Tre nở hoa

05/01/2008 16:46 GMT+7

- Khách qua Kim Long thích ghé vườn mụ điên ni lắm! - Sao lại gọi người ta là điên? - Từ từ rồi biết. Kia rồi! Ngồi với hai đứa con! - Thằng Tí chỉ cái cổng vòm tuyệt đẹp phủ cây thằn lằn, lá lăn tăn bò loăng quăng, mê mải viết bức tình thư màu gạch chín. - Người rứa mà nói điên. Mi điên thì có. - Đợi coi! >> Nghe đọc truyện

Thằng Tí ngoác miệng chào:

- Mấy mẹ con ngồi hóng mát hả?

Người đàn bà ngồi ở bậc thềm gật đầu nhoẻn miệng cười. Chị khoảng bốn mươi, đẹp thâm trầm như cái cổng gạch, khoát tay từ chối lời xin lỗi rối rít của tôi:

- Ai giận chớ tui sướng. Dễ chi được gọi rứa Vàng hí?

Chị choàng tay qua con chó ngồi cạnh nựng. Thật ngược đời. Chủ nhân thế, cơ ngơi thế mà chó thế. Chó ta. Lông bợt bạc. Lại già. Lại lòa. Lại ghẻ. Gãi kịch liệt. Còn bàn tay ngón thon dài quý phái đeo chiếc vòng ngọc ánh nước biếc lại xoa xoa lên chỗ ngứa của nó để làm dịu cơn khó chịu.

Thấy ấn tượng, tôi xin phép chụp một pô ảnh. Người như hoa hải đường bên cạnh con chó già thè lưỡi. 

- Rứa không điên là chi? Giàu lại đi nuôi chó ghẻ còn bỏ bạc triệu chuộc nó bao nhiêu lần. Thấy bở ăn, tụi trộm rình bắt đòi chuộc hoài! Giữ còn hơn giữ con! - thằng Tí kết luận.

***

Cơn mưa chiều tưới mát thôn Kim Long. Đang tồng ngồng tắm mưa, thằng Tí bỗng đứng lại, lom khom dòm qua rào.

- Chi rứa?

- Tới coi xi  nê ! - Thằng ranh thì thào - Cậu dòm đi.

Tôi ghé mắt. Một cảnh trong phim cũng không có. Như thuở hồng hoang. Đôi người chân trần, thân trần che chiếc lá sen đuổi nhau trong mưa. Chó ghẻ theo bén gót. Tiếng cười mướt mưa.  

- Mụ Tú bộn tuổi rồi mà nhẹ nhõm như hạt mưa...

- Không con nên trẻ mãi! Hễ mưa xuống là họ say.

- Say chi?

- Say mưa. Cậu không thấy họ tắm truồng rồi ngửa cổ nhấm mưa như nhấm rượu đó à? Đêm trăng họ lại say trăng. Rồi say hoa quỳnh, hoa súng, cả thứ hoa tầm thường như hoa thầu đâu (1) cũng trồng quanh vườn. Mùa hoa, tím ngát trời, thơm ngát xóm. Mụ Tú bày tiệc hoa có món gỏi lá thầu đâu và gỏi hoa hồng. Tóm lại, nhà nớ sống không giống ai, quanh đây gọi là đờ iên... điên.

- Điên rứa được mấy người, mi! Thôi, dòm người ta tắm truồng không xấu hổ hả thằng ranh?

- Ai biểu tắm lộ thiên cho người ta dòm. Tui còn chộ (2) chồng tắm cho vợ ở hồ sen, kỳ cọ như đứa con nít.

- Tình hỉ? Họ không có con cái chi hả?

- Cả bầy. Đứa nào cũng không biết nói - Thằng ranh cười.

Tôi được mời bước qua cái cổng gạch khi đem tặng chủ nhân bức ảnh ngồi với con chó ghẻ. Vườn đẹp như tên - Mộng viên. 

Mộng viên do người kiến tạo mà như từ cái búng tay của tạo hóa. Chùm nhà cổ tự tại thư thái. Hồ bán nguyệt mơ màng gót sen. Hành lang nối ngày xưa - hiện tại. Ao tiên cho người tắm tiên. Chòi cô miên phạt người cắc cớ - Người cắc cớ đang cười cười. Trông anh giống người làm vườn hay anh thợ mộc chứ không giống một nghệ sĩ. "Ảnh làm hết đó. Một mình đi lùng mua nhà cổ xuống cấp chở về... Có cái chỉ lấy được vài mảnh rồi hì hục lắp ghép" - Chị khoe.

