Xung quanh việc Iran mua tên lửa S-300

05/01/2008 14:43 GMT+7

Sau khi Iran tuyên bố đã đạt được thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Nga, phía Nga liền lên tiếng phủ nhận. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy đã có thỏa thuận thực sự.

Món quà đầu năm mới

Hệ thống tên lửa S-300 sẽ được đưa đến Iran theo hợp đồng đã ký với Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Mostafa Mohammad-Najjar phát biểu trên Đài truyền hình quốc gia hôm 26.12.2007. Ông nhấn mạnh đây là một trong những vũ khí "ưu việt nhất thế giới, có kết quả tối ưu khi nhắm bắn các mục tiêu trên không".

Không khó để hiểu niềm phấn khích của Bộ trưởng Najjar bởi nhiệm vụ của ông là bảo vệ đất nước mình. Ngoài ra, cần phải tính đến việc Iran luôn bị đe dọa tấn công từ xa bằng tên lửa hoặc máy bay ném bom. Vì thế hợp đồng sơ bộ về S-300 là món quà tặng quý giá mà ông có được nhân đầu năm mới. Có thể S-300 không "với tới" các loại máy bay chiến lược có khả năng phóng tên lửa từ cách xa hàng trăm hay cả ngàn km, nhưng nó lại hạ được các chiến đấu cơ F-15, F-16 và F-18.

Giờ đây giới quân sự Iran đang cầu nguyện để hợp đồng nêu trên sẽ không bị hủy bỏ, bởi S-300 sẽ làm cho họ cảm thấy yên tâm hơn. Tuy trước đây Iran có những tuyên bố mạnh mẽ, nhưng lực lượng phòng không của nước này chưa đủ sức chống lại không quân Mỹ. Hơn thế nữa, nếu có S-300, trên mặt trận ngoại giao các chính trị gia Iran có thể chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công. Đặc biệt là trên bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của mình, Iran sẽ thay đổi giọng điệu. Và có thể ra điều kiện tháo bỏ các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Iran trước để cho phép Cơ quan năng lượng quốc tế IAEA thanh sát nước này.

Israel lo ngại

Tại Israel, tin tức Iran sẽ có S-300 được đăng tải trên trang nhất nhiều báo ra ngày 27.12 của nước này. Hầu hết các bài báo đều cho rằng, tên lửa Nga sẽ giúp Iran chống lại được các cuộc không kích của Mỹ hoặc Israel. Tóm lại, những nhà quan sát nơi đây cho rằng thực tế Tehran đã được "cởi trói" để tự tăng cường sức mạnh hạt nhân cũng như tự do tăng cường tiềm lực quân sự của mình.

Vài nét về S-300


Tên lửa S-300  ẢNH: AFP

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 được Liên Xô bắt đầu thiết kế từ giữa những năm 60 thế kỷ trước, nhằm thay thế hệ thống S-75 được trang bị cho quân đội cuối những năm 50. S-300P được thử nghiệm lần đầu vào những năm 70. Trải qua nhiều lần cải tiến, hoàn thiện, đến năm 1993, Nga sản xuất thành công loại S-300 PM1 (loại sẽ cung cấp cho Iran). Đây là hệ thống chủ lực của phòng không Nga, có khả năng bắn hạ bất cứ mục tiêu nào bay với tốc độ 2,5 km/giây trên không từ khoảng cách 150 km. S-300 cho phép tiêu diệt một số loại tên lửa, các loại máy bay có người lái và không người lái.
Ngay ngày 28.12, báo chí Israel đã loan tin Ngoại trưởng Tzipi Livni sẽ đến Moscow nhằm thuyết phục Nga hủy bỏ hợp đồng với Iran. Tuy nhiên, bước đi này rất khó thu được kết quả bởi trước đây, Thủ tướng Israel Ehud Olmert từng hứa hẹn ký kết những hợp đồng mua vũ khí rất có lợi cho Nga, nhưng Moscow vẫn không từ bỏ việc cung cấp vũ khí cho Iran.

Một giả định khác là có thể Israel sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân và các căn cứ S-300 của Iran. Nhưng về kỹ thuật là rất khó khăn, vì khoảng cách từ các sân bay Israel đến các cơ sở quân sự của Iran là hơn một ngàn km và lại phải bay qua không phận vài quốc gia.

Hơn nữa việc "rút dây" sẽ gây "động rừng" khắp cả vùng Trung Đông, tạo nên khủng hoảng trầm trọng là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng không ủng hộ.

