Sự kỳ diệu của âm nhạc Pháp

05/01/2008 22:20 GMT+7

Đã hơn một lần tôi tìm lại sự bình lặng và thanh thản trong tâm hồn nhờ những bản nhạc Pháp nổi tiếng cách đây vài thập niên.

Vào năm 2 đại học, tôi bắt đầu đi học tiếng Pháp ở Trung tâm Ngoại ngữ ĐH Sư phạm TP.HCM. Tôi học tiếng Pháp chỉ bởi ba tôi nói được thứ tiếng này. Buổi học đầu tiên, thầy Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với chúng tôi sơ nét về nước Pháp, và người Pháp với tham vọng quốc tế hóa Pháp ngữ và thiết lập đồng tiền chung cho châu u. Hơn 3 năm sau, đồng euro ra đời, tiếng Pháp đến nay vẫn không có nhiều người dùng. Cũng hôm ấy, thầy dạy chúng tôi phát âm bảng chữ cái, các đại từ ngôi thứ nhất và thứ hai, và bài hát Con gà trống chết rồi (Le coq est mort). “Nó không còn gáy co co di, co co da nữa”. Tôi thấy mình giống một đứa trẻ.

Học được vài hôm nữa, thầy dạy chúng tôi bài hát Donna Donna, kể chuyện chú bé con nhà quyền quý, sống trong nhung lụa nhưng luôn mơ ước mình sớm trở thành một người đàn ông, vượt ra khỏi sự bảo bọc của gia đình. Và điều đó cũng đã đến cùng với những vấp ngã, thất bại đầu đời, khiến cậu tiếc nuối quá khứ. Nhưng cậu bé không là một ngoại lệ, sự trưởng thành của con người có lẽ bao giờ cũng trải qua những giai đoạn như thế. Tôi thấy mình trong bài hát ấy.

Chừng được một tháng, thầy lại dạy một bài hát có vẻ như “quá sức” chúng tôi về cả ngôn ngữ lẫn ý nghĩa, bài La femme de mon ami (Vợ của bạn tôi). Bài hát kể chuyện một anh nọ trót thầm yêu trộm nhớ người vợ của bạn thân mình. Trớ trêu thay, cô vợ cũng từ lâu đem lòng yêu thương người bạn của chồng mình. Họ nhìn vào mắt nhau và hiểu thấu tim gan nhau, nhưng cả hai đều không dám vượt qua ranh giới giữa tình bạn và tình yêu, chỉ bởi cái lẽ thường đạo đức và tình nghĩa ở đời. m nhạc Pháp lãng mạn và nhân bản như thế. Tiếng Pháp chinh phục tôi từ đó.

Tôi bắt đầu tìm kiếm những bản nhạc Pháp ở nhà sách, nhưng chỉ đọc hoặc chép trộm về nhà chứ không có tiền mua, càng không thể mua được đĩa nhạc. Và tôi tìm thấy một bản nhạc độc đáo nữa, bài Ton meilleur ami (Người bạn thân nhất của anh). “Người bạn thân nhất của anh, đêm nào cũng điện thoại đến nhà mình, nói rằng anh ta thương nhớ em”. Thật là khó xử! Nhưng cô gái đã cư xử khéo léo giữ được nguyên vẹn tình cảm vợ chồng và tình bạn giữa ba người.

Nhưng bài hát làm người ta cao thượng hơn, nhân ái và sáng suốt hơn trong tình yêu có lẽ là bài Adieu, sois heureuse! (Vĩnh biệt em, cầu mong em hạnh phúc!):

Em, người đã không còn yêu thương tôi nữa
Em, người ra đi không trở lại bao giờ...
Em, nhưng tôi vẫn hát cho em
Em, nhưng tôi vẫn mơ cho em
Vĩnh biệt em, cầu mong em hạnh phúc!
Vĩnh biệt em, chúc em nhiều điều may!
Bên người mà trái tim em chọn lựa
Bên người sẽ dìu em từ hôm nay...

Đã từ lâu, tôi không còn nói tiếng Pháp, không còn viết thư, không chit chat bằng tiếng  Pháp, cũng chẳng mấy khi nghe nhạc hay đọc báo Pháp. Nhưng mỗi khi trái tim bị tổn thương, tôi lại tìm đến quyển Nửa thế kỷ tình ca Pháp mua được từ “thuở hàn vi” với giá 6.000 đồng. Nó giúp tôi bình thản cất lên điệp khúc: “Adieu, sois heureux! Vĩnh biệt anh, cầu mong anh hạnh phúc”.

May mắn, quyển nhạc bé xíu sai đầy lỗi chính tả đã luôn ở cạnh tôi trong những năm tháng một mình ở nước ngoài. May mắn, tôi đã học được thứ ngoại ngữ mà giới trẻ Việt Nam không nhiều người theo đuổi, thế giới cũng không nhiều người dùng. 

T.M

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.