- Còn hắn? - Tôi chỉ con chó già cứ lóng nga lóng ngóng bám theo chị. Chị đi, chúng đi, chị ngừng, chúng ngừng. Nó là bóng chị. 

- Nhặt Vàng (gold chứ không phải yellow) trước cổng từ nhỏ. Lòa rồi, thấy bằng tai. Sợ Vàng cô đơn, tôi nuôi thêm Mực - Chị chỉ con chó thứ hai đứng cạnh. Vàng thương còn hơn con đẻ, lây cả ghẻ cho nhau - Chủ nhân ngồi xuống quàng tay qua hai đứa cười. Hạnh phúc đôi khi đơn sơ thế đấy.

Sau chó, đến khỉ chuyền cây, chim hót trên cành, cá lội dưới nước, rùa trên bờ...

- Mộng viên là nơi mộng biến thành thực - người, cây cỏ, thú vật sống giao hòa - Tôi tấm tắc.

- Thì tất cả chúng ta sinh ra từ cát bụi của các vì sao, là anh em họ hàng với động vật hoang dã, với hoa đồng cỏ nội (3). Con người không thể độc quyền trái đất. Nó là mái nhà của muôn loài. Nhưng thương cái gì khổ cái nấy anh à! Tui khổ vì thương - Chị cười.

***

Người đàn bà ấy khổ vì thương...

Đêm ngồi trong nhà nghe tiếng gọi miu... miu trải dài suốt xóm. Thằng Tí bảo: "Mụ Tú đi tìm mèo đó. Tối tối gom thức ăn thừa cho mèo hoang. Ăn quen chúng đợi, rứa là có hẹn. Gió mưa lướt thướt cũng che dù đi vì sợ chúng đói. Ông chồng lẽo đẽo theo sau. Rứa không điên thì là chi?" - thằng Tí kết luận.

- Người ta bảo tôi điên anh à - chị nói - Cứ lụy bởi chó mèo. Mà không chỉ chó mèo, con gì cũng thương. Chúng cũng có sinh mệnh, số phận và số phận ấy tùy thuộc con người. Tôi đi đâu chó mèo theo đó. Chúng nhận ra tôi. Thấy con nào đói khát là chịu không nổi. Có khi thương thành hại chúng nữa. Cho ăn có thịt có da, thì người ta bắt làm thịt... Có lần tôi thương một con chó mà đẩy nó vào chỗ chết. Nó ở bên kia, tôi gọi là Lu tồ - Chị chỉ tay vào vườn bên cạnh - cứ chui rào qua chơi với hai con bên này. Ba đứa giỡn với nhau thật hạnh phúc. Rứa là chủ ghét, cột lại trước cổng, bỏ đói như trêu tức tôi. Thấy tôi đi qua, nó tru thảm thiết như cầu cứu. Tôi năn nỉ cho nó làm bạn với con Mực, mấy cũng mua nhưng chị ta lắc đầu khinh khỉnh rồi bỏ bao chở đi. Chồng tôi đi tìm các chỗ bán chó nhưng không thấy...

Con Vàng, con Mực lại biến.

Vợ chồng chị đi quanh mấy xóm vừa gào con vừa bắn tin chuộc lại. Đã mấy lần bị mất nhưng con Vàng không bị thịt. Nó đã quá già, thịt dai nhách. Đợi chuộc tiền gấp ba. Nhưng lần này nó đang ở trong tay một gã không bình thường, Tuệ anormal.

Tuệ anormal ở xóm bên, sống cách biệt và cô đơn trong khu vườn xô bồ, rậm rạp. Gã không vợ con, ít nối kết, chơi với đá. Với gã, đó là những khối vô ngôn dễ chịu, tạo tác tuyệt vời của thời gian và mưa nắng. Chủ nhân cũng như vườn, tóc dài thấu vai, râu ria ngập mặt. Tôi đã thấy gã một lần ở chợ. Gã đi từ đầu đến cuối chợ, mua không cần trả. Nói bao nhiêu đưa bấy nhiêu nhưng chẳng ai dám bán đắt cho gã. Tướng như anh mổ lợn, mặt ngầu như tướng cướp, bí mật và cô đơn như một ốc đảo. Người ta sợ sức mạnh và nỗi cô đơn ấy. 

