn cứ vào đâu để biết được là nhà XDTP phù hợp hay không phù hợp quy hoạch? T.T.B |
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra vì sao tình trạng XDTP tại TP.HCM cứ tiếp diễn năm này qua năm khác và cuối cùng được giải quyết theo kiểu "tình thế" như vừa qua? Nếu lý giải nguyên nhân do quy hoạch chậm trễ, quy hoạch "treo" thì phải làm sao thúc đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch ở các quận huyện, đồng thời chỉ rõ trách nhiệm cơ quan nào thực thi không nghiêm và có biện pháp xử lý. Còn nếu do buông lỏng quản lý, do sai phạm, tiêu cực để XDTP tràn lan thì cấp quản lý địa bàn các quận huyện, phường xã phải chịu trách nhiệm ra sao. Một vị lãnh đạo thuộc Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM bức xúc: "Không thể để tình trạng XDTP tràn lan rồi Nhà nước cứ chạy theo để phạt cho tồn tại mãi được. Phải truy tận gốc nguyên nhân và có biện pháp giải quyết, xử lý rốt ráo. Đó mới là cách làm giúp Nhà nước quản lý tốt, đồng thời tạo điều kiện cho người dân sống theo đúng quy định của pháp luật".
Cũng cần nhắc lại, tại Quyết định 207 ban hành năm 2005, UBND TP.HCM chỉ xem xét tồn tại những trường hợp XDTP trước ngày 1.7.2004, và nêu rõ: Những trường hợp XDTP sau ngày 1.7.2004 sẽ kiên quyết buộc tháo dỡ. Nay 11.000 trường hợp XDTP sau ngày 1.7.2004 lại tiếp tục được cho tồn tại! Liệu sắp tới những trường hợp XDTP sau ngày NĐ 180/CP có hiệu lực (NĐ 180/CP ban hành ngày 7.12.2007 và có hiệu lực sau 15 ngày đăng công báo) có dứt khoát bị tháo dỡ, hay Nhà nước tiếp tục nhượng bộ, khiến cho vấn đề XDTP tại TP.HCM ngày càng thêm trầm trọng?
Trần Thanh Bình
Bình luận (0)