Mỹ không hài lòng

Trợ lý thư ký báo chí Nhà Trắng Scott Stanzel phát biểu về khả năng Nga cung cấp S-300 cho Iran: "Cũng như sự lo lắng của nhiều quốc gia khác, chúng tôi không giấu giếm mối quan tâm của mình về khả năng Nga bán loại vũ khí này cho Iran". Trên phương diện ngoại giao điều này có nghĩa là Washington bực tức về khả năng Iran - một trong những quốc gia "cứng đầu" đối với Mỹ - được trang bị hệ thống phòng không mạnh này.

Vấn đề là ở chỗ radar của hệ thống S-300 có bán kính hoạt động 400 km, nhờ đó Iran có thể quan sát sự dịch chuyển của không quân Mỹ tại nhiều nơi ở vùng Vịnh. Như vậy quyền lợi của chính Mỹ bị động chạm và Washington chắc chắn sẽ không muốn điều này xảy ra. 

Trước đây, Mỹ không ít lần tuyên bố "không loại trừ bất kỳ biện pháp nào" nếu Iran không dừng việc làm giàu uranium. Điều này có nghĩa Mỹ có thể sử dụng máy bay ném bom Iran. Tuy nhiên, nếu Iran có hệ thống phòng không hiện đại thì ngay cả khi Mỹ có trong tay "quả đấm không lực" mạnh nhất thì việc tấn công các mục tiêu của nước này mà tránh tổn thất sẽ là điều không dễ dàng. Và Washington có thể bị mất "át chủ bài' trên bàn ngoại giao. 

Tựu trung việc xuất hiện S-300 tại Iran không có lợi cho Mỹ, nên hầu như chắc chắn Washington sẽ gây sức ép để Moscow hủy bỏ hợp đồng. Để làm việc này Washington sẽ đặt vấn đề về khả năng Nga gia nhập WTO, hoặc sẽ toan tính phong tỏa đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế Nga... Tuy nhiên, cũng phải tính đến việc Mỹ còn nhiều mối bận tâm khác: Iraq, Afghanistan, tình hình bất ổn ở quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân Pakistan và cả cuộc bầu cử tổng thống của mình vào mùa thu 2008.

Mặt khác, Nga hiện không chao đảo trong dòng chảy dầu - USD, và đủ sức mạnh không cho phép ai có thể "răn dạy" mình. Giờ đây, mỗi cuộc đối đầu với phương Tây trong các vấn đề song phương, đa phương trở thành "tính cách" của người Nga. Vì vậy, nếu Mỹ gây thêm căng thẳng với Nga sẽ chỉ là "động tác thừa". Chính vì thế các nhà quan sát cho rằng, Nga đã chọn đúng thời điểm để bán vũ khí cho Iran.

Mũi tên nhiều mục đích

Theo Báo Kommersant của Nga, hợp đồng S-300 này có giá trị 800 triệu USD. Số tiền khá lớn, nhưng với Moscow đây dường như không phải là bài toán kinh tế mà là nước cờ mang tính chính trị.

Dù giới chức Nga lên tiếng bác bỏ khả năng bán S-300 cho Iran nhưng việc báo chí loan tin này rộng rãi cho thấy có thể đây là nước đi đầy tính toán của Moscow. Và khi thông tin này được loan đi, cũng có nghĩa Moscow đã đặt "món hàng" của mình lên bàn để mặc cả với các nước mà họ cần mặc cả. Những nước tham gia cuộc "đấu giá" này sẽ là Iran, Mỹ và Israel.

Iran sẽ nhận được vũ khí với việc cho phép Nga khai thác dầu khí của nước mình cũng như ký hợp đồng mới với Moscow về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Mỹ muốn Nga hủy bỏ hợp đồng thì cũng phải nhượng bộ vấn đề Moscow gia nhập WTO cũng như giải quyết vấn đề Kosovo bằng cách khác. Với Israel thì Nga chỉ có một mục đích: Giành quyền lớn hơn trong việc tham gia đàm phán về vấn đề hòa bình ở Trung Đông.

Nói cách khác, các nhà ngoại giao Nga đang có con bài mà muốn lật thế nào cũng giành phần thắng lợi. Dù cuối cùng Nga không cung cấp vũ khí cho Iran, thì đất nước vùng Vịnh này muốn hay không vẫn cần có những quan hệ tốt lành với Moscow. Còn nếu Iran có S-300 và Mỹ nổi giận, thì so với quan hệ đang "không thể xấu hơn" giữa hai nước như hiện nay thì cũng chẳng nhằm nhò gì. 

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.