Con Vàng, con Mực quả đang ở trong nhà Tuệ anormal. Nghe tiếng chủ, nó sủa cuống cuồng nhưng cổng vườn không mở. Gọi thì đá thưa. Sợ gã làm thịt con chó, ông chồng nâng giá chuộc từ một triệu lên hai triệu nhưng Tuệ anormal lắc đầu. Gã bảo chó tự động vào vườn gã. Gã chỉ thả với điều kiện nữ chủ nhân Mộng viên vào làm khách nhà gã, không đi kèm với ai.

- Sao không phải anh mà là em? - Ông chồng nghi ngại.

- Không làm theo hắn, con mình sẽ chết - Chị rơm rớm nước mắt.

- Hắn không bình thường...

- Hắn điên, em cũng điên. Hắn không mần chi em được mô! Anh cứ ngồi ngoài, có chi em gọi di động hoặc la lên.

Anh chồng xiêu lòng gọi tôi tới cho có đồng minh. Hai người đàn ông ngồi ngoài cổng, còn chị vợ bước vào Thạch viên. Đúng là Thạch viên. Giữa ngổn ngang cây cỏ, đá đứng ngồi nhấp nhô.

Tiếng chó rộ lên như một dàn đồng ca rồi im bặt. Thời gian dài ra đến nghẹt thở. Kim đồng hồ nhích từng chút khó nhọc. Điện thoại câm lặng. Anh chồng gọi vào thì chị vợ trả lời "An tâm". Gọi nữa thì cáu: "Ai ăn thịt mô mà sợ !". Bóng chị lay động trong cái khung chết tiệt ấy cho đến khi mặt trời đứng ngọ.

Chị trở ra không chỉ với con Vàng, con Mực, mà cả con Lu tồ tưởng đã thành món cầy tơ. Tôi ngây người nhìn chị sóng bước thanh thản bên lũ chó hạnh phúc. Sẵn máy ảnh, tôi chộp khoảnh khắc ấy. Chộp luôn Tuệ anormal đứng dưới bụi tre nhìn theo, bởi tôi phát hiện trên đầu gã một chùm hoa tre vàng nhạt nở bung như pháo hoa. Người ta bảo đời người hiếm ai nhìn thấy hoa tre. Tre chỉ ra hoa cuối đời, mà đời tre có khi dài hơn đời người. Nở hoa xong, tre chết.

***

Bức ảnh chụp khoảnh khắc ấy đổi được một câu chuyện dài.

- Năm đó tôi mười lăm tuổi - Tuệ anormal mở đầu - Nghỉ hè, cha bắt tôi chở cái lồng sắt theo ông. Cha tôi làm nghề buôn chó. Ông nói tôi có học hành mấy cũng không kiếm tiền dễ như nghề buôn chó sống bán chó chết. Chúng tôi rảo khắp hang cùng ngõ hẻm mua chó. Có chủ thì mua. Không chủ thì quật gậy sắt. Chó sống, chó chết, chó bệnh gì mua tất. Chó bệnh hay trúng bả thì người ta cho như tống đi. Chó chết da bọc xương thì vặt sạch lông, chôn xuống cát một ngày rồi bới lên. Trương phình, mập mạp tròn quay, thui rơm vàng ươm hấp dẫn. Một vốn bốn lời.

Chiều đó, cha con tôi đi vào một xóm nghèo. Nghèo người ta mới bán chó, mới thả rong chó. Bọn chúng đều ốm giơ xương, nuôi để dọn cứt trẻ nhỏ. Đến cuối xóm, ngang qua một căn nhà trống hoác thì có tiếng chó sủa. Một người đàn bà đứng ở sân nhìn ra. "Đổi chó lấy tiền đong gạo đi!" - Cha tôi gạ. Con chó vá đánh hơi mùi chết, sủa điên dại. Người đàn bà nhìn nó rồi nhìn cha tôi, lưỡng lự. Ông bồi thêm: "Một ký hơi hai chục nghìn. Con đó khoảng dưới chục ký. Đổi lấy gạo cho con ăn".

Ông vừa dứt lời, một con bé ào ra ôm chó chạy vụt đi. "Bán không, tôi giúp?". Người đàn bà gật. Cha ra hiệu cho tôi đuổi theo con bé. Con chó dài ngoằng, con bé thì gió thổi bay nên tôi dễ dàng bắt kịp nó. "Tau không bán!" - Nó hét rồi thả con chó "Xuỵt, cắn thằng ác ôn đi Vá!". Con chó táp ngay bắp chân tôi. "Chạy đi, Vá !" - Con bé lại ra lệnh, còn nó xông vào cản tôi, đu tấm thân bé bỏng lên người tôi và ngoạm tôi bằng tất cả sức mạnh của những chiếc răng nhọn hoắt. Tôi tát liên hồi lên mặt, nó vẫn không thả. Cha tôi xuất hiện.

Ông huơ chiếc thòng lọng ra, lập tức siết lấy cổ con vật trung thành đáng thương không nỡ bỏ chủ. Tấm thân gầy nhom của con bé như tan thành tiếng thét đớn đau nhọn hoắt. Con chó của nó trong rọ cũng tru lên, chảy nước mắt. Cha tôi quẳng đại cho người đàn bà hai trăm bạc rồi hối tôi đạp xe đi. Con bé ghì lồng sắt lại. Đụng vào, nó cắn còn hơn chó dại. Tôi đạp, con bé vẫn không buông tay. Hết hai con đường, phải tránh chiếc xe lớn, con bé mới thả tay nhưng vẫn kiên trì đeo bám, dẫu khoảng cách cứ xa dần. Không hiểu sao vòng xe của tôi không còn hăm hở nữa. Nó chậm dần, chệnh choạng vì tôi cứ ngoái lại. Lần cuối cùng ngoái lại, trời sắp tối. Con bé chỉ còn là cái chấm nhỏ trong chiều.

Đêm ấy tôi không ngủ được. Vết cắn sưng nhức. Hình ảnh con bé như dại như điên vì mất chó cứ luẩn quẩn trong đầu. Trời sắp tối, chạy xa nhà đến năm cây số, nó có về nhà được không ? Nó có bị xe cán?... Gần sáng, tôi rón rén xuống nơi nhốt chó. Con chó của nó vẫn còn trong rọ sắt, đúng năm giờ cha tôi sẽ hóa kiếp nó, cùng những con khác. Tôi nhấc rọ, bỏ lên xe đạp, chạy lui trở lại...

- Rồi sao? - Tôi bị hút vào câu chuyện.

- Đến đầu xóm, con chó mừng rỡ sủa vang. Nó nhận ra chốn thân quen. Từ trong tối, một cái bóng nhỏ vọt ra. Chính là con bé ấy. Nó không ngủ, nhào tới ôm lồng chó.

- Thả nó ra, muốn gì tau cũng chịu - Con bé năn nỉ.

- Tới coi mi có về thấu nhà hay không chớ không phải tới trả chó. Tiền mẹ mi lấy rồi. Con chó này thuộc về tau - Tôi vờ quay xe.

- Tau sẽ tìm cách trả tiền lại.

- Tau không lấy tiền.

- Rứa mi lấy chi?

- Lấy mi - Tôi  trêu - Mi mấy tuổi?

- Mười ba.

- Răng ốm nhách rứa? Đói lắm hả? Ăn thịt chó không? Làm vợ tao, vài ngày tao cho ăn một đùi chó là mập căng ra.

Con bé rùng mình, lắp bắp:

- Mi giết chó là ác lắm.

- Chó cũng như gà heo bò thôi. Nuôi để ăn thịt. Ác chi mà ác.

- Chó là con vật tình nghĩa. Hai cha con mi ác như nhau.

- Rứa thì thôi - Tôi trở đầu xe.

Con bé lập tức nhào tới, bấu chặt cái lồng chó. Con Vá trong lồng cũng cào cấu, rên rỉ.

- Chịu không? Tau đi đây - tôi khoái chí bỏ chân lên bàn đạp.

- Chịu - Con bé đầu hàng.

- Ngoéo đi - Tôi giơ ngón tay út, nó giơ theo. Tôi lồng ngón tay mình vào tay nó rồi dùng tay kia chặt rời.

- Từ rày mi là vợ tao. Lật lọng tao bả chết chó mi.

- Thả chó tau ra!

- Dễ rứa hả? Muốn thả hun chồng miếng đã - tôi chìa má - Càng lúc, tôi thấy trò chơi càng thú vị.

Nó đứng yên liếc con chó trong rọ.

- Hun chứ không phải táp như chó đâu nghe! Mau lên kẻo tau đổi ý.

Nó đến bên tôi, tần ngần. Tôi cúi xuống vì cao hơn nó cả cái đầu. Nó kề má tôi, nhăn mặt hít nhẹ. Còn tôi thoáng một cảm giác thật khó tả.

Sau đó, tôi còn quay lại xóm nhiều lần nhưng nó lẩn như chạch. Một lần tôi đón được nó ở đầu xóm khi nó đi học về, và giở trò đe dọa, đòi hôn. Con bé không nói không rằng, quật cái cặp vào mặt tôi rồi bỏ chạy.

Tôi thích con bé ấy. Quyết liệt dữ dằn nhưng lại đa cảm. Gầy gò xanh xao nhưng rất dễ thương. Không lẫn vào ai bởi một nốt ruồi đen dưới khóe mắt phải, như một giọt lệ không rơi.

Rồi chính nó lại điều khiển tôi. Nó ra giá một con chó tôi trộm của cha trả về cho chủ (để  chính mắt nó thấy) được đổi một lần gặp mặt. Tôi trả đến con thứ ba thì bị cha phát hiện, đánh một trận la lết. "Tau đánh cho mi chừa cái thói mê gái khốn kiếp. Con nhà đổi chó mà thả chó là lộn sân rồi! Người còn ăn thịt nhau huống gì thịt chó! Mấy anh chị mi không đứa nào giống mi. Có nước đói thôi con à". 

Suốt tuổi thiếu niên tôi rình nó. Mười lăm tuổi, con bé trổ giò lớn vùn vụt. Vừa học vừa bán xôi với mẹ mà vẫn học giỏi và kiêu hãnh như bà hoàng. Ánh mắt nó nhìn tôi lạnh băng. Khóe miệng mím chặt. Tôi sẵn sàng đổi một lồng chó lấy nụ cười của nó nhưng nó không hề cười với tôi. Nó cũng không sợ tôi vì nó biết sức mạnh của mình. Tôi mà giết chó nó, nó sẽ giết tôi với cách của nó. Thế là tôi cứ lẽo đẽo theo nó như một con chó. Chỉ để nhìn thấy nó.

Cái tình thơ dại buồn cười ấy không tàn theo năm tháng mà cứ lớn dần lên. Tôi nhìn nó đẹp lên từng ngày và xa vời vợi. 

Mười tám tuổi, nó có vệ sĩ. Một thằng hơn tôi cái khoản dẫn chó đi ị và không có mùi máu chó tanh tao bám vào từng

milimét thịt da như tôi. Cha tôi cũng có mùi đó. Đậm đặc. Tôi chặn đánh mấy bận tóe máu nhưng thằng kia không hề ngán. Con bé đi đâu, nó theo đó. Hai đứa còn phối hợp để trêu tôi. Tôi vạch kế hoạch thịt thằng đó...

Gã đột ngột hạ giọng như tiếng thì thầm: "Ông có bao giờ thấy người hóa chó chưa?".

"Buổi sáng ấy, cha tôi thức dậy vào bốn rưỡi sáng như mọi khi. Hai mươi năm làm nghề buôn chó, giết chó, đồng hồ sinh học của ông chính xác hơn cả đồng hồ thực. Ông bỏ chân xuống giường là đồng hồ báo thức reo. Ông dậy có nghĩa là cả nhà phải dậy và mười con chó phải chết. Đúng mười con. Tẩm ướp, pha phách, chế biến có nghề có ngón tạo thành thương hiệu quán Mười con cầy. Khách nườm nượp, xe hơi sắp hàng, thấy treo chữ Hết to tướng mới quay về.  

Nhưng sáng ấy không nghe ông quát tháo. Nhìn qua giường ông, tôi thấy ông ngồi chồm hổm, giơ chân gãi kịch liệt rồi thè lưỡi liếm người. Dạo này tôi hay lén dòm cha... Ông như bị chó nhập, mỗi ngày thêm giống chúng từ điệu bộ đến dáng vẻ. Sáng nay, ông dậy, làm động tác rùng rùng lắc lắc như rũ lông rồi đi ra vườn. Tôi đi theo ông, thấy ông ghếch chân lên cây cau đái rồi vục mặt xuống thau nước cạnh đó uống và đi ra cổng... Tôi kêu toáng lên. Cả nhà đổ ra, chứng kiến cha tôi băng qua đường ở vạch trắng hẳn hoi nhưng bằng bốn chân, lưỡi thè ra...

Cha tôi bị nhốt trong căn phòng trên sân thượng. Dưới nhà, anh tôi, mẹ tôi vẫn bán thịt chó. Một thời gian sau ông chết... Còn tôi bỏ nhà đi...".

Tuệ anormal im bặt. Ngừng luôn ở đó. Tôi đến, thấy cổng vườn khép chặt. Khép một câu chuyện dở dang. Một mối tình dang dở.

Chùm hoa tre nở bung như mây đầu ngõ giờ đã tàn, khô quắp. Thân chuyển qua màu ngà, bạc phếch, sắp chết. Cũng đã đến ngày tôi rời Huế. Chủ nhân Mộng viên tiễn tôi bằng một bữa gỏi hoa hồng. Không kìm được, tôi hỏi chị:

- Tuệ anormal hình như đi đâu. Không chào được hắn.

- Dạ... Đi vắng. Ông ta còn định bán vườn. Con người rứa mà tốt. Ông ta đã mua lại con Lu tồ từ người chủ nhẫn tâm, giờ gửi lại tôi nuôi. Đừng coi chuyện chó là chuyện nhỏ. Nhìn cách con người đối với con vật thì biết ngay người đó thế nào - Chị kết luận. 

- Còn cái hôm chị vào vườn, ông ta nói gì? - Tôi tò mò.

- Mắc cười lắm. Ông ta chỉ hỏi chuyện chó. "Chị có nhớ tên con chó chị nuôi hồi nhỏ không?" - "Nó tên Vá" - Tôi trả lời - "Làm ơn kể tôi nghe chuyện về nó". Tôi kể về con Vá. Ông ta ngồi nghe. Sự im lặng của ông ta buộc tôi nói rồi miên man không dừng được. Tuổi thơ ùa về. Ngày tháng cũ hiện ra. Con Vá mà tôi thương, cái thằng mà tôi ghét, chặng đời tôi trải qua... Tới khi dừng, mới biết tôi đã nói hai giờ liền. Ông ta là một người biết nghe chuyện. Chăm chú. Trầm ngâm. Không hỏi. Không ngắt. Xong chuyện, ông ta cám ơn, gửi lại tôi con Vàng, con Mực, cả con Lu tồ. Đúng là ở với đá, lần lần cũng hóa đá, thâm trầm, ít nói và bí mật như đá. Nhưng ông ta là người tử tế, tôi biết - Chị khẳng định.

***

Từ dạo đó, tôi không về lại thôn Kim Long, cũng không gọi điện hỏi thăm thằng Tí về Tuệ anormal, về chị, về chó, về tre. Tôi sợ những kết cục. Tôi đã có một câu chuyện dở dang để họ cùng sống trong đó. Thỉnh thoảng buông viết, tôi liếc nhìn Tuệ anormal trong bức ảnh chụp hoa tre. Ánh mắt gã trầm tĩnh, thanh thản. Ánh mắt của một người yêu vô lượng, một gã đồ tể buông cây dao trong tâm.

Tôi tin gã không còn lẽo đẽo theo chị như con chó trong phần đời còn lại của mình. Tình yêu gã như cây tre nở hoa, kết tụ đằng đẵng, bung nở rồi chết.

Rồi hết. 

Truyện ngắn của Quế Hương

Chú thích:
(1) Hoa thầu đâu (tiếng địa phương) còn có tên hoa xoan
(2) Chộ (tiếng địa phương): thấy
(3) Dẫn lời Trịnh Xuân